Bước sang tuổi 74, nhưng ông Hồ Văn Sâm, ở bản Nà Hạ 2, xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La vẫn rất tâm huyết với nghề nuôi ong. Hiện ông đang chăm sóc hơn 1.000 đàn ong, cho thu nhập tiền tỷ mỗi năm.
Ông Hồ Văn Sâm cho biết, đàn ong này ông đã chăm sóc từ lâu nên chúng rất thuần, không làm hại người chăm sóc chúng. Vì thế, khi kiểm tra đàn ong, ông Sâm không cần mặc đồ bảo hộ, mà chỉ mặc quần áo thường ngày."Lão nông" này chia sẻ: Năm 1965, sau khi tốt nghiệp trường trung cấp Nông Lâm, ông đã hăng hái xung phong lên Sơn La lập nghiệp và "bén duyên" với con ong. Cùng năm đó, tỉnh Sơn La quyết định thành lập trại nghiên cứu thực nghiệm nuôi ong. Ban đầu chỉ nghiên cứu giống ong bản địa sinh sống hoang dã, mang về thuần chủng và nuôi trong thùng gỗ, giống ong này tuy cho sản phẩm chất lượng tốt, nhưng năng suất thấp và kém ổn định. Đến năm 1981 ông Sâm là người trực tiếp đưa giống ong Italy vào Sơn La.
Khi chuyển đổi cơ chế, thành lập Công ty ong Sơn La, đến năm 1993 làm ăn thua lỗ, công ty phải giải thể, ông Sâm vẫn quyết tâm với nghề nuôi ong, đầu tư vườn nuôi ong tại gia đình chỉ với 7 đàn, khó khăn mà thu nhập chẳng đáng là bao.
Từ 7 đàn ong, ông Hồ Văn Sâm đã tích cực học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, kỹ thuật, nắm bắt đặc điểm sinh học của loài ong và áp dụng khoa học công nghệ vào từng thời điểm, nguồn hoa, thời tiết. Qua hơn 50 năm gắn bó với nghề nuôi ong, đến nay gia đình ông đã có hơn 1.000 đàn ong, phát triển cả trong và ngoài tỉnh, cho thu hoạch đủ loại sản phẩm từ ong như: Mật ong, phấn ong, sáp ong, keo ong, nọc ong, ấu trùng ong và sữa ong chúa có chất lượng tốt. Tổng doanh thu đạt trên 1,5 tỷ đồng mỗi năm.
Ông Hồ Văn Sâm đề xuất nghiên cứu, quy hoạch và kết nối các hộ gia đình thành một chuỗi chuyên sản xuất hàng chất lượng cao, loại bỏ những cơ sở sản xuất hàng không đạt yêu cầu, đảm bảo chất lượng cao, phát triển thương hiệu mật ong Sơn La.
Các sản phẩm từ ong của Sơn La có hương thơm đặc trưng của núi rừng, được xuất bán tới nhiều nơi trong cả nước với giá cả phải chăng, tùy từng mùa vụ như: Mật ong có giá giao động từ 150.000 - 300.000 đồng/lít; sữa ong chúa có giá giao động từ 1,2 - 1,5 triệu đồng/kg nên được khách hàng rất ưa chuộng.
Anh Nguyễn Thành Long, phường Chiềng Lề, thành phố Sơn La cho hay, nhiều người ưa chuộng mật ong ở Sơn La vì tự nhiên và rất ngon.
Ngoài hộ gia đình ông Hồ Văn Sâm, toàn tỉnh Sơn La hiện có trên 1.000 hộ nuôi ong. Đây là một nghề không mới, nhưng nếu kiên trì và áp dụng khoa học kỹ thuật tốt sẽ đem lại hiệu quả thu nhập cao cho người nông dân. Do đó, cần sự vào cuộc của các cơ quan chuyên môn trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện để nhân rộng nghề nuôi ong, đồng thời đảm bảo được đầu ra ổn định cho các sản phẩm từ ong./.
Theo VOV
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã