Nửa năm nay, Nguyễn Văn Giang (SN 1993, xã Xuân Thành – Nghi Xuân) khăn gói vào TP. Hà Tĩnh học tập, chờ ngày thi tiếng Hàn với chi phí 3 triệu đồng/tháng. "Mơ ước của em không thành khi huyện Nghi Xuân có nhiều lao động cư trú bất hợp pháp nên bị tạm dừng tuyển chọn lao động sang Hàn Quốc diện EPS. Anh trai của em cũng theo học, chi phí bố mẹ bỏ ra khá lớn. Không biết đến bao giờ chúng em mới có cơ hội thi tuyển. Gần xong chương trình nên chúng em vẫn học để thuần thục ngoại ngữ, còn nhiều bạn đã bỏ học” – Nguyễn Văn Giang buồn rầu.
Bộ LĐ-TB&XH vừa có văn bản thông báo tạm dừng tuyển chọn lao động sang Hàn Quốc làm việc theo Chương trình EPS năm 2018 với 7 huyện tại Hà Tĩnh có số lao động cư trú bất hợp pháp tại quốc gia này từ 60 người trở lên.
Em Tâm (xã Thạch Kim - Lộc Hà) cho hay: “Tỷ lệ lao động của huyện Lộc Hà cư trú bất hợp pháp ở Hàn Quốc cao nên những người muốn xuất khẩu lao động như em không còn cơ hội tiếp cận chương trình ưu việt như EPS.
Một lao động muốn sang Hàn Quốc làm việc qua doanh nghiệp phải mất tầm 4.000 - 5.000 USD, trong khi chương trình EPS chỉ mất 630 USD. Theo diện EPS, lao động được làm việc 4 năm 10 tháng với mức lương 1.000 USD trở lên/tháng”.
Theo ông Đặng Văn Dũng - Trưởng phòng Lao động - Việc làm, Sở LĐTB&XH, với lao động có thời gian làm việc tại Hàn Quốc 4 năm 10 tháng không chuyển đổi nơi làm việc, sau khi hết hạn hợp đồng về nước đúng thời hạn, được phép tái nhập cảnh Hàn Quốc làm việc sau 3 tháng mà không phải dự kiểm tra tiếng Hàn. Trong quá trình làm việc, nếu người lao động tích lũy đủ chuyên môn và tiếng Hàn có thể thi tuyển sang chương trình lao động kỹ thuật cao, làm việc dài hạn tại Hàn Quốc và được bảo lãnh đưa người thân sang.
“EPS là chương trình hợp tác lao động phi lợi nhuận của Chính phủ Hàn Quốc, có nhiều ưu việt. Lao động được tham dự kiểm tra tiếng Hàn sau khi về Việt Nam và có thể trở lại Hàn Quốc làm việc trong vòng 6 tháng kể từ ngày về nước; được tư vấn khởi sự doanh nghiệp và hỗ trợ tìm kiếm việc làm tại các doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam.
Ông Đặng Văn Dũng – Trưởng phòng Lao động - Việc làm, Sở LĐTB&XH
"Hà Tĩnh hiện có 4.870 lao động tại Hàn Quốc diện EPS. Tuy nhiên, nhiều lao động chưa ý thức được trách nhiệm với cộng đồng, đất nước trong vấn đề tuân thủ pháp luật Việt Nam và Hàn Quốc. Hà Tĩnh là 1 trong 3 địa phương có tỷ lệ lao động sau khi hết hạn hợp đồng, không trở về nước mà tiếp tục ở lại cư trú, làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc cao nhất nước (hiện là 1.200 người). Do đó, năm nay Hàn Quốc tạm ngừng tuyển lao động tại 7 huyện của Hà Tĩnh, gồm: Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Lộc Hà, Đức Thọ, Can Lộc, huyện Kỳ Anh theo chương trình EPS. Quyết định này gây thiệt thòi cho nhiều người Hà Tĩnh có nhu cầu xuất khẩu lao động" - ông Dũng nhấn mạnh.
Năm nay Hà Tĩnh có 1.800 chỉ tiêu thi tiếng Hàn. Điều đáng nói là, có tới 786 người (chủ yếu thuộc các huyện ven biển) đã học tiếng nhưng không được thi tuyển đợt này. Chính những lao động Hà Tĩnh bất hợp pháp đã lấy đi cơ hội - “cần câu cơm” của những người muốn sang Hàn Quốc lao động hợp pháp.
Và khi những lao động "chui" vẫn chưa trở về nước thì "cánh cửa" đón lao động Hà Tĩnh sang Hàn Quốc theo chương trình phi lợi nhuận sẽ mãi đóng kín.
Bộ LĐTB&XH Việt Nam ký bản ghi nhớ với Bộ Lao động - Việc làm Hàn Quốc thực hiện chương trình EPS từ năm 2004. Năm 2012, Hàn Quốc đình chỉ kỳ thi tuyển tiếng Hàn. Đến 2016, Hàn Quốc mở cửa trở lại qua nhiều nỗ lực của Việt Nam, nhưng giảm chỉ tiêu. Năm 2016, Hà Tĩnh có 610 lao động, năm 2017 có 661 lao động được sang Hàn Quốc làm việc theo diện EPS. Đặc biệt, năm 2017, Hà Tĩnh có 7 huyện bị cấm nhưng Hàn Quốc vẫn đồng ý cho lao động tại 5 huyện xảy ra sự cố môi trường biển (Cẩm Xuyên, Nghi Xuân, Thạch Hà, Lộc Hà, Kỳ Anh) thi tuyển tiếng Hàn, nghề ngư nghiệp để gỡ khó cho người lao động. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã