Đến tham quan hồ nuôi cá của ông Me, chúng tôi ngạc nhiên trước cảnh quan khu vườn yên tĩnh dưới chân ruộng bậc thang. Những chiếc lốp xe cũ đã tô điểm, tạo cho khu vườn như nơi nghỉ dưỡng, tận hưởng cuộc sống giữa miền sơn cước.
Ông Me kể: Năm 2013, nuôi ước mơ thoát nghèo, thấy suối có nước mình dẫn về ruộng đắp bờ làm hồ nuôi cá trên thửa ruộng hơn 400m2. Bụng nghĩ suối nước sạch dẫn về hồ nuôi cá thì lo gì cá không lớn, nhưng đến khi bắt tay vào làm thì khó nhọc trăm bề.
Bờ hồ nuôi cá được đắp bằng lốp xe kiên cố của ông Me.
Không có tiền đầu tư xây hồ xi măng kiên cố, thả cá lứa nào cũng phập phồng, mỗi trận mưa to, chưa nói đến lũ là hồ lại vỡ bờ, cá trôi mất sạch. Bao nhiêu vốn liếng trôi theo mưa lũ. Nghèo lại hoàn nghèo.
Lứa cá mới nhất, đầu năm 2016, ông Me mua gần 10 triệu tiền giống cá trắm cỏ, thả nuôi đã 6 tháng lại trôi sạch. Cũng như bao người dân ở miền sơn cước, ông Me lẩn quẩn tìm kế làm giàu.
“Sau nhiều năm thất bại, tôi vẫn không nguôi chí làm giàu từ nuôi cá. Cách đây một năm, tôi ra ngoài quán sửa xe thấy lốp xe họ bỏ chất đống. Tôi nghĩ không biết bỏ đất vào lốp làm cái bờ được không? Lôi hết lốp mang về làm thử không ngờ đó là giải pháp hay” - ông Me bộc bạch.
Ông Me còn đổ đất trồng rau trên lốp xe.
Ông Me lọ mọ lật bên trong lốp xe ra bên ngoài, chồng chúng lên nhau, lốp xe máy thì chồng 4 chiếc, xe ô tô thì 3 chiếc, lấy dây canh xếp chúng thẳng hàng , lấy tre đóng cọc giúp chúng thành bờ lốp xe kiên cố.
Không có vốn, ông chỉ gom góp thả nuôi vài trăm con cá trắm cỏ. Trên bờ ao, ông trồng các loại cỏ, cây mì để lấy lá làm thức ăn cho cá. Những lốp xe trên cùng ông bỏ đất, thêm phân trồng rau, củ, quả để có nguồn rau xanh cho gia đình sử dụng quanh năm, không tốn tiền đi mua.
Lứa đầu tiên thả nuôi trong hồ được đắp kiên cố bằng lốp xe, cá lớn nhanh, mùa mưa lũ năm 2017, lũ lớn, nhưng hồ không có dấu hiệu bị vỡ, ông Me đã xuất bán 500 con thu được hơn 10 triệu đồng, ông lấy hết khoản tiền này mua giống thả lứa thứ hai 1.000 con, mua xi măng và thêm lốp xe về gia cố thêm bờ.
Hồ nuôi cá đắp bằng lốp xe là giải pháp sáng tạo với điều kiện đặc thù ở miền núi.
Ông Me chia sẻ: Cá trắm cỏ rất dễ nuôi và mau lớn, phù hợp với điều kiện ở miền núi do chúng không kén ăn, đề kháng tốt, cho năng suất cao, thức ăn dễ tìm. Khi cá nhỏ thì thức ăn là cám, cá lớn cho ăn lá cây mì, các loại cỏ. Các loại thức ăn này có sẵn, không mất tiền mua. Loại cá này có thể cho năng suất cao, mang lại lợi nhuận ổn định cho người nuôi. Nhưng khó nhất là mình lại không có vốn để đầu tư con giống.
Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Phùng Tô Long cho rằng đây là phương pháp sáng tạo mới trong sản xuất. Để giúp người dân sớm tiếp cận với nghề nuôi cá nước ngọt, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân vươn lên làm giàu, huyện sẽ mở các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá nước ngọt an toàn sinh học, thành lập nhóm hộ, tổ hợp tác nuôi cá, cho vay vốn và hỗ trợ tìm đầu ra, tiêu thụ cho bà con.
Nguồn tin: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã