Học tập đạo đức HCM

Khu kinh tế mở và làng quê

Chủ nhật - 20/11/2016 08:02
Khi nói đến một khu kinh tế mở với quy mô 50 nghìn héc ta, người ta thường nói và hình dung về những khu công nghiệp hiện đại, những khu du lịch với nhiều khách sạn cao tầng, những phố xá đô thị nhộn nhịp với các ngã 5, ngã 6, đèn xanh, đèn đỏ, siêu thị, nhà hàng, sân bay và bến cảng… Nói chung là không sai và nếu làm được như vậy là đáng mừng, là thành công. Nhưng tôi không định viết về điều đó. Tôi muốn nói về chuyện khác, tưởng như không phải chuyện của khu kinh tế mở - tôi nói về làng quê.

Đánh mất làng quê

Khi công nghiệp và dịch vụ phát triển, kéo theo sự phát triển của đô thị. Đã có nhiều nơi, đô thị phát triển đến mức không ngờ, sau vài ba năm trở lại đã thấy khác rất nhiều, khác hẳn, không tưởng nổi. Nhiều làng quê tươi xinh và êm đềm đã mất đi để nhường chỗ cho đô thị. Đô thị thay thế làng quê, xóa bỏ làng quê. Trong đó, có những làng quê rất đẹp. Thật tiếc!

Khu Kinh tế mở Chu Lai. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Khu Kinh tế mở Chu Lai. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Trong một bài ký của nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam viết về Mã Châu - làng lụa quê anh, ở Duy Xuyên - có những đoạn thấm đượm tình quê. Ai đã từng có một tuổi thơ, một quãng đời sống ở một làng quê nào đó chắc có một hồi ức giống anh. Đó là biển dâu quanh năm xanh tốt và lũ chim chiền chiện kéo về làm tổ rất đông trên nổng cát. Những buổi tối đẹp trời, tiếng hót của chúng véo von bay bổng làm rung động lòng người… Đó là những lũy tre làng và chiều chiều lũ cò không biết từ đâu kéo về đậu trắng cả ngọn tre để ngủ qua đêm. Làng quê ẩn mình dưới bóng tre quanh năm êm đềm. Đó là những hàng chè tàu cao ngang ngực chạy vào mỗi sân nhà và những hàng cau hoa trổ nhiều, tỏa hương thơm dìu dịu khắp cả làng. Sau này lớn lên, xa quê, có những lúc anh bỗng ngửi thấy mùi hoa cau ở đâu đó trên các nẻo đường đời, lại thấy cồn cào nỗi nhớ quê hương… Đó là cây đa cao hàng chục mét, gốc rất to, mà hồi nhỏ anh rất kính sợ nó. Sau này, trở về làng không thấy cây đa đâu nữa, bỗng từ trong thẳm sâu linh thiêng của tâm hồn mình, anh đã thấy một nỗi gì trống vắng.

Tôi muốn mượn một số đoạn trong bài bút ký đó của anh Cảnh Nam để nói về những làng quê thân yêu, yên tĩnh và xinh đẹp trên đất Quảng mà nếu nay mai bị xóa mất thì tiếc quá.

Người châu Âu sau 200 năm phát triển đô thị, bỗng giật mình nhận ra là mình đã đánh mất những gì rất quý của các làng quê xưa. Họ cố tìm lại. Họ đã bỏ ra rất nhiều tiền của và công sức để đầu tư dựng lại cảnh quan. Với tài năng của mình, con người hoàn toàn có khả năng tạo ra những cảnh quan đẹp, rất “tự nhiên”. Nhưng dù đẹp bao nhiêu vẫn không thay thế được cái tự nhiên vốn có của nhiều đời; cái tự nhiên đã hình thành và tồn tại bền vững trong quy luật sinh tồn, dưới bàn tay của tạo hóa; cái tự nhiên có hồn, đã kết tinh thành thơ, thành nhạc, thành tình yêu và nỗi nhớ, ký ức và kỷ niệm.

Làng quê xứ Quảng. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Làng quê xứ Quảng. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Tại một số nước phát triển và đang phát triển, có những đô thị mà ở đó nhà cửa san sát, chen chúc, phố xá đông đúc, nhộn nhịp, rất nhiều nhà cao tầng sát nhau, gây cảm giác chật chội, ngột ngạt, khó chịu. Những khối bê tông to lớn và hàng hóa ngổn ngang đã chèn ép và chen lấn con người. Đi trên đường phố mà giống như đi trong hang, trong hẻm, dưới đường hầm, như đi trong siêu thị. Rồi trăm nghìn loại tiếng ồn khác nhau làm nhức cả đầu. Đô thị trước nhất phải là nơi để con người sống thanh thản và yêu thương nhau; là nơi tác động âm thầm, bền bỉ và tích cực cho việc sản sinh ra các tác phẩm âm nhạc và hội hoạ… Đáng lẽ phải vậy! Đáng lẽ đô thị phải được phát triển trên cơ sở, trên cái nền của văn hoá làng quê, tiếp tục nâng lên, hoàn thiện chứ không phải phá bỏ và làm lại.

Quy hoạch đô thị sinh thái

Cũng có những lý lẽ đáng cảm thông rằng do vấn đề tài chính, không đủ tiền vốn để xây dựng hạ tầng cho một đô thị với không gian trải rộng. Nhưng đó chỉ là tư duy trước đây, đã qua, không còn phù hợp nữa. Dù có lý do khách quan, dù trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể, những lỗi lầm thì vẫn là lỗi lầm, phải được nhận thức lại và kiên quyết điều chỉnh. Có những giá trị nhân văn vô giá không thể đo đếm bằng tiền. Mặt khác, phải nhìn xa, đừng để 10 năm nữa phải tốn rất nhiều tiền để làm lại cái bỏ đi hôm nay, tốn kém hơn nhiều lần mà vẫn không tạo được. Và, khi có ý tưởng mới, khái niệm mới về đô thị thì hạ tầng cũng phải điều chỉnh theo để phù hợp và không lãng phí.

Lâu nay, cứ hễ có dự án đô thị thì sẽ có chặt phá và san ủi, mang đến bê tông và sắt thép. Nhiều làng quê xinh đẹp đang mất dần, rồi một ngày kia chỉ còn lại trong ký ức xa mờ. Những khái niệm nhận thức về đô thị lâu nay hình thành trong tư duy đã có quá nhiều nội dung không còn phù hợp. Có lẽ chỉ nên giữ lại phần tiện ích phù hợp, còn phải thay đổi căn bản về không gian sống và kiến trúc cảnh quan… Đô thị trước nhất phải là nơi để con người sống thanh thản và yêu thương nhau; là nơi tác động âm thầm, bền bỉ và tích cực cho việc sản sinh ra các tác phẩm âm nhạc và hội họa… Đáng lẽ phải vậy! Đáng lẽ đô thị phải được phát triển trên cơ sở, trên cái nền của văn hóa làng quê, tiếp tục nâng lên, hoàn thiện chứ không phải phá bỏ và làm lại.

Thành phố Ki-ép nổi tiếng là thành phố xanh nhất châu Âu. Tại đó, thành phần chiếm tỷ lệ lớn nhất trong không gian là rừng. Rừng chiếm đến 60% diện tích. Có rừng trong thành phố và có phố trong rừng. Tại Ki-ép, Paris và Mát-xcơ-va có những khu - những chợ bán tranh vẽ. Thích lắm, có thể xem cả buổi, cả ngày. Tôi cố để ý xem thử tranh vẽ những gì. Chiếm tỷ lệ lớn nhất là rừng cây và làng quê, tiếp đến là tranh vẽ những người phụ nữ, hai chủ đề đó chiếm đến 90%. Ở đây tôi không định nói người ta vẽ gì, mà muốn nói cái gì gây cảm xúc nhiều nhất cho con người - cho những tâm hồn nghệ sĩ - cũng có nghĩa là đã góp phần đáng kể làm cho cuộc sống tâm hồn con người ta phong phú hơn lên. Theo nghĩa đó, phong cảnh thiên nhiên đã trở thành văn hóa - thuộc về con người. Lâu nay có những lý thuyết phân chia thế giới thành 2 phần: Tự nhiên và Văn hóa. Sự phân chia đó cũng chỉ là tương đối, và trên nhiều phương diện, cách phân chia như vậy không đúng. Có những cái của tự nhiên mà có thể thành thơ ca và nhạc họa thì đó là văn hóa. Lâu nay, cứ hễ có dự án đô thị thì sẽ có chặt phá và san ủi, mang đến bê tông và sắt thép. Nhiều làng quê xinh đẹp đang mất dần, rồi một ngày kia chỉ còn lại trong ký ức xa mờ. Những khái niệm nhận thức về đô thị lâu nay hình thành trong tư duy đã có quá nhiều nội dung không còn phù hợp nữa. Có lẽ chỉ nên giữ lại phần tiện ích phù hợp, còn phải thay đổi căn bản về không gian sống và kiến trúc cảnh quan.

Du khách thích đến Hội An nhờ sự hài hòa của văn hóa làng và văn minh của phố. Tại thành phố này, vừa có cái êm đềm mộc mạc và chân thật của làng, lại vừa có cái tiện lợi, văn minh của phố. Nhưng cũng không được chủ quan. Trong quá trình phát triển nhanh về du lịch - điều đáng mừng, thì đồng thời cũng giảm dần sự êm đềm, thay thế vào đó là sự ồn ào nhộn nhịp - điều đáng lo. Nếu không sớm có giải pháp hợp lý thì Hội An cũng dần dần trở thành một đô thị khác, tuy có phát triển hơn (trên một số mặt, một số chỉ tiêu nào đó), nhưng lại giảm mất cái hấp dẫn, ấn tượng lâu bền.

Khu Kinh tế mở Chu Lai nói riêng, Quảng Nam nói chung, có tránh được không? Tránh bằng cách nào? Trước tiên phải làm rõ trong tư duy, trong nhận thức, ở những người lãnh đạo, quản lý, ở những cán bộ thiết kế quy hoạch và thẩm định. Cần sớm có khảo sát những làng quê nào nên giữ, phải giữ, đề ra biện pháp giữ trong xu thế tất yếu của hiện đại hóa. Công tác quy hoạch phải bắt đầu trước tiên bằng việc xác định những không gian không xây dựng công trình, chỉ để trồng cây, trồng cỏ, mặt nước và thông thoáng… Lâu nay công việc của quy hoạch là bố trí xây dựng công trình gì, ở đâu, còn lại là khoảng trống. Bây giờ, ngược lại, xác định trước những khoảng không xây dựng công trình, coi đó là nội dung đầu tiên của quy hoạch. Phần không gian tiếp theo để xây dựng công trình, thì phải đảm bảo quy hoạch của đô thị sinh thái, cũng có chỗ đông đúc, có chỗ nhà cao tầng, nhưng không phải là cái chính. Cần tạo và giữ cho được những đô thị yên tĩnh, êm đềm với không gian trải rộng chứ không dồn ép.

 

Tác giả bài viết: VŨ NGỌC HOÀNG

Nguồn tin: baoquangnam.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập369
  • Hôm nay91,585
  • Tháng hiện tại832,007
  • Tổng lượt truy cập90,895,400
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây