Ứng dụng công nghệ nano trong nông nghiệp
TS. Đỗ Thị Ngọc Oanh - Đại học Nông Lâm Thái Nguyên cho biết, có nhiều giải pháp đổi mới CN trong chuỗi giá trị nông nghiệp khu vực phía Bắc. Có thể kể đến như: Cải tiến CN bảo quản sau thu hoạch (STH) nhằm giảm thất thoát, ổn định chất lượng bằng Chitosan nano bạc, xử lý mọt gạo bằng sóng cao tần… Cải tiến CN bảo quản, chế biến nhằm nâng ổn định chất lượng, sản lượng, nâng cao giá trị sản phẩm; Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường bằng kỹ thuật nuôi trồng hợp lý và ứng dụng CN cao như mô hình trồng chè Global GAP; rau nhà kính…
Ruộng ngô thí nghiệm trồng bằng hạt giống xử lý nano tại Hà Nam. |
Đáng chú ý là mô hình ứng dụng CN nano trong trồng chè và cây nông nghiệp của Viện CN Môi trường (Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam). Bước đầu đánh giá ảnh hưởng của các công thức phân bón trên chè sản xuất kinh doanh cho kết luận như sau: Ở công thức sử dụng phân bón nano vi lượng đã làm tăng năng suất, chất lượng chè cao hơn đối chứng (năng suất chè tăng 24,32%). Công thức bón phân nano vi lượng có khối lượng thành phần cơ giới (tôm, lá 1, lá 2, lá 3 và cuộng) cao hơn các công thức 2 (bón vi lượng) và công thức 3 (đối chứng). Sâu bệnh hại ở các công thức phân bón chưa có sự sai khác nhau.
Ngoài ra, việc trồng đậu tương bọc vật liệu Ag/Bentonite và Ag/Silica trên ruộng thí nghiệm giúp giảm bệnh nấm trên cây đậu tương, tỉ lệ bệnh lở cổ rễ thấp hơn so với đối chứng hạt không bọc đến 30%. Kết quả mô hình tổ hợp nano xử lý hạt giống đậu tương cũng cho kết quả khả quan khi xử lý hạt đậu tương trước khi gieo bằng hạt nano sắt cho năng suất tăng 12,36% so với đối chứng. Xử lý hạt đậu tương bằng các hạt nano coban và đồng, cho năng suất tăng từ 8,5 - 8,7%. Xử lý hạt giống bằng các hạt nano sắt, đồng, coban không làm thay đổi chất lượng hạt, thành phần protein, lipid, đường, khoáng tương đương như đối chứng. Ngoài ra, xử lý hạt giống ngô trước khi gieo bằng các hạt nano đồng làm tăng năng suất sinh khối 16% so với đối chứng, xử lý hạt giống ngô bằng các hạt nano sắt và coban cho tăng năng suất 8% - 9% so với đối chứng.
Phấn đấu tổn thất sau thu hoạch giảm 50%
Tuy nhiên, theo TS. Phạm Anh Tuấn - Viện trưởng Viện cơ điện nông nghiệp và CN STH, mặc dù kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông thủy sản trong 5 năm trở lại đây tăng khoảng 2,2 lần và là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Tuy nhiên vẫn tồn tại những hạn chế là quy mô sản xuất còn manh mún nhỏ lẻ do đặc thù canh tác giữa các vùng miền. Thị trường tiêu thụ thiếu ổn định, sản phẩm có tính cạnh tranh thấp và rủi ro ATTP cao. Tỉ lệ tổn thất STH còn cao: lúa gạo (10 - 11%), rau quả (20 - 25), thủy sản (20%)… Bên cạnh đó, các sản phẩm chế biến ở dạng sơ chế, tỉ lệ chế biến tinh còn rất thấp, tỉ lệ doanh nghiệp đầu tư đổi mới CN còn ít.
“Việc đổi mới CN trong bảo quản - chế biến và tận dụng phế phụ phẩm trong nông nghiệp giúp giảm tổn thất STH, tăng năng suất lao động và thu nhập cho người nông dân; Từng bước thay đổi tập quán sản xuất manh mún, tác động tích cực đến các DNVVN trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp…” - ông Tuấn đánh giá.
Theo đó, mục tiêu chung của đề án nâng cao giá trị gia tăng hàng nông lâm thủy sản trong chế biến và giảm tổn thất STH đến năm 2020 của Bộ NNPTNT là nâng cao giá trị, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các ngành hàng nông lâm thủy sản thông qua việc tổ chức lại sản xuất, chuyển đổi cơ cấu sản phẩm theo hướng nâng cao tỉ trọng sản phẩm GTGT cao, áp dụng khoa học CN, đổi mới CN chế biến theo hướng hiện đại và giảm tổn thất STH, nâng cao chất lượng và ATTP.
Cụ thể, đến năm 2020, GTGT các ngành hàng nông lâm thủy sản tăng bình quân 20% so với hiện nay. Với một số ngành hàng chủ lực: Gạo tăng 20%; cà phê tăng 13%; chè tăng 30%; thủy sản tăng 20%; cao su tăng 20%; muối tăng 20%; đồ gỗ tăng trên 20%, giảm 50% lượng nguyên liệu đưa vào chế biến dăm gỗ. Đến 2020, tổn thất STH đối với nông sản, thủy sản giảm 50% so với hiện nay. Theo đó, ông Tuấn kiến nghị, Bộ KHCN và Bộ NNPTNT trong giai đoạn tới ưu tiên cho các nhiệm vụ KHCN nghiên cứu đánh giá trình độ CN của các DNVVN trong bảo quản và chế biến nông lâm, thủy sản chủ lực, làm cơ sở để đề xuất cơ chế chính sách và giải pháp đầu tư đổi mới CN phù hợp với từng đối tượng ngành hàng và vùng kinh tế, địa phương.
Còn ông Nguyễn Hồng Phong - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Nông nghiệp CN cao DAA Việt Nam đề nghị cần có các chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp ở nông thôn, sử dụng tư liệu sản xuất, nguồn nhân lực và các nguồn lực khác tại chỗ, kết hợp với CN hiện đại để phát triển sản xuất nông sản theo hướng quy mô lớn, năng suất cao, chất lượng tốt và bền vững.
Theo K.Linh/Lao động
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã