Lễ hội nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm quýt sạch với du khách cũng như tiềm năng, thế mạnh sản phẩm nông nghiệp và vẻ đẹp thiên nhiên, bản sắc văn hóa của huyện Mường Khương, Lào Cai.
Lễ hội quýt năm 2017 là hoạt động ý nghĩa, mang lại cơ hội cho đồng bào các dân tộc ở dải đất biên cương giới thiệu sản phẩm quýt cùng những sản phẩm nông nghiệp khác đến với du khách trong và ngoài nước.
Thông qua đó liên kết sản phẩm nông nghiệp với thị trường, phát triển ổn định vùng nguyên liệu quýt, thúc đẩy phát triển kinh tế hàng hóa, giúp người dân yên tâm về đầu ra sản phẩm, từ đó tích cực phát triển, hình thành vùng nông sản hàng hóa đặc hữu địa phương.
Cũng tại lễ khai mạc, huyện Mường Khương đã công bố nhãn hiệu Quýt Mường Khương đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận thương hiệu. Đây là đặc sản thứ 3 của địa phương (sau sản phẩm ớt và gạo Séng Cù) được công nhận nhãn hiệu gắn với địa danh, giúp các sản phẩm này có chỗ đứng vững và vươn xa hơn trên thị trường.
Lễ hội quýt diễn ra với nhiều hoạt động như trưng bày 30 gian hàng giới thiệu sản phẩm quýt (quýt quả, cây quýt giống) và các sản phẩm nông nghiệp đặc sản Mường Khương (tương ớt, gạo Séng Cù, cam, chuối, dứa, đậu tương vàng, thổ cẩm,…). Tổ chức thi dán tem nhãn hiệu lên sản phẩm quýt, trang trí gian hàng và thuyết minh giới thiệu sản phẩm cùng một số hoạt động trò chơi dân gian.
Đến với lễ hội, du khách được tìm hiểu không gian văn hóa độc đáo của các dân tộc vùng cao với các trò chơi dân gian, thưởng thức các làn điệu dân ca đặc sắc, các món ăn ẩm thực vùng cao tại chợ đêm, đồng thời trải nghiệm, tham quan các mô hình trồng quýt của đồng bào dân tộc Dao, Pa Dí,…
Cây quýt được huyện Mường Khương đưa vào trồng thử nghiệm từ năm 2002, ban đầu mới chỉ thực hiện trên diện tích 2 ha. Sau 3 năm cây quýt cho thu hoạch, qua đánh giá thu nhập từ trồng quýt cao gấp 10 lần với trồng cây lương thực.
Với khí hậu, thổ nhưỡng đặc trưng, hơn nữa lại được trồng bởi một giống quýt đặc biệt và kỹ thuật chăm bón tốt nên quýt Mường Khương có hương vị thơm ngon khác biệt với các vùng khác, trở thành một giống quýt riêng mà chỉ ở Mường Khương mới có.
Hiện, toàn huyện có 348 ha quýt tập trung tại các xã Tả Ngải Chồ, Lùng Khấu Nhin, Thanh Bình, Nậm Chảy, Tung Chung Phố, thị trấn Mường Khương. Sản lượng quýt hàng năm cho thu hoạch đạt trên 1.000 tấn với tổng giá trị đạt trên 20 tỷ đồng./.
Hương Thu/TTXVN
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã