Học tập đạo đức HCM

Những huyền thoại mới ở đồng rừng

Chủ nhật - 29/07/2018 01:45
Huyện Trấn Yên (tỉnh Yên Bái) vừa có những bãi bồi trù phú nhưng cũng có nhiều xã đồi núi khó khăn. Với mỗi địa hình, trình độ dân cư, huyện lại lựa chọn cây trồng, hướng phát triển sao cho phù hợp: Báo Đáp, Việt Thành, Tân Đồng... đất đai màu mỡ, bà con chịu khó làm ăn nên được định hướng trồng dâu nuôi tằm; đồi núi Hưng Khánh trồng chè; những vùng đất rộng, người thưa như Kiên Thành thì đưa vào măng tre Bát độ.

Khó khăn chốn nào cũng có, song ở đâu bà con cũng lựa được những thế mạnh của mình, cùng với chính sách của nhà nước để quyết tâm xây dựng nông thôn mới.

Tuổi thất thập vẫn thu về cả trăm triệu đồng mỗi năm
Ở tuổi 70, cụ Ngữ cho biết mỗi năm hai vợ chồng cụ thu về 100-120 triệu đồng từ nghề trồng dâu nuôi tằm.

 

Ở tuổi 70, cụ Ngữ cho biết mỗi năm hai vợ chồng cụ thu về 100-120 triệu đồng từ nghề trồng dâu nuôi tằm.

Cụ Nguyễn Thế Ngữ (SN 1948, thôn Lan Đình, xã Việt Thành, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) khẽ khép cánh cửa nhà nuôi tằm: “Tằm nhà cậu em tôi đang thức, tôi đưa nhà báo sang đó nhé. Bên này chúng nó ngủ hết rồi, tối mới dậy ăn rỗi”. Đi trên con đường bê tông như dải lụa trắng mềm mại uốn giữa màu xanh bạt ngàn của dâu, cụ Ngữ khoe: “Đường làng ngõ xóm ở Việt Thành đã đổ bê tông hết. Nhờ con tằm cả đấy”. Bà Chủ tịch xã kiêm Bí thư Đảng uỷ Lê Thị Lụa tiếp lời: “Chỉ trong 5 năm xây dựng nông thôn mới, Việt Thành đã huy động trên 50,76 tỉ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó, vốn nhân dân đóng góp chiếm 42,9%. Ba năm trước (18.9.2015) xã nhà đã đạt chuẩn nông thôn mới của UBND tỉnh Yên Bái. Thành quả ấy phần lớn đến từ nghề trồng dâu, nuôi tằm của địa phương”.

Cây dâu, con tằm làm giàu cho đất này là cả một câu chuyện dài. Cụ Ngữ là một trong những người đầu tiên của xã tìm đường nuôi tằm, cụ nhớ: Từ năm 2000 trở về trước, mỗi mùa lũ về, sông Hồng chỉ bồi vào bãi toàn là cát. Ít đất, nhiều cát nên nóng, lại giữ ẩm kém nên bà con canh tác cây gì cũng đói; dù nông dân Việt Thành nổi tiếng chịu thương chịu khó. Sau rất nhiều lần chuyển đổi cây trồng, huyện quyết định thí điểm trồng dâu ở thôn của cụ Ngữ. Bấy giờ cụ là trưởng thôn, cùng một số người nữa đã được đến những vùng trồng dâu nuôi tằm lớn của miền Bắc để tham quan, học hỏi. “Chúng tôi còn về Hồng Châu (Yên Lạc, Vĩnh Phúc), đón ông Nguyễn Văn Sinh lên. Ông Sinh ăn ngủ nhiều ngày ở nhà tôi để hướng dẫn trồng dâu, nuôi tằm. Dần dần bà con thấy hiệu quả cao nên chuyển đổi”.

Và trời đã không phụ lòng bà con, không phụ quyết tâm của huyện khi đưa cây dâu lên đất Trấn Yên; cây dâu trồng trên đất cát tơi xốp đỏ phù sa, lá to, xanh mỡ màng. Huyện cũng lặn lội đưa về tằm Lưỡng Quảng - giống tằm đã góp phần làm nên con đường tơ lụa nức tiếng của người Trung Hoa. Nhờ thế mà kén tằm Trấn Yên to, sợi dài, cho chất lượng tơ không kém gì các vùng dâu tằm nổi tiếng của cả nước. “Khoảng mười năm trước, tôi và bà con xuống Hà Nội tham dự Hội chợ toàn quốc về nông nghiệp tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Giảng Võ. Kén chúng tôi mang xuống đạt 1.056m tơ/kén, hơn kén của vùng dâu tằm lớn nhất nước tại Bảo Lộc (Lâm Đồng) đến 156m” - cụ Ngữ kể.

Con tằm đã gắn với cụ Ngữ và bà con Việt Thành từ ngày ấy. Cụ tấm tắc: “Không gì bằng được con tằm. Chưa đầy một tháng từ lúc nuôi là tằm đã cho kén, cứ tiền tươi thóc thật. Nuôi con gà con mà chết thì tiếc lắm, còn nuôi tằm không bỏ đi bất cứ thứ gì. Nhà nào có ao cá, có khi cá chỉ mong tằm chết; lứa nào phải đổ bỏ là cá trong ao quẫy khiếp lắm. Mà nuôi tằm lại được hưởng không khí trong lành, vì lá dâu làm thức ăn cho nó tuyệt đối không được phun thuốc trừ sâu”. Hỏi hai cụ nuôi tằm, mỗi năm thu được bao nhiêu? “Hai ông bà già nuôi, có được nhiều đâu, mỗi năm chỉ 100 - 120 triệu” - ông cụ tuổi thất thập, nông dân chân chỉ hạt bột nhắc đến tiền trăm triệu cứ nhẹ như không.

Nghe thì ngỡ nhàn hạ, song không phải ngẫu nhiên mà câu nói “nuôi tằm ăn cơm đứng” đã đi qua bao đời. Bà con Việt Thành cũng nhiều phen sấp ngửa, vì con tằm là loại mẫn cảm nhất trong các loài. Nhiệt độ quá cao, độ ẩm quá thấp hay trái gió trở trời là chúng “biết” ngay, nên thời gian đầu bà con chưa có kinh nghiệm, hở ra là tằm dịch bệnh hoặc ốm o mà chết; chưa kể ngày nắng tằm được ăn no, ngày mưa thì tằm lép bụng, năng suất và chất lượng kén vì thế mà cũng phập phù. Dần dà bà con có kinh nghiệm, trời mưa vẫn phải hái đủ lá dâu, mang về trải khắp nhà, hong quạt máy cho khô để tằm không bị đói. Bà con cũng giảm được nhiều công sức khi thả tằm trên nền xi măng chứ không phải nong né la liệt như ngày trước.

Bây giờ Việt Thành có hơn 100ha trồng dâu với khoảng 300 hộ đang làm nghề “ăn cơm đứng”. Bà Lụa hồi tưởng: Trước khi có nghề trồng dâu nuôi tằm, Việt Thành có rất nhiều nhà gỗ, xập xệ, đường làng ngõ xóm là đường đất. Từ ngày có cây dâu, con tằm đến nay, có những thôn đã không còn mái nhà gỗ nào, đâu đâu cũng thấy mọc lên những ngôi nhà kiên cố, hiện đại không kém gì phố thị. Tiện nghi sinh hoạt cũng không còn là những món đồ xa xỉ với bà con, xe tay ga đắt tiền chạy veo veo khắp xã. Người Việt Thành nói vui rằng con tằm làm kén cho mình xong, nó chuyển sang làm kén cho người!

Ông Nguyễn Thế Phước - Bí thư Huyện uỷ Trấn Yên cho biết: Toàn huyện đang có 345 hécta trồng dâu nuôi tằm. Tân Đồng, Việt Thành, Báo Đáp là ba xã có diện tích trồng dâu nuôi tằm lớn nhất huyện. Mục tiêu của chúng tôi là đến năm 2020 có 1.000 hécta cho giá trị kinh tế khoảng 300 triệu đồng/hécta/năm. Trước đây đầu ra của bà con phụ thuộc nhiều vào tư thương, nhiều khi kén tằm bị ép giá nhưng khoảng 5 năm nay chất lượng kén tốt nên tư thương tranh nhau mua, tiền hàng có khi họ ứng trước cả vụ. Đầu năm nay chúng tôi đã kêu gọi được một doanh nghiệp tư nhân vào đầu tư. Họ đang xây dựng nhà máy để tháng 8 này bắt đầu thu mua cho bà con. Theo lộ trình, năm 2019 họ sẽ xây dựng dây chuyền để năm 2020 bắt đầu ươm tơ tại huyện. Huyện cũng đã tổ chức một hội thảo để xây dựng hướng phát triển bền vững cho vùng trồng dâu. Theo đó chúng tôi sẽ hình thành các HTX để doanh nghiệp ký kết với HTX chứ không liên kết trực tiếp với người dân. Năm vừa rồi Trấn Yên thành lập được 13 tổ HTX trên địa bàn 4 xã với 270 hộ nông dân tham gia. Thực tế có những hộ bán tằm con cho hộ nuôi tằm kén rồi thu mua kén ngược trở lại. Kén chưa qua xử lý “sống” chung với tằm con sẽ làm tằm con tăng nguy cơ mắc bệnh, giảm sức đề kháng, dẫn tới giảm chất lượng kén, giảm năng suất. Nên trong 270 hộ này sẽ chọn ra 7 hộ chuyên nuôi tằm con. Hiện nay 7 hộ nuôi tằm con đang xây dựng những nhà nuôi tằm con chất lượng. 270 hộ đó cũng được huyện hỗ trợ xây dựng cơ sở nuôi tằm, giống, hoặc máy móc kỹ thuật. Hiện nay mỗi mỗi tổ hợp tác đang có một kỹ sư nông nghiệp của huyện cử xuống để “ba cùng” với bà con.

'Dâu tằm là một trong những hướng phát triển đẩy mạnh của Trấn Yênkhi xây dựng nông thôn mới'
Dâu tằm là một trong những hướng phát triển đẩy mạnh của Trấn Yên khi xây dựng nông thôn mới

Dân thôn góp tiền, gửi tiết kiệm chờ... làm đường!

Bí thư Huyện uỷ Trấn Yên vốn là kỹ sư cầu đường, song điều làm ông xúc động không phải là những công trình lớn nhỏ, mà đó là đoạn đường của một thôn đồi núi quanh co. Trên cương vị Bí thư, bà con thôn Khe Năm, xã Hưng Thịnh (Hưng Khánh) đã khiến ông thực chứng được “sức mạnh của lòng dân: “Khe Năm là nơi duy nhất tôi đến dự lễ khánh thành đường. Ngày tôi đến, hoa tóc tiên nở tím hai bên đường. Tôi rất ngạc nhiên vì chất lượng công trình do chính bà con làm “nhà thầu”. Bà con chỉ xin xi măng (còn lại tự hiến đất và đóng góp phần còn lại để làm đường), tỉ lệ 40 - 60 (kinh phí nhà nước - kinh phí dân đóng góp), thay vì 60 - 40 như thông thường. Xúc động nhất là Khe Năm đã gây quỹ tiết kiệm làm đường; bà con vừa gửi ngân hàng lấy lãi suất, vừa tiếp tục đóng góp mỗi năm”.

Trưởng thôn Khe Năm, ông Vũ Văn Hồng là người “vác tù và” có trí nhớ đáng nể nhất mà chúng tôi từng biết. Không cần sổ sách, chúng tôi hỏi đến đâu, ông Hồng nhắc chính xác từng con số đến đó: 2012 Khe Năm còn là thôn đặc biệt khó khăn. Khi đó mới làm được 125m đường và cây cầu trị giá 542 triệu theo chương trình 135 của nhà nước. Sau đó mở thêm được 2km nữa. Sang năm 2013 mở được 2,2km và 3 cống to. Năm 2014 nhà nước hỗ trợ cống, dân đóng tiền làm được 803m. Năm 2015 làm được 1.109m, vượt 67m so với kế hoạch...

Chúng tôi còn chưa hết chóng mặt với các con số chính xác đến từng... số lẻ, ông Hồng đã tiếp tục với những con số tổng kết: “Tổng kinh phí thực hiện bê tông hóa, cứng hóa đường giao thông từ năm 2012 đến nay trên địa bàn thôn là trên 2 tỉ 150 triệu đồng, trong đó bà con chúng tôi đóng góp trên 1 tỉ 171 triệu đồng. Riêng năm 2017 chúng tôi làm được 1,1km, hết 546 triệu đồng; nhà nước hỗ trợ xi măng và cống trị giá 160 triệu đồng, 386 triệu là do bà con đóng góp bằng công, bằng của”.

Ông Hồng bảo làm được đường bê tông là mơ ước của bà con Khe Năm từ mấy chục năm nay. Ông nhớ cái xóm 3 gia đình ông đang ở, năm 1995 vẫn là lối mòn, sau 4 - 5 lần máy ủi mở đường mới rộng được như hiện nay. Những ngày mưa lúc giêng hai thì có khi cả tháng phải lội bộ trên đường. Nhưng kinh tế của bà con 4 dân tộc anh em chỉ trông vào sản xuất nông - lâm nghiệp; dân số lại ít, chỉ trên 200 hộ với khoảng 700 nhân khẩu nên con đường bao năm vẫn là giấc mơ xa vời. Cho đến một ngày...

Ông Hồng xây nhà. Đường đất nhỏ hẹp, trơn truội, ngay cả “công nông bọ xít” cũng không có cách nào vào được nên ông phải huy động xe máy để chở vật liệu. Ông Hồng tiếp tục thống kê: “3.500 chuyến xe máy chở vật liệu cho đến khi xây xong nhà. Riêng gạch mỗi chuyến chở được 60 viên, hết 400 chuyến; đá hộc 18 khối... Có những ngày hết đến tiền triệu để mua xăng. Đấy là tôi nhờ được anh em bạn bè vận chuyển miễn phí, chứ nếu tính công như xe ôm thì... chết. Lúc đó tôi mới thấm giá trị của con đường. Ngày họp thôn, ông Hồng mang việc xây nhà với 3.500 chuyến xe máy của mình ra phân tích với bà con. “Chắc chắn bà con sẽ phải xây sửa lại nhà cửa. Nên nếu làm được đường thì thuận lợi hơn rất nhiều. Có đường, bà con mình vận chuyển chè, quế, nông sản mang đi bán cũng đỡ vất vả muôn phần. Bà con đã chứng kiến cảnh tôi làm nhà, rồi nghe tôi phân tích có lý quá nên bà con theo”.

Chi bộ và chính quyền thôn họp lại, tính toán. Hộ nào mặt đường, được hưởng lợi trực tiếp thì đóng 2,2 triệu đồng/khẩu, các hộ ở bên trong mỗi khẩu đóng góp 1,6 triệu đồng. Riêng hộ nghèo và những người trên 80 tuổi được miễn đóng góp. Một lúc đóng góp bằng đó số tiền không phải là chuyện dễ, nên Khe Năm đã xây dựng Quỹ làm đường giao thông (2012) và đưa ra mục tiêu làm dần, mỗi năm phấn đấu bê tông hóa bao nhiêu mét đường. Bà con sẽ đóng tiền theo từng năm. Số thu được sẽ chuyển vào ngân hàng gửi để lấy lãi, đến khi triển khai làm đường thì rút về chi trả. Năm đó, các hộ ven đường, các hộ có đất canh tác ở khu sản xuất cuối xóm 3 còn hiến đất, đóng góp nhân công để mở rộng, làm nền. Nằm ở cuối đường, phải đóng 11 triệu cho 5 khẩu nhưng anh Đỗ Văn Lâm phấn khởi vô cùng. Lúc làm đường, bà con xác định đường làm để mình đi nên chất lượng phải được đặt lên hàng đầu. Cụ Khôi tuổi đã ngoài bát thập, không phải đóng góp, song cụ vẫn ủng hộ 1 triệu đồng vào quỹ làm đường. Khi làm đường, cụ phấn khởi như trẻ nhỏ, ngày nào cũng có mặt để nổi lửa đun nước uống phục vụ bà con. Cụ bảo: “Sướng nhất là mang nông sản đi tiêu thụ, chứ ngày trước hễ mưa là đường lầy, nông sản thu về để trong nhà ẩm mốc không bán được. Bây giờ có đường láng coóng thế này, xe tải nhỏ vào tận sân thu mua đấy”.

Từ ngày hoàn thiện bê tông đường làng ngõ xóm, bà con Khe Năm càng có khí thế khi thôn được triển khai dựa án cải tạo chè theo tiêu chuẩn VietGap, rồi được tham gia dự án trồng quế, trồng măng tre Bát độ... của huyện. Ông Phước nói: “Theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Trấn Yên, giao thông thuận lợi sẽ góp phần nâng cao giá trị nông sản của Khe Năm nói riêng và toàn huyện nói chung. Song ý nghĩa không dừng lại ở đó. Cách làm đặc biệt và hiệu quả của Khe Năm còn làm khăng khít hơn tình làng nghĩa xóm, bà con trong thôn cũng vì con đường mà đoàn kết, gắn bó với nhau hơn. Ngày tôi đến dự lễ khánh thành đường, thôn còn góp tiền làm cỗ liên hoan mừng đoạn đường mới, mừng mọi con đường trong thôn đã được nối liền. Ngày hôm đó, một số người đi làm ăn xa cũng trở về chung vui!”.

Hướng dẫn dùng mắc áo ở Khuôn Bổ

Xây dựng nông thôn mới không chỉ ở con số 7,8 tỉ đồng cho mỗi xã làm đường, đưa cây trồng thích hợp để phát huy sức mạnh của từng địa phương. Trấn Yên còn hướng tới thay đổi nhận thức, nâng cao dân trí cho bà con một số vùng còn kém phát triển. Hiện nay Trấn Yên còn hai xã đặc biệt khó khăn, mà cái gốc của những khó khăn đó không nằm ở vật chất, nó nằm ở chính thói quen sinh hoạt bao đời của người dân; bà con kiếm tiền đến đâu là tiêu hết đến đó dẫn đến việc không phát triển được kinh tế gia đình; việc qua loa trong vệ sinh môi trường cũng dẫn đến giảm chất lượng sống.

Với hai xã đặc biệt này, huyện phải đẩy mạnh công tác dân số. Bây giờ tỉ lệ sinh con thứ ba đã giảm đi nhiều, song vấn đề tảo hôn vẫn chưa chấm dứt được. Ông Phước trầm ngâm: “Một năm vẫn xảy ra vài trường hợp. Nếu theo luật là “cậu chồng” phải xử tù, nhưng bây giờ mà bắt chồng là cô vợ ở nhà ăn lá ngón ngay. Nên chúng tôi phải kết hợp vừa răn đe vừa tuyên truyền để bà con nâng cao nhận thức”.

Và huyện đã phải làm từ những việc nhỏ nhất. Ví như thôn Khuôn Bổ của xã Hồng Ca với 68 hộ dân (người dân tộc Mông). Con đường bê tông dài hơn 1km nhà nước hỗ trợ vật liệu chính và bà con trong thôn tự làm cũng là con đường khang trang đầu tiên bà con nơi này có được. Làm đường xong, ông Phước đi vận động doanh nghiệp hỗ trợ mỗi gia đình 1 tấn xi măng để láng nền nhà. Xong cái nền, huyện lại mua sơn, huy động đoàn thanh niên đến quét lên những bức tường cốt tre trình xi cát đã ngả màu rêu mốc. Chưa hết, Đoàn Thanh niên của huyện còn tặng mỗi gia đình 100 cái mắc áo và nhờ hội phụ nữ đến hướng dẫn bà con mang quần áo vứt bừa phứa khắp nhà để treo lên mắc. “Xong ở Khuôn Bổ, chúng tôi mời các thôn khác đến “xem” bộ mặt Khuôn Bổ thay đổi hoàn toàn. Thấy bà con các thôn tấm tắc, tôi hỏi “có muốn làm không”, bà con gật đầu, thế là tiếp tục với ba thôn còn lại. Dù có nhiều khó khăn song tôi dám hứa sẽ đẩy mạnh mọi mặt để hai xã này đạt chuẩn nông thôn mới”.

“Hiện nay huyện Trấn Yên chỉ còn 14,2% hộ nghèo, riêng năm 2017 đã giảm được 6,2%. Toàn huyện đang có 189/190 thôn có xe bốn chỗ vào được. Đến tháng 7.2018 này, Trấn Yên có 11/21 xã đạt chuẩn, 4 xã nữa đang hoàn thành các hạng mục để đạt chuẩn nông thôn mới trong năm nay. Dự kiến 2019 - 2020 có thêm 6 xã đạt chuẩn nữa là về đích, trở thành huyện nông thôn mới của tỉnh” - ông Phước nói.

TÂM AM - VŨ NINH/laodong.vn
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập417
  • Hôm nay42,090
  • Tháng hiện tại747,203
  • Tổng lượt truy cập90,810,596
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây