Những ngày này, tại xóm lưới ấp 18, mỗi người một việc: Người bắt viền, người bắt phao, dập chì cho lưới. Đang dập chì, chị Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết: “Xóm lưới này hoạt động quanh năm, nhưng mạnh nhất vào mùa nước nổi. Năm nay nước lũ về sớm hơn mọi năm, gia đình tôi 4 người làm hết công sức mới đủ lưới bán. Hiện tôi xuất bán bình quân 40 tay lưới/tháng, lãi vài triệu đồng”.
Tại ấp 19, không khí sản xuất cũng tất bật không kém. Ông Trần Văn Nhứt - người có trên 20 năm làm nghề vóc câu - nói: “Nhà tôi có 4 người, do ít đất trồng trọt nên chủ yếu sống dựa vào nghề vóc câu. Năm nay lũ về sớm nên nhà nào cũng tất bật vóc câu để bán. Những hôm khách hàng cần gấp số lượng lớn, gia đình tôi phải làm tới khuya mới đủ hàng bán cho người ta. Bình quân mỗi ngày vợ chồng tôi làm ra 300 cần câu thành phẩm, bán với giá 65.000 đồng/100 cần câu, lãi gần 150.000 đồng...”.
Còn ông Lê Thanh Nhàn - cùng ngụ ấp 19 - đang vóc mấy nan tre làm cái lợp cuối cùng để giao cho khách hàng trong ngày. Ông Nhàn cho biết: “Lợp ở đây được làm bằng tre già, sau đó cắt khúc ra vóc nhỏ rồi đan xen kẽ với nhau theo kích thước dài khoảng 8 tấc, ngang 3 tấc. Mỗi ngày tôi làm được 2 cái, bán giá 40.000 đồng/cái, lời khoảng 20.000 đồng/cái”.
Theo ông Quách Hoàng Em - Bí thư xã Tân Long, nghề đan lưới, vóc câu, đan lợp tại xã là nghề truyền thống, gắn bó với người dân trên 40 năm qua. Đa số hộ theo nghề là đồng bào dân tộc Khmer thuộc diện hộ nghèo - cận nghèo hoặc ít đất sản xuất. Nghề truyền thống này đã giúp nhiều người dân nơi đây có thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo.
Để bảo tồn và phát huy làng nghề, địa phương sẽ có kế hoạch hỗ trợ người dân về vốn, thay đổi phương thức sản xuất theo hướng cơ giới hoá; đồng thời khuyến cáo các cơ sở không nên sản xuất các loại ngư cụ nằm ngoài danh mục cho phép để tránh tình trạng khai thác nguồn lợi thuỷ sản theo cách tận diệt.