Cuối năm 1959, người dân làng Đại Phong, xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình quyết định thành lập HTX Đại Phong. Đại Phong trở thành lá cờ đầu trong nông nghiệp ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa (XHCN). Không những đẩy lùi được cái đói của làng mình, hũ gạo Đại Phong còn được đưa ra nhiều địa phương để phân phối cho nhân dân. Học tập Đại Phong, hơn 3.000 HTX thi đua với Đại Phong. Năm 1962, HTX Đại Phong vinh dự đón 32 đoàn khách quốc tế về thăm và học tập kinh nghiệm. Trong kháng chiến chống Mỹ, “Gió Đại Phong” đã làm tròn nhiệm vụ của hậu phương, vừa sản xuất, vừa chiến đấu và ngày hôm nay, làn gió ấy vẫn còn lan tỏa, vẹn nguyên giá trị.
Sau gần 60 năm, lan tỏa tinh thần từ Phong trào "Gió Đại Phong", với tinh thần người người thi đua, nhà nhà thi đua, nhiều HTX dịch vụ nông nghiệp đã xuất hiện trên cả nước. Các HTX dịch vụ đã tập hợp, đoàn kết hàng triệu hộ nông dân để liên kết cùng phát triển, trong đó phải kể đến HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào (HTX Anh Đào) ở TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng với mô hình nông nghiệp sạch theo tiêu chuẩn VietGAP.
Xã viên Hợp tác xã Anh Đào trồng rau công nghệ cao. Ảnh: KHẮC DŨNG |
Đầu những năm 2000, khái niệm “rau sạch”, “rau an toàn” hoàn toàn xa lạ với thị trường và người tiêu dùng. Nhưng với tư duy khác biệt, năm 2003, 7 hộ nông dân chỉ với số vốn vỏn vẹn 7 triệu đồng đã quyết tâm tổ chức sản xuất bài bản trong một mô hình HTX, tiến hành tự trồng và kinh doanh rau sạch. Ông Nguyễn Công Thừa, Giám đốc HTX, cho biết: “Trong bối cảnh người nông dân được giá mất mùa, được mùa mất giá, chúng tôi đã thành lập HTX Anh Đào để liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tạo nguồn hàng hóa dồi dào, cạnh tranh với các sản phẩm khác trên thị trường và không bị thương nhân đầu mối ép giá. Chúng tôi phấn đấu vì lợi ích hài hòa, các bên cùng có lợi. Nếu chỉ vì cái lợi của mình mà người khác không có lợi thì đó không phải triết lý hoạt động của Anh Đào”.
Đến nay, sau 15 năm hoạt động, HTX Anh Đào có hơn 100 thành viên là hộ nông dân liên kết, áp dụng mô hình sản xuất nông sản VietGAP. Hiện sản phẩm của Anh Đào đã có mặt tại 53 tỉnh, thành phố trên cả nước và còn xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc và trở thành HTX dịch vụ có thương hiệu, có chỗ đứng trên thị trường nông sản. Nhiều năm liên tục, sản phẩm rau củ của HTX Anh Đào được tham gia các hoạt động gửi tặng rau xanh đến quân và dân tại quần đảo Trường Sa. Mỗi năm, HTX sản xuất và tiêu thụ 40.000 tấn rau với doanh thu hơn 200 tỷ đồng; lợi nhuận bình quân trên 1ha/năm của người nông dân là hơn 1 tỷ đồng. Khi chưa tham gia vào HTX, phương tiện đi lại của người dân là xe máy, nhưng tham gia HTX, thu nhập mỗi năm hàng tỷ đồng, nhiều hộ dân đã mua được ô tô, đời sống khá giả hơn trước rất nhiều. Ông Nguyễn Công Thừa khẳng định: "Chúng tôi quyết tâm phấn đấu đến năm 2020 sẽ làm chủ được công nghệ nông nghiệp 4.0 và Anh Đào trở thành thương hiệu quốc gia".
Theo MAI CHI/qdnd.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã