Một cốc nước chanh ở phố Lý Thường Kiệt (Hà Nội) có giá 75.000 đồng. Chỉ mất một quả chanh và ít nước, đá lạnh cho cốc nước đó, trong khi đó người trồng chanh phải bán 20kg chanh mới thu được 75.000 đồng.
Việc so sánh thật khập khiễng, nhưng những người trồng chanh đang rơi vào cảnh khóc dở mếu dở vì khó bán được hàng. Nhiều nhà vườn không buồn hái và chăm sóc, chanh để rụng đầy gốc.
Những năm 2020-2014, cây chanh đào được ví như cây tiền triệu cho người nghèo, vì người nông dân chỉ cần cắm vài chục cây là sống ổn. Chanh đào dễ trồng, dễ chăm sóc, chỉ sau 2 năm đã bói quả lại được giá nên người dân đổ xô vào trồng.
Thời điểm hoàng kim đó, 1kg chanh đào bán tại vườn có giá 40.000 - 50.000 đồng/kg. Một cây chanh cho thu từ 40-50kg, trừ hết chi phí, người nông dân lãi hơn 1 triệu đồng một cây.
Vườn chanh vắng bóng người mua. Ảnh: Xuân Tuấn
Mấy năm trước chỉ có nông dân ở vùng Cao Phong (Hòa Bình) và Văn Giang, Khoái Châu (Hưng Yên) trồng chanh đào. Khi đó sản lượng chanh đào rất ít, nên nông dân bán được giá cao, có lúc lên đến 50.000 đồng/kg. Trồng chanh đào hốt bạc lại nhàn nhã, vì vậy người dân bắt đầu đổ xô vào trồng.
Các hộ dân ở thủ phủ cam Cao Phong đầu tiên chỉ trồng chanh đào làm hàng rào. Chanh lên giá, nhiều người dành 2-3ha đất trồng chanh. Một đồn mười, mười đồn trăm, người nông dân đổ xô, mua giống, cải tạo đất trồng chanh đào với hi vọng sớm hốt bạc.
Do diện tích chanh đào nhân lên quá nhanh, nên sản lượng lớn, người nông dân khó tiêu thụ. Ảnh: X.T
Giờ không chỉ các hộ ở Hòa Bình, Hưng Yên mà cây chanh đã nhanh chóng phủ xanh đất trống ở các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Sơn La, Bắc Giang, rồi cả Thanh Hóa, Nghệ An. Diện tích nhân lên nhanh chóng, trong khi đó mặt hàng này chỉ dùng để ngâm, chữa ho và viêm vọng.
Khi cung vượt quá cầu, giá chanh giảm là điều không tránh khỏi. Từ mấy chục nghìn, nay còn vài nghìn đồng/kg. Điều đáng lo ngại hơn là do giá rẻ, nhiều nhà vườn bỏ đói chanh. Một số hộ đã rục rịch phá bỏ chanh. Gia đình bà Nguyễn Chấn ở xóm Tháu, phường Thái Thịnh, TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình năm 2016 đã phá đi 3.000 cây chanh đào.
Những vườn chanh đào một thời hái ra tiền, nay nhiều người dân bắt đầu phá bỏ. Ảnh: X.T
Với tình trạng giá cả xuống thấp như hiện nay, nhiều hộ dân khác vẫn đang tiếp tục phá chanh đi trồng cây khác. Làm theo phong trào, không cần tính toán đầu ra cho sản phẩm mà nhiều hộ vẫn lao vào trồng như con thiêu thân. Và cuối cùng hậu quả tất yếu đã xảy ra là bà con không bán được hàng.
Ông Nguyễn Văn Thái ở xã Tử Nê, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình chia sẻ, năm 2014, tôi còn bán được 40.000 đồng/kg chanh đào. Nay giá chanh xuống thấp, chắc tôi cũng phải chặt bỏ cây vì làm không có lãi. Ảnh: X.T
Không riêng gì cây chanh đào, hiện nay, phong trào trồng cây có múi như cam, quýt, bưởi... ở nhiều nơi cũng đang tăng theo cấp số nhân. Vùng nào cũng san gạt đất đồi, cải tạo đất hoang để trồng cây ăn quả. Sau vài năm, sản lượng bưởi, cam bỗng tăng đột biến. Hoa quả lại theo mùa khiến bà con không lúc nào hết vật lộn với bài toán đầu ra cho sản phẩm.
Theo Xuân Tuấn/ Dân Việt
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã