Phóng viên NTNN đã trao đổi với ông Vũ Xuân Hồng- Phó Tổng Giám đốc công ty để biết rõ hơn về chủ trương này.
Đứng ở góc độ là một đơn vị chuyên cung ứng phân bón phục vụ sản xuất cho bà con nông dân, ông đánh giá thế nào về hiệu quả của mô hình sản xuất CĐML. Khi có những mô hình như thế này, việc cung ứng vật tư phân bón sẽ có những thuận lợi như thế nào?
- Theo tôi, trong thời gian qua mô hình CĐML sản xuất theo hướng tập trung đã khẳng định được kết quả to lớn về mặt kinh tế và xã hội. Việc xây dựng mô hình thành công góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hoá tập trung với sản lượng lớn, chất lượng, hiệu quả cao và bền vững; góp phần thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp của từng địa phương. Một khi có những mô hình như thế này việc cung ứng vật tư phân bón sẽ có những thuận lợi, như: Đối với công ty sẽ cung cấp được khối lượng lớn phân bón cho các hộ nông dân tham gia mô hình, có điều kiện để tuyên truyền tập huấn, hướng dẫn cho bà con nông dân bón phân Lâm Thao khép kín có hiệu quả cao, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật về phân bón vào sản xuất nông nghiệp để khẳng định thương hiệu phân bón Lâm Thao.
Đặc biệt, đối với bà con nông dân khi tham gia mô hình sẽ được cung cấp phân bón có chất lượng tốt, đúng thời điểm, đủ về số lượng, giá thành thấp hơn so với giá thị trường, được hướng dẫn kỹ thuật bón phân Lâm Thao khép kín.
Khi tổ chức sản xuất theo mô hình CĐML, vai trò liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp là rất quan trọng. Trong quá trình thực hiện ấy công ty gặp những khó khăn, vướng mắc gì, thưa ông?
- Nhận thức được tầm quan trọng của CĐML đối với sản xuất nông nghiệp, công ty luôn bám sát, đồng hành cùng trung tâm khuyến nông các tỉnh để cùng phối hợp triển khai dự án. Trong thời gian qua công ty đã phối hợp cùng Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc thực hiện mô hình CĐML 50ha tại xã Cao Xá, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ và xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc.
Công ty đã hỗ trợ toàn bộ phân bón lót NPK5.10.3, phân bón thúc NPK12.5.10 cho 3ha, phần diện tích còn lại của mô hình công ty đề nghị ban quản lý dự án sử dụng 100% là phân bón Lâm Thao và bón theo quy trình bón phân khép kín, công ty cam kết đảm bảo cung ứng đúng, đủ chủng loại phân bón có chất lượng tốt, tại thời điểm bên mua yêu cầu giá bán giảm hơn so với giá thị trường, cử cán bộ tham gia theo dõi mô hình. Kết quả đạt được từ mô hình hiệu quả rõ rệt (chi phí thấp, năng suất cao, lợi 19-20 triệu đồng/ha). Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, chúng tôi cũng còn gặp một số khó khăn. Theo đó, lúc đầu người dân vẫn chưa thực sự tin tưởng vào dự án, chưa có sự thống nhất cao giữa các thành phần tham gia dự án. Nông dân vẫn chưa sẵn sàng tiếp cận tiến bộ KHKT vào sản xuất, vẫn duy trì sản xuất nhỏ, chưa thực hiện đúng quy trình. Cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ dự án chưa thuận lợi, thiếu cán bộ kỹ thuật địa phương.
Theo ông, để thực hiện được chuỗi liên kết này, giữa các bên cần có sự hợp tác ra sao?
- Tôi cho rằng, để tham gia chuỗi liên kết các bên cần có sự hợp tác rất cụ thể. Với địa phương, hệ thống chính trị và ngành nông nghiệp phải vào cuộc cùng tập huấn, hướng dẫn, giám sát nông dân làm đúng quy trình kỹ thuật, tuyên truyền vận động nông dân thấy được lợi ích tham gia mô hình, tạo cơ sở vật chất, hạ tầng cho thực hiện mô hình. Còn đối với doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào, phải đảm bảo cung ứng sản phẩm có chất lượng tốt, kịp thời, giá rẻ, hướng dẫn bà con nông dân áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất.
Được biết, Công ty CP Supe phốt phát và Hoá chất Lâm Thao có nhiều loại phân bón chuyên dùng cho các loại cây trồng khác nhau (ngoài lúa). Vậy việc sản xuất ra những loại phân bón chuyên dùng này có ý nghĩa như thế nào để gia tăng năng suất và chất lượng sản phẩm?
Thời gian qua, công ty đã đưa ra thị trường sản phẩm mới NPK M1 - loại sản phẩm có chất lượng cao. Sản phẩm có chứa cả 2 loại lân dễ tan trong nước và lân tan trong dung dịch axít do cây tiết ra, phù hợp với thời gian sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Sản phẩm được bổ sung thêm các chất trung, vi lượng, phù hợp cho tất cả các loại đất (chua, phèn, nhiễm mặn); phù hợp cho các loại cây trồng.
Việc sử dụng phân bón chuyên dùng làm cho cây trồng phát triển, sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh, đem lại năng suất cao, giảm chi phí, không ảnh hưởng tới môi trường đất, nước, chất lượng nông sản đảm bảo sạch, an toàn.
Hiện Bộ NNPTNT đang chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tập trung vào những cây có thị trường, nhất là cây ngô. Vậy khi diện tích ngô chuyển đổi được với số lượng lớn, công ty có đủ khả năng cung ứng phân bón để phục vụ cho công tác chuyển đổi cho từng loại cây trồng, thưa ông?
- Chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hoá đem lại hiệu quả kinh tế cao là việc làm hết sức cần thiết. Sau cây lúa, cây ngô là sản phẩm nông nghiệp quan trọng đem lại kinh tế cao cho người nông dân. Hiện nay nước ta đã hình thành vùng sản xuất ngô tập trung có sản lượng lớn như vùng Tây Bắc, Đông Bắc, vùng ven sông. Cây ngô muốn có năng suất cao, chất lượng tốt ngoài cố gắng tốt, phải có phân bón tốt mới đem lại năng suất cao.
Qua thực tế chứng minh, phân bón quyết định 40% năng suất cây trồng. Thời gian qua, công ty đã nghiên cứu sản xuất và đưa ra quy trình bón phân khép kín cho cây ngô đem lại hiệu quả kinh tế cao, đó là:
Bón lót bằng NPK5.10.3-8 với lượng 20-25 kg/sào;
Bón thúc bằng NPK12.5.10-14 với lượng bón 16-18 kg/sào, bón làm 2 lần đem lại năng suất, chất lượng ngô rất cao, được nông dân tin dùng.
Với diện tích trồng ngô ngày một tăng cao, công ty sẵn sàng cung ứng kịp thời, đầy đủ phân bón chất lượng tốt, giá thành hợp lý cho bà con nông dân qua hình thức bán trực tiếp qua các nhà cung ứng, bán chậm trả, chậm thanh toán để cho nông dân có đủ phân bón cho mùa vụ.
Ngoài ra, công ty tiếp tục mở nhiều lớp hướng dẫn tập huấn sử dụng phân bón khép kín cho cây ngô, cấp phân làm mô hình trình diễn để bà con nông dân tin tưởng sử dụng phân bón Lâm Thao có hiệu quả đem lại mùa bội thu.
Xin cảm ơn ông!
Theo Danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã