|
Tác giả (đứng giữa đội nón) cùng người dân xã Vĩnh Tú tại ruộng dưa |
Người dân ở các HTX của xã Vĩnh Tú bắt đầu bước vào vụ thu hoạch dưa hấu. Anh Nguyễn Đình Khanh, cán bộ Nông nghiệp xã Vĩnh Tú cho biết, để có quả dưa ngon người dân ở đây phải dầm nắng, dãi sương với từng gốc dưa. Khi hạt dưa nảy mầm lên cây và bắt đầu bò sát mặt đất, bước đầu tiên bà con phải tỉa hết chỉ để lại mỗi gốc dưa có hai thân. Những ngày trái gió, trở trời, bà con phải dùng từng que tre gấp thành hình dấu mũ chữ ô để cài cố định thân dưa sát mặt đất tránh bị gió cuốn làm trốc gốc. Nếu gốc dưa bị gió cuốn lại sẽ ảnh hưởng lớn đến sản lượng, chất lượng ra hoa, kết trái.
Đến giai đoạn dưa ra hoa thụ phấn phải làm những chiếc mũ bằng lá cây đủ lớn đội lên những bông hoa cái để tránh mưa gió làm hỏng, ảnh hưởng đến quá trình thụ phấn đậu quả. Khi hai dây của một gốc dưa cùng đậu quả thì bà con phải hái bớt một quả để cây tập trung nuôi quả còn lại được tốt hơn.
Cũng từ đây chủ vườn dưa phải làm từng thanh tre mỏng ghi ngày, tháng dưa bắt đầu cho quả gắm vào gốc dưa để theo dõi ngày dưa chín mà thu hoạch cho đúng thời điểm để có được quả dưa ngon.
Trong suốt vụ dưa bà con phải thăm đồng mỗi ngày để tỉa hết các chồi non được mọc ra từ hai thân dưa nhằm tập trung hết dinh dưỡng cho quả dưa còn lại cũng như bắt sâu cho dưa.
Theo kinh nghiệm của bà con mỗi gốc dưa chỉ để lại hai thân dưa nuôi một quả duy nhất thì cho chất lượng sản phẩm rất tốt. Thời gian trồng dưa hấu bắt đầu từ cuối tháng Chạp đến đầu tháng Giêng âm lịch năm sau. Khoảng 90 ngày thì cây dưa cho thu hoạch. Thế mới biết cây dưa hấu ở Vĩnh Tú được nông dân dày công nâng niu, chăm sóc như thế nào để mang đến cho mọi người một sản phẩm trái cây vừa ý, chất lượng mà rẻ tiền.
Gia đình anh Trần Anh Phương, HTX Huỳnh Công Tây trồng 4 sào dưa. Hiện dưa của anh Phương cho chất lượng ngon nhất HTX. Anh Phương cho biết, kể từ khi dưa đậu quả thì anh và vợ phải đi từng gốc cây dưa, kê quả dưa cách ly với mặt đất để phòng ngừa kiến hoặc các con bọ trong lòng đất có thể làm hỏng quả. Mặt khác trong thời gian dưa lớn thì việc kiểm tra và đảo các mặt quả dưa để tiếp xúc đều với ánh nắng mặt trời cũng rất quan trọng. Có làm như vậy thì vỏ dưa đều màu, không bị nám và có chất lượng vượt trội.
Theo anh Nguyễn Đình Khanh, cán bộ Nông nghiệp xã Vĩnh Tú, vụ này toàn xã trồng khoảng 60 ha dưa hấu. Đây là địa phương trồng dưa hấu lớn nhất huyện Vĩnh Linh, tập trung chủ yếu các hợp tác xã Huỳnh Công Tây, Mỹ Tú và Trường Kỳ. Bà con ở đây chủ yếu trồng giống dưa Tiểu Yến, có chất lượng tốt, thời gian thu hoạch ngắn, mang lại giá trị kinh tế cao hơn các giống thông thường khác. Bình quân mỗi kg dưa hấu bán tại vườn thời điểm này có giá 12 ngàn đồng. Mỗi sào đất trồng được khoảng 400 gốc dưa, khi thu hoạch người dân có được 12 triệu đồng. Như vậy trồng mỗi ha dưa sẽ cho thu nhập từ 180 đến 200 triệu, nhiều hơn trồng các loại hoa màu khác trên cùng một diện tích đất và cùng thời gian.
Cán bộ Nông nghiệp xã Vĩnh Tú kiểm tra ruộng dưa hấu |
Ông Trần Mai Hưng, Giám đốc Hợp tác xã Huỳnh Công Tây cho biết phần lớn diện tích dưa ở Vĩnh Tú tập trung tại HTX này. Trồng dưa là nghề truyền thống nên gia đình nào cũng trồng 2 đến 3 sào. Bà con ở đây quan tâm chất lượng sản phẩm là hàng đầu nên trồng dưa theo phương pháp hữu cơ, năng suất đạt 1,2 tấn/sào. Hàng năm, sản lượng dưa hấu của HTX và toàn xã Vĩnh Tú không đủ cung cấp cho khách hàng trong và ngoài tỉnh.
Để đảm bảo chất lượng của dưa hấu Vĩnh Tú không lẫn lộn dưa hấu của các địa phương khác, mới đây Cục Sở hữu trí tuệ của Bộ KHCN cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho “Dưa hấu Vĩnh Tú”. Chủ giấy chứng nhận nhãn hiệu “Dưa hấu Vĩnh Tú” là HTX Nông nghiệp Huỳnh Công Tây.
Ông Tô Ngọc Thành, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Tú chia sẻ, dưa hấu là một cây trồng được xác định có tầm quan trọng trong kế hoạch tái cơ cấu nông nghiệp của xã. Cùng với cây hồ tiêu, cao su thì dưa hấu mang lại thu nhập cao cho nông dân. Trung bình giá dưa hấu chỉ cần đạt mức 8 ngàn đồng/kg là người trồng có lãi. Vì chi phí trồng, đầu tư và chăm sóc dưa hấu chỉ chưa đến 1/3 tổng giá trị sản phẩm thu được.
Tuy nhiên, bà con nông dân ở Vĩnh Tú đang trồng dưa hấu trên những diện tích manh mún, chưa liên kết nên khó làm ăn lớn. Vì vậy xã động viên người dân tiếp tục dồn điền đổi thửa để tạo ra những cánh đồng dưa hấu lớn, thuận lợi cho việc áp dụng cơ giới hóa vào làm đất sản xuất.
Theo ông Thành, xã Vĩnh Tú có kế hoạch tiếp tục mở rộng thêm diện tích trồng dưa hấu cũng như quan tâm hơn nữa đến thị trường tiêu thụ sản phẩm để giá trị thương hiệu dưa hấu Vĩnh Tú ngày càng được tăng cao. Cụ thể sẽ liên kết cung cấp sản phẩm cho các đầu mối ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và các DN cung cấp rau quả sạch để tạo ra chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Làm được việc này người trồng dưa hấu sẽ có thu nhập cao hơn... |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã