Nhiều mô hình nổi bật
Nhiều năm qua, TP.Cần Thơ là một trong những địa phương đi đầu trong việc xây dựng cánh đồng lúa sạch. Năm 2017, tổng diện tích lúa 3 vụ của thành phố là 240.125ha (đến nay đã thu hoạch hơn 180.000ha, sản lượng trên 1,1 triệu tấn). Ngành NNPTNT TP.Cần Thơ chú trọng xây dựng, phát triển nhiều mô hình sản xuất gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và thích ứng biến đổi khí hậu để nâng cao giá trị sản xuất trên cùng một diện tích. Hiện mỗi năm thành phố sản xuất trên 1,3 triệu tấn lúa; trong đó hơn 80% là lúa chất lượng cao.
TP.Cần Thơ hiện có gần 200ha nuôi thủy sản theo các tiêu chuẩn an toàn (VietGAP, BMP, ASC, BAP...); 83ha lúa và hơn 20ha rau màu, cây ăn trái sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; 26 mô hình vườn cây ăn trái kết hợp du lịch sinh thái. Đến nay, hầu hết các khâu trong sản xuất và thu hoạch lúa được cơ giới hóa. Thành phố cũng đã hình thành các vùng sản xuất lúa, rau màu, hoa - kiểng và cây ăn trái tập trung.
Còn tại Long An, chương trình phát triển vùng lúa chất lượng cao của tỉnh được thực hiện từ năm 2013 với diện tích hơn 40.000ha tại 25 xã thuộc các huyện, thị xã vùng Đồng Tháp Mười. Thời gian qua, tỉnh Long An tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng thủy lợi, phát huy hiệu quả trạm bơm điện... giúp nông dân tăng năng suất, sản lượng lúa chất lượng cao không ngừng tăng lên. Năng suất lúa toàn tỉnh từ 5,34 tấn/ha (năm 2013) tăng lên 5,38 tấn/ha (năm 2016), sản lượng từ 2,66 triệu tấn (năm 2013) tăng lên 2,81 triệu tấn (năm 2016).
Sở NNPTNT Long An cho biết, tỉnh đã thực hiện đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cây lúa với diện tích 20.000ha ở vùng ở vùng Đồng Tháp Mười (nằm trong vùng quy hoạch lúa chất lượng cao); đang đẩy mạnh triển khai xây dựng các mô hình điểm ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất lúa để có cơ sở triển khai nhân rộng. Các mô hình này sẽ hỗ trợ cho nông dân san phẳng mặt ruộng bằng tia laser; cơ giới hóa đồng bộ các khâu sản xuất; sử dụng giống xác nhận, phân vi sinh, phân hữu cơ thay cho các loại phân bón vô cơ… Bước đầu, các mô hình này đã phát huy hiệu quả, góp phần thay đổi nhận thức của nông dân trong sản xuất.
Tập trung nâng cao chất lượng
Viện Lúa ĐBSCL là cơ quan nghiên cứu, cho ra đời nhiều giống lúa chất lượng cao. Trong 10 giống lúa chủ lực được trồng phổ biến nhất tại vùng ĐBSCL có 8 giống do Viện Lúa ĐBSCL chọn tạo, chiếm tỉ lệ trên 77% diện tích gieo trồng của vùng. Chỉ riêng 4 giống lúa chủ lực của viện (OM 5451, OM 6976, OM 4218, OM 4900) đã chiếm 40 - 60% diện tích trồng lúa ở vùng ĐBSCL. Đặc biệt, diện tích trồng giống lúa OM 5451 tăng nhanh trong 5 năm qua, hiện chiếm diện tích 900.000ha, dần thay thế giống IR 50404. Kể từ năm 2005 đến nay, đầu tư cho sản xuất lúa ở vùng ĐBSCL gần như không tăng, nhưng năng suất lúa vẫn tăng từ 4,89 tấn/ha/vụ lên 5,8 tấn/ha/vụ. Năng suất tăng phần lớn nhờ sử dụng các giống mới. Song song đó, việc sử dụng lúa giống cấp xác nhận là yêu cầu quan trọng góp phần đảm bảo chất lượng, năng suất lúa.
Theo Bộ NNPTNT, vụ đông xuân 2017 - 2018, vùng ĐBSCL dự kiến xuống giống hơn 1,53 triệu hecta lúa. Hiện các địa phương trong vùng đang củng cố, thực hiện các hợp đồng bao tiêu lúa đông xuân trên diện tích khoảng 200.000ha.
Riêng tại TP.Cần Thơ, vụ đông xuân 2017 – 2018 sẽ triển khai sản xuất theo mô hình cánh đồng lúa sạch tại các huyện trọng điểm trồng lúa (Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai) với diện tích 10.000ha và sẽ được triển khai trong các cánh đồng mẫu lớn. Còn tại Hậu Giang, ông Nguyễn Văn Đồng - Giám đốc Sở NNPTNT - cho biết, hiện có 16 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đang bàn phương án bao tiêu lúa đông xuân 2017 - 2018 với gần 20 hợp tác xã sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh. Dự kiến, Hậu Giang xuống giống khoảng 78.000ha lúa đông xuân; trong đó sẽ mở rộng diện tích trồng lúa cánh đồng lớn lên 11.000ha (tăng 5.000ha). Các doanh nghiệp như Tập đoàn Lộc Trời, Gentraco, Lương thực Sông Hậu… sẽ sát cánh cùng nông dân để thực hiện xây dựng cánh đồng lớn và bao tiêu lúa vụ đông xuân 2017 - 2018.
GS.TS Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ - cho biết, gạo thơm ST24 của Việt Nam đã được vinh danh với gạo Thái Lan và gạo Campuchia trong “Top 3 gạo ngon nhất thế giới” tại Hội nghị Quốc tế lần 9 về thương mại gạo tổ chức tại Ma Cao - Trung Quốc (ngày 8.11). Được biết, gạo ST24 là sản phẩm của nhóm nghiên cứu do kỹ sư Hồ Quang Cua (Sở NNPTNT Sóc Trăng) dẫn đầu cùng với TS Trần Tấn Phương và kỹ sư Nguyễn Thị Thu Hương. Gạo thơm ST24 có đặc điểm nổi bật là ngắn ngày (100 - 105 ngày) so gạo Thái (khoảng 150 ngày). Thành quả này còn có ý nghĩa “đóng dấu” cho thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế…