Các đại biểu tham quan và mua sắm các loại nông sản tại Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây trong khuôn khổ chương trình kết nối tiêu thụ hàng hóa và đặc sản vùng miền thông qua hệ thống chợ. Ảnh: Lê Xuân-TTXVN
Qua đó, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa và nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Hệ thống chợ là trung gian kết nối giữa người sản xuất, người bán lẻ và người tiêu dùng. Do vậy, kết nối tiêu thụ hàng hóa và đặc sản vùng miền thông qua hệ thống chợ có vai trò to lớn đối với quá trình sản xuất và tái sản xuất xã hội.
Điều này góp phần định hướng sản xuất theo nhu cầu thị trường, kết nối từ nhà sản xuất đến nhà bán lẻ và đến tay người tiêu dùng. Đồng thời, điều tiết hàng hóa giữa các thị trường thành thị và nông thôn, giữa các thị trường phát triển với các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo.
Tuy nhiên, tính đến hết năm 2017, cả nước có hơn 8.000 chợ; trong đó, gần 75% là chợ nông thôn. Đa phần là các chợ thiên về chức năng kinh doanh bán lẻ, số lượng chợ đầu mối trên cả nước còn khiêm tốn (cả nước có 83 chợ, chiếm 0,97%).
Mạng lưới chợ đầu mối nông sản ở Việt Nam hiện nay mặc dù đã có một số mô hình bước đầu phát triển khá tốt, nhưng thực tế vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với vai trò quan trọng và yêu cầu phát triển.
Tại buổi hội thảo, các đại biểu đã trình bày ra nhiều phương án để phát triển hệ thống chợ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa và nông sản; trong đó, giải pháp xây dựng chợ quốc tế được các đại biểu quan tâm, chú trọng nhất.
Theo ông Nguyễn Hồng Long, Tổng giám đốc Công ty TNHH Proton (doanh nghiệp chuyên đầu tư phát triển chợ đầu mối), xây dựng chợ quốc tế là 1 tổ hợp kinh tế mới kết hợp liên ngành; trong đó, gồm có sản xuất thương mại dịch vụ logistics và khai thác du lịch, kết nối với các ngành khác khai thác hiệu quả cho các bên tham gia trong chuỗi này.
Chợ này sẽ có điểm mới là có trung tâm thu mua tập trung hàng hóa và nông sản, trung tâm dịch vụ logistics và có thể thông quan ngay tại dự án. Ngoài ra, còn có khu để những đơn vị tham gia có thể vừa sản xuất vừa tương tác làm du lịch và các sản phẩm hướng tới sản xuất là các trang trại mẫu.
Trong chợ, có khu là trang trại mẫu để sản xuất theo nhu cầu đặt hàng của người tiêu dùng và thị trường, đặt hàng bao nhiêu sẽ sản xuất bấy nhiêu. Sau đó, trang trại mẫu này được tất cả các nhà nhập khẩu đóng gói trong nước và quốc tế đặt hàng cũng như những tiêu chí để sản xuất. Từ đó sẽ nhân rộng cho bà con nông dân cũng như những hợp tác xã nhà vườn khác.
Theo ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, chợ quốc tế là một mô hình hay và cần tiếp tục phát huy. Đây là cách để chúng ta xúc tiến về mặt thương mại, hiện tỉnh Đồng Nai đã có chỉ đạo cho Sở Công Thương cố gắng tiếp cận và phát huy mô hình này để cung cấp thật nhiều thông tin về thị trường cho người nông dân, tiểu thương.
Qua đó, đưa hàng hóa nông sản của địa phương tiếp cận thị trường thế giới đảm bảo ổn định đầu ra cho bà con nông dân.
Ông Võ Văn Chánh cho biết, Đồng Nai có điều kiện rất thuận lợi để xây dựng chợ quốc tế vì nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, chợ đầu mối Dầu Giây là trung điểm của tỉnh, của vùng Đông Nam bộ, các điều kiện về giao thông đường bộ, đường thủy, đường hàng không rất thuận lợi.
Hơn nữa, chợ nằm trong vùng có sản phẩm nông nghiệp lớn của miền Đông Nam bộ nên việc phát triển chợ đầu mối dầu giây nói riêng và chợ quốc tế nói chung rất thuận lợi./.
Theo TTXVN
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã