Học tập đạo đức HCM

Khuyến nghị của EC về cảnh báo Thẻ vàng đối với sản phẩm hải sản của Việt Nam

Thứ tư - 04/07/2018 23:39
Đoàn Thanh tra tiến hành kiểm tra, làm việc với các cơ quan, doanh nghiệp liên quan của Việt Nam, tập trung vào một số nội dung:

Từ ngày 16 - 24/5/2018, Đoàn Thanh tra của Tổng vụ các vấn đề về Biển và Thủy sản của Ủy ban Châu Âu (Đoàn Thanh tra EC) đã sang làm việc tại Việt Nam để kiểm tra tình hình triển khai thực hiện 9 khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC) về khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU).

Đoàn Thanh tra tiến hành kiểm tra, làm việc với các cơ quan, doanh nghiệp liên quan của Việt Nam, tập trung vào một số nội dung: (i) công tác truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản khai thác tại các địa phương; (ii) công tác quản lý nguyên liệu hải sản nhập khẩu; (iii) làm việc kỹ thuật với Tổng cục Thủy sản; (iv) họp cấp Trưởng đoàn với Lãnh đạo Tổng cục Thủy sản; (v) và cuộc họp cấp cao giữa Trưởng đoàn với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT.

Kết thúc chuyến công tác, Ủy ban Châu Âu đã gửi công thư ngày 25/6/2018 (Ares(2018)3356871) cho Bộ NN-PTNT thông báo ý kiến của Ủy ban Châu Âu đối với các nội dung Đoàn Thanh tra đã kiểm tra tại Việt Nam.

I. Về đánh giá và khuyến nghị của Đoàn Thanh tra EC

1. Đoàn đánh giá Bộ NN-PTNT có nhiều nỗ lực trong việc hoàn thiện và gửi báo cáo thực hiện các khuyến nghị của EC trước thời hạn; đã phối hợp chặt chẽ với Tổng vụ các vấn đề về Biển và Thủy sản, giúp Đoàn Thanh tra EC hoàn thành kế hoạch kiểm tra tại Việt Nam.

Đoàn ghi nhận sự vào cuộc tích cực của các cơ quan Trung ương trong việc chống khai thác IUU, đặc biệt là Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Thủy sản năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành: Công điện số 732/CĐ-TTg ngày 28/5/2017 về ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tàu cá và ngư dân Việt Nam khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài; Chỉ thị 45/CT-TTg ngày 13/12/2017 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của EC về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (Chỉ thị 45/CT-TTg); Quyết định số 78/QĐ-TTg ngày 16/01/2018 phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác IUU đến năm 2025.

Đoàn đánh giá cao việc Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã ban hành Quyết định số 670/QĐ-BNN-TCTS ngày 26/02/2018 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 45/CT-TTg và các văn bản chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện; hoàn thiện khung pháp lý thông qua việc chỉ đạo xây dựng và trình để Quốc hội thông qua Luật Thủy sản năm 2017, đảm bảo tương thích với các quy định của luật pháp quốc tế, các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU và đang trong tiến trình hoàn thiện dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Thủy sản, Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản và các thông tư liên quan; thúc đẩy gia nhập 2 Hiệp định Đàn cá di cư và Hiệp định Biện pháp quốc gia có cảng.

Tuy nhiên, khi kiểm tra thực địa, Đoàn Thanh tra EC cho rằng tình hình thực hiện chống khai thác IUU của Việt Nam triển khai trên thực tiễn tại các địa phương còn chưa được cải thiện đáng kể. Việc cấp chứng nhận, xác nhận sản phẩm thủy sản khai thác còn sai sót; hệ thống giám sát tàu cá chưa đáp ứng được yêu cầu, tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn diễn biến phức tạp; mức xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm khai thác IUU còn thấp, chưa tạo được sự răn đe, chưa tương đồng với một số nước trong khu vực và quốc tế.

2. Để triển khai có hiệu quả chống khai thác IUU, Đoàn Thanh tra EC cho rằng việc chống khai thác IUU cần hành động cụ thể tích cực, mạnh mẽ hơn trong thực tiễn và đưa ra các nội dung Việt Nam cần phải ưu tiên trong thời gian tới:

- Thành lập Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU đủ mạnh và thiết lập cơ chế phối hợp hiệu quả từ Trung ương đến địa phương và thường xuyên kiểm tra, tăng cường kết nối để thực thi nghiêm túc, thực chất trong việc chống khai thác IUU.

- Về tiếp tục hoàn thiện khung pháp luật, Đoàn cho rằng: (i) dự thảo Nghị định hướng dẫn thực thi Luật Thủy sản chưa toàn diện, chưa bao quát hết một số quy định về chống khai thác IUU nên Việt Nam và EC cần phải hợp tác về mặt kỹ thuật để hoàn thiện nhằm đảm bảo tính thực thi hiệu quả nhất; (ii) dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính cần đảm bảo chế tài xử phạt phải phù hợp với quy định của quốc tế và đủ tính răn đe; đồng thời cần bổ sung định nghĩa về mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm để đưa ra mức phạt tương ứng vào dự thảo Nghị định (cần bổ sung một số điều liên quan đến chế tài xử phạt như tịch thu sản phẩm, ngư cụ, giấy phép).

Đoàn đề nghị Việt Nam nhanh chóng phê duyệt gia nhập Hiệp định đàn cá di cư của Liên hợp quốc và Hiệp định biện pháp quốc gia có cảng của FAO, để kịp thời gian lồng ghép các điều khoản của các Hiệp định này trong Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Thủy sản, đặc biệt là các Điều khoản của Hiệp định biện pháp quốc gia có cảng.

- Về hệ thống kiểm tra, kiểm soát và giám sát tàu cá, Đoàn Thanh tra cho rằng: (i) Việt Nam chưa thể hiện được trách nhiệm đầy đủ của quốc gia treo cờ (quản lý tàu cá), và trách nhiệm của quốc gia ven biển (bảo vệ nguồn lợi thủy sản), như: chưa kiểm soát chặt chẽ được tàu thuyền ra vào cảng và hoạt động của tàu thuyền trên biển cũng như công tác xác nhận loài, sản lượng cập bến; (ii) Việt Nam cần có kế hoạch và lộ trình cụ thể về lắp thiết bị giám sát hành trình đối với tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên, đảm bảo việc thực thi các qui định về lắp đặt, bật thiết bị giám sát hành trình, ngay khi Luật Thủy sản có hiệu lực từ ngày 1/1/2019.

Đoàn đề nghị, từ nay đến tháng 1/2019 toàn bộ tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên phải được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình công nghệ vệ tinh; đảm bảo thực thi đầy đủ các qui định về lắp đặt, bật thiết bị giám sát hành trình đối với đội tàu có chiều dài từ 24m trở lên và đội tàu có chiều dài từ 15m trở lên hiện nay đang sử dụng thiết bị giám sát hành trình của hệ thống trạm bờ VX-1700.

- Về quản lý hoạt động của tàu cá và xử lý tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, Đoàn Thanh tra cho rằng: công tác thực thi pháp luật trong việc kiểm soát tàu cá để bảo đảm không vi phạm khai thác bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài chưa hiệu quả, như: chưa quản lý hiệu quả tàu khai thác bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài, chưa có được biện pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả khi phát hiện tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Do đó, cần phải quản lý chặt chẽ hoạt động của tàu cá và xử lý nghiêm tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, bảo đảm kịp thời, hiệu quả; các quy trình xử lý tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài cần phải được xem xét lại để có biện pháp ngăn chặn tức thời, hiệu quả.

- Về công tác chứng nhận, xác nhận sản phẩm thủy sản, Đoàn Thanh tra cho rằng: công tác xác nhận, chứng nhận sản phẩm có nguồn gốc từ khai thác còn chưa đáp ứng được yêu cầu, quy định Châu Âu về kiểm soát truy xuất nguồn gốc sản phẩm về khai thác bất hợp pháp xuất khẩu sang thị trường Châu Âu; hiện tại, Việt Nam chưa kiểm soát được sản phẩm khai báo trên giấy tờ so với thực tế. Do vậy cần tăng cường công tác kiểm soát tàu cá tại cảng, trên biển và sử dụng dữ liệu giám sát hành trình của tàu cá một cách hệ thống, chính xác để đảm bảo sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Châu Âu phải được truy xuất nguồn gốc, đảm bảo tính hợp pháp của các sản phẩm được xác nhận, chứng nhận.

- Về quản lý năng lực khai thác: Đoàn đề nghị kiểm soát số lượng tàu cá đóng mới thay thế không vượt quá quy hoạch.

- Về kiểm soát nguyên liệu nhập khẩu: Đoàn cho rằng hệ thống kiểm soát nguyên liệu tại doanh nghiệp của cơ quan thẩm quyền hiện nay chưa đảm bảo sự tin cậy vì vậy cần có điều chỉnh phù hợp.

- Về nguồn lực và vật lực, cũng như cơ cấu tổ chức quản lý thủy sản của Việt Nam: Đoàn cho rằng chưa đảm bảo cho việc thực thi các qui định quốc tế về chống khai thác IUU nên cần phải tăng cường nguồn lực đủ mạnh, có cơ cấu tổ chức quản lý phù hợp, hiệu quả.

II. Một số nội dung trọng tâm Việt Nam sẽ thực hiện trong thời gian tới

Để nghiêm túc khắc phục các tồn tại, thiếu sót, bất cập và thực hiện các nội dung của Đoàn Thanh tra EC đưa ra trong đợt kiểm tra, đánh giá vừa qua; đồng thời tăng cường công tác quản lý nghề cá, tạo sự chuyển biến thật sự của toàn hệ thống quản lý khai thác thủy sản, nhất là trên thực tiễn của các địa phương để EC xem xét gỡ thẻ vàng trong thời gian tới, Bộ NN-PTNT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đề nghị các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố ven biển tập trung thực hiện các giải pháp cấp bách, trọng tâm như sau:

1. Tiếp tục hoàn thiện khung pháp luật về thủy sản, trong đó khẩn trương hoàn thiện 2 Nghị định theo khuyến nghị của Đoàn Thanh tra (Nghị định hướng dẫn thi hành Luật và Nghị định xử phạt vi phạm hành chính) và các Thông tư hướng dẫn để ban hành, bảo đảm chất lượng, đáp ứng thời gian hiệu lực của Luật cũng như triển khai thực thi có hiệu quả.

2. Hoàn thành thủ tục để gia nhập Hiệp định biện pháp quốc gia có cảng của FAO và Hiệp định Đàn cá di cư của Liên hợp quốc trong tháng 7/2018.

3. Thành lập Ban chỉ đạo về chống khai thác IUU của Chính phủ trên cơ sở nâng cấp, kiện toàn từ Tổ công tác liên ngành 689 Trung ương để chỉ đạo tập trung, thống nhất từ Trung ương đến các địa phương ven biển, thiết lập được cơ chế phối hợp chặt chẽ, bảo đảm thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.

4. Tổ chức Hội nghị trực tuyến do Thủ tướng Chính phủ chủ trì (vào đầu quý III/2018) với 28 tỉnh, thành phố ven biển để chỉ đạo tăng cường triển khai Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13/12/2017 và thực hiện các khuyến nghị của Đoàn Thanh tra EC.

5. Bảo đảm duy trì hệ thống giám sát Movimar thực hiện năm 2019 - 2020 cho khối tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24m trở lên theo khuyến nghị của EC; xây dựng và triển khai Dự án thông tin quản lý nghề cá trên biển giai đoạn II, ngay trong quý IV/2018 để giám sát hoạt động của tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên; thực hiện đầu tư nâng cấp các cảng loại 1 đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc và giám sát tàu cá tại cảng theo kiến nghị của Ủy ban Châu Âu.

6. Các tỉnh, thành phố ven biển tập trung thực hiện:

- Trong 6 tháng cuối năm 2018 phải tập trung nguồn lực, có các biện pháp cụ thể, cấp bách để quản lý, kiểm soát chặt chẽ đội tàu của các địa phương, trong việc: tăng cường kiểm soát tàu cá xuất bến và tàu cá tại cảng; kiểm soát sản lượng cập bến tại cảng; thực hiện tốt cơ chế phối hợp và xử lý ngay giữa các lực lượng kiểm tra, kiểm soát trên biển khi phát hiện các tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; có biện pháp xử lý quyết liệt như: rút giấy phép khai thác, không cấp giấy phép mới đối với các chủ tàu có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ hoặc bị phát hiện trên hệ thống giám sát hành trình.

- Hoàn thành trước ngày 30/10/2018 việc thu hồi tất cả các thiết bị giám sát hành trình MOVIMAR đã được lắp đặt trên các tàu cá có chiều dài nhỏ hơn 24m và lắp đặt các thiết bị được thu hồi đó cho các tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên trên địa bàn tỉnh để đảm bảo các tàu có chiều dài từ 24m trở lên được lắp đặt và sử dụng thiết bị VMS.

- Yêu cầu các chủ tàu hoặc thuyền trưởng của tàu cá đã được lắp đặt thiết bị MOVIMAR, thiết bị VX-1700 mở máy 24/24 giờ khi đi khai thác hải sản trên các vùng biển. Xử lý nghiêm đối với các tàu cá không mở máy theo quy định của pháp luật. Tổ chức nâng cấp thiết bị VX-1700 lắp đặt trên tàu và trạm bờ nhằm đảm bảo báo cáo tự động từ tàu về bờ.

- Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Thông tư 02/2018/TT-BNNPTNT ngày 31/01/2018 và triển khai nghiêm túc kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Quyết định số 27/QĐ-BNN-TCTS ngày 5/1/2018.

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, đảm bảo ngư dân, cán bộ, các tổ chức, cá nhân có liên quan hoạt động thủy sản phải có được các thông tin đầy đủ về việc cảnh báo thẻ vàng của EC, phải nắm được những nội dung cơ bản của quy định về chống khai thác IUU, nhất là đối với cộng đồng ngư dân và doanh nghiệp xuất khẩu hải sản khai thác để thực hiện theo quy định của pháp luật.

7. Tiếp tục tăng cường triển khai thực hiện nghiêm Công điện số 732/CĐ-TTg ngày 28/5/2017 và Chỉ thị 45/CT-TTg ngày 13/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

(TỔNG CỤC THỦY SẢN/nongnghiep.vn)
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập213
  • Hôm nay47,044
  • Tháng hiện tại725,316
  • Tổng lượt truy cập90,788,709
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây