Điểm nghẽn trong tái cơ cấu nông nghiệp hiện nay, theo ông Lê Minh Hoan là người nông dân còn tư duy mùa vụ, trong khi doanh nghiệp (DN) còn tư duy thương vụ, còn các cấp chính quyền là tư duy nhiệm kỳ. Phải chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp. Đây là một cuộc cách mạng thực sự, không chỉ trong tư duy mà còn cả trong cách làm.
Chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm
Theo ông Nguyễn Văn Dương- Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp thì tới nay người nông dân vẫn tiếp tục quy trình sản xuất truyền thống. Trở lại với câu chuyện “được mùa rớt giá”, ông Dương cho rằng phần nào phản ánh quy luật thị trường, nhưng nếu đã xây dựng quy hoạch và có sự chuẩn bị từ đầu, có sự liên kết chặt chẽ giữa DN phân phối, chế biến với các nhà sản xuất, hộ nông dân, sẽ phần nào giúp giảm bớt những rủi ro cho tiêu thụ nông sản.
Còn với ông Phạm Phú Ngọc Trai- Công ty Tư vấn kinh doanh hội nhập Toàn Cầu (GIBC) thì sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị là hướng đi bền vững. Ông Trai cho rằng, xét ở quy mô cả nước lẫn nội vùng (Đồng bằng sông Cửu Long) thì ngành nông nghiệp đang tồn tại nhiều điểm hạn chế và thách thức. Thách thức không chỉ đến từ tình trạng biến đổi khí hậu, thiếu hụt nguồn nước mà còn bởi áp lực cạnh tranh về nguồn lực và tình trạng đô thị hóa.
“Những vấn đề của thị trường và sự thay đổi nhu cầu tiêu dùng nông sản cũng đòi hỏi người nông dân phải thay đổi cách thức sản xuất, kinh doanh”- ông Trai nói. Về việc sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, vị chuyên gia này cho rằng đó là cách đảm bảo cho sự chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm, điều tiết cung cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Từ đó đưa đến sự phát triển ổn định, bền vững. Tuy nhiên, hiện cả đầu vào và đầu ra cho nông sản vẫn có vấn đề. Đáng chú ý, ĐBSCL hiện đang thiếu sự liên kết vùng trên diện rộng, trong khi đó là con đường thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp, đưa vùng ĐBSCL phát triển bền vững.
Ông Trai cũng cho rằng, đứng trước sự hội nhập sâu rộng của nền kinh tế hiện nay, quy mô và độ mở ngày càng lớn và đa dạng hơn của thị trường sẽ là cơ hội lớn. Nhưng để cơ hội không vuột mất thì nông nghiệp Việt Nam buộc phải chuyển đổi mạnh theo hướng hiện đại hóa và thương mại hóa, với phương châm tăng giá trị, giảm đầu vào, hình thành các chuỗi giá trị trong một nền kinh tế nông nghiệp.
Chuỗi giá trị còn nhiều hạn chế
TS Nguyễn Thanh Mỹ- Công ty Rynan Technologies Vietnam lại nêu lên một thực tế ít người chú ý trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp, đó là việc DN sản xuất lúa gạo lại không sở hữu một thửa ruộng nào. “Chúng ta liệu có thể xây dựng công ty sản xuất lúa gạo lớn nhất thế giới, nhưng không sở hữu một thửa ruộng nào được hay không?”- ông Mỹ đặt vấn đề và cho rằng chuỗi giá trị lúa gạo hiện nay của Việt Nam đang có nhiều điểm hạn chế: khâu gieo trồng sử dụng quá nhiều cây giống, phân bón giả, kém chất lượng; khâu phân phối vẫn còn tình trạng “cò” thu gom hàng, thương lái ép giá; khâu chế biến chưa có sự quan tâm và đầu tư trang thiết bị công nghệ cao nên khó kiểm soát chất lượng đầu vào và đầu ra hạt gạo... Vì vậy, theo ông Mỹ, sự thay đổi không chỉ từ phía người nông dân, mà phải dựa vào những tổ chức, đơn vị, DN mạnh.
Chuyển đổi từ cách thức sản xuất truyền thống sang sản xuất hướng tới thị trường, trong đó rất chú trọng tới khái niệm “nông nghiệp sạch”. theo ông Nguyễn Hồng Quang- Công ty cổ phần Nông trại sinh thái (Ecofarm) thì phải thay đổi kỹ thuật canh tác như xuống giống, tưới, chăm sóc cho đến việc tổ chức quản lý, canh tác từ xa... Muốn làm được điều đó thì cần sự nỗ lực, đồng lòng, đồng thuận của chính quyền, DN, người nông dân “và cả sự hy sinh một số lợi ích kinh tế của người nông dân trong buổi đầu khởi phát”- theo ông Quang. Nhưng ông Quang cũng lưu ý, nông dân không thể tự liên kết mà cần đến sự vào cuộc thực sự của chính quyền (về cơ chế, chính sách hỗ trợ), của DN (về vốn, kĩ thuật, tiêu thụ sản phẩm).
Còn nhớ, dịp đầu năm nay, tại Hội nghị tổng kết năm 2017 và triển khai kế hoạch 2018 của ngành NNPTNT, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lưu ý: Nông nghiệp chỉ chiếm 16% trong cơ cấu GDP, lao động chiếm trên 42%, nhưng người dân sống ở nông thôn đến 70%. Tình trạng “được mùa rớt giá” vẫn còn là nỗi lo. Thủ tướng cho rằng phải sát dân, sát cơ sở hơn. “Các ông nông nghiệp phải quần xắn móng lợn, lội ruộng với nông dân, hỏi lão nông tri điền làm gì để mình biết, chứ không phải chỉ nghiên cứu giấy tờ”.
Suy nghĩ và hành động trên chính đồng đất cùng người nông dân một nắng hai sương, từ đó mới có lời giải thực sự cho bài toán phát triển nông nghiệp bền vững. Và cũng chỉ như vậy người nông dân mới thoát khỏi lối tư duy mùa vụ, DN mới thôi cách tư duy thắng thua từng thương vụ, lãnh đạo mới thoát khỏi tư duy nhiệm kỳ theo lối nghĩ ngắn, mà thiếu một chiến lược phát triển lâu dài, bền vững.
Bà Vũ Kim Hạnh - Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao: Cần “bắt mạch” được thị trường khi mà thế giới đang thay đổi xu hướng tiêu dùng từ 2N (no, ngon) thành 2S (ăn tốt cho sức khỏe và sắc đẹp). Vì vậy, cần nghiên cứu kỹ xu hướng thị trường cùng với việc thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, giao thương trong nước và quốc tế. |
Đỗ Quang/daidoanket.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã