Mấy năm gần đây do nhu cầu khắt khe về tiêu chuẩn gạo XK nên nông dân và thương lái giảm dần việc phơi lúa. Đa phần lúa thu hoạch xong chọn phương pháp thuê dịch vụ lò sấy để đạt tiêu chuẩn ẩm độ bán được giá cao.
Những ngày này ĐBSCL đang vào cao điểm thu hoạch lúa ĐX, đi đến đâu cũng thấy các cơ sở sấy lúa hoạt động ngày đêm để kịp đáp ứng theo yêu cầu của khách hàng. Thậm chí có những nơi lò sấy có hàng chục chiếc ghe lúa từ 15 -45 tấn đậu nối đuôi nhau ở dưới kênh đợi tài đem lúa lên sấy.
Ông Trần Văn Lụa, chủ cơ sở lò sấy lúa ở xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ cho biết: Từ khi vào vụ lúa ĐX đến nay 3 lò sấy với công suất từ 25 - 30 tấn/lò hoạt động ngày đêm không nghỉ mà vẫn sấy không kịp cho khách. Tuy nhiên khách hàng vẫn kiên trì xếp hàng chờ để đến lượt mình. Tôi sấy lúa đúng kỹ thuật như hướng dẫn của cơ sở lắp ráp lò sấy lúa Năm Nhã nên lúa đạt ẩm độ đúng yêu cầu, thương lái xay gạo đạt nên họ tin tưởng chọn mình, không bỏ đi nơi khác là vậy.
Anh Ngô Văn Hiệp, thương lái lúa ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ cho biết: Hơn 3 năm nay tôi đi mua lúa khắp nơi rồi đem lại lò sấy của ông Sáu Lụa thuê sấy đạt chất lượng cao, xay lúa gạo ít bị gẫy, ẩm độ tốt nên sẵn sàng mua lúa cao hơn bên ngoài từ 30 - 40 đồng/kg.
Hiện tại tiền công sấy với các giống lúa thông thường như IR 50404 là 180.000 đồng/tấn; đối với các giống lúa thơm hạt dài có giá từ 190.000 - 195.000 đồng/tấn. Do vào chính vụ nên cả tháng nay cơ sở ông Sáu Lụa phải thuê thêm nhân công để làm luôn cả ban đêm, tuy nhiên cơ sở sấy lúa vẫn luôn trong tình trạng quá tải.
Còn tại lò sấy lúa của ông Võ Văn Hưởng ở ấp Mỹ Thị B, xã Mỹ An, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) cũng đang trong tình trạng quá tải. Ghe lúa neo đậu dưới sông vẫn không giảm. Hễ ghe này xuống lúa đầy, vừa xuất bến thì ghe khác lắp vào. Lúa lên, lúa xuống hối hả cả ngày và đêm.
ĐBSCL đang bước vào những ngày thu hoạch rộ vụ lúa ĐX nên dù giá lúa lên hay xuống, nông dân, thương lái đều phải nhờ đến các lò sấy. Vì thế, trước tình trạng lò sấy lúa ở ĐBSCL đang còn thiếu hụt nên mỗi khi vào vụ thu hoạch rộ, các lò sấy lúa luôn ở trong tình trạng quá tải. |
Ông Hưởng cho biết: “Do biết nhau lâu năm, lúa sấy xong đạt chất lượng nên bạn hàng nơi khác cũng về đây thuê sấy. Chúng tôi không tăng giá tiền công sấy với các thương lái, nên mối lái ngày một đông”. Với 8 lò sấy với công suất thiết kế khoảng 250 tấn lúa/24 giờ, trung bình 150.000 đồng/tấn lúa, ông Hưởng thu khoảng 30 triệu đồng, trừ đi chi phí bỏ túi hơn 20 triệu đồng/24 giờ.
Trong các lò sấy chúng tôi đến ghi nhận thì cơ sở sấy lúa của anh Trương Văn Chín ở ấp Mỹ Trung, xã Hậu Mỹ Bắc B, huyện Cái Bè (Tiền Giang) khá quy mô và hiện đại. Hiện tại anh Chín đang sở hữu 18 lò sấy cải tiến, trung bình mỗi ngày sấy 500 tấn lúa, năng suất mỗi năm trên 150.000 tấn lúa. Khi trò chuyện với chúng tôi điện thoại anh Chín reo liên tục do các thương lái hối thúc, mặc dù dưới sông có trên 30 ghe lúa đang neo đậu chờ đến lượt sấy.
Anh Chín cho biết: Trước đây tôi đi mua lúa gạo và có đất nhà 10 ha nên quyết định xây dựng lò sấy lúa để tự “cứu mình” khi trời mưa bão. Dần dà thấy xu hướng người dân thích bán lúa tươi tại đồng ngày càng cao nên tôi quyết định đầu tư 12 lò sấy lúa cải tiến bán tự động của DN Năm Nhã.
Tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của khách hàng nên tôi đang lắp ráp thêm 6 lò nữa. Ngoài sấy lúa để trà ra các loại gạo thông thường thì cơ sở anh Chín còn chuyên sấy gạo sữa (gạo đục) mỗi mẻ từ 80 - 150 tấn lúa mà vẫn đạt chất lượng cao nhờ điều chỉnh được nhiệt độ thấp và kéo dài thời gian sấy từ 60 - 70 giờ, gấp 3 lần sấy các loại lúa khác. Nhưng bù lại, tiền công sấy lúa loại này cao, dao động từ 280.000 - 300.000 đồng/tấn lúa.
Như vậy, nếu tính riêng sấy các giống lúa thông thường với công suất 300 tấn/24 giờ với giá 150.000 đồng/tấn thì anh Chín thu về khoảng 40 triệu đồng. Nếu trừ hết chi phí cơ sở anh Chín lời 30 triệu đồng, chưa tính tiền công sấy gạo sữa.
nguồn: nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã