- 12 bức chân dung người nông dân Việt Nam tôi vẽ mới từ tháng 5 đến tháng 8.2017, theo lối trực họa, bằng mực nho trên giấy dó, với hai sắc độ đen và trắng. Tôi tìm mẫu chân dung theo hai hướng: Một là theo tư liệu báo chí, những nhà nhiếp ảnh dẫn đường như chân dung bà Hiên ở Bắc Giang, là một trong những người có bàn chân Dao Chỉ cuối cùng ở Việt Nam. Bà năm nay đã 92 tuổi, vẫn đi chăn trâu, vẫn ăn trầu, gặp bà tôi vẽ rất nhanh, chừng nửa tiếng là xong. Cách thứ hai là tôi đi lang thang tìm mẫu, đi vào những làng chài ở Cát Bà (Hải Phòng). Có lần gặp may khi đến Cát Bà vào thứ bảy, khách sạn đã kín phòng, tôi phải ở nhà trọ. Lang thang bãi biển cả ngày không vẽ được thì tối về ăn cơm thấy bà lão quạt than tổ ong bên cạnh có gương mặt ấn tượng là vẽ luôn, đó là chân dung bà Lê Thị Hiền, 91 tuổi. Tôi vẽ chỉ 30 phút là xong.
Vì sao anh vẽ nhanh thế? Tiêu chí chọn mặt của anh?
- Vẽ nhanh thế để giữ cái thần, cái hồn của nhân vật, dù kỹ thuật có thể khiếm khuyết. Vẽ càng chậm, càng tỉa tót thì hồn cốt giảm đi. Tay nghề phải cao mới bắt được cảm xúc của mình, của nhân vật. Cảm xúc hoạ sĩ phải yêu mẫu, trân trọng mẫu, từ đó mới nắm bắt được, vẽ được nhân vật, để họ bộc bạch hết nội tâm. Đa phần nhân vật của tôi là buồn, có sự khắc khổ, cuộc sống nghèo khó, nhưng họ rất đáng yêu, rất giàu lòng tự trọng, bồi dưỡng tiền họ không lấy, tôi mang theo kẹo bánh mà nói mãi người ta mới nhận. Tôi không thích những gương mặt hiền lành. Thích cá tính, đó phải là những người lao động thực thụ. Trong số 12 bức thì đàn ông có 4 bức.
Vì sao lại là chất liệu đó? Và khi sang Hà Lan, anh cũng dùng nó để vẽ chân dung nông dân Hà Lan?
- Vì chất liệu giấy dó, mực nho gần như là cổ truyền của dân tộc, có từ xa xưa.
Còn sang Hà Lan, tôi vẽ bằng sơn dầu trên toan. Hà Lan là đất nước sản sinh ra nhiều họa sĩ vẽ sơn dầu, vĩ đại nhất là Van Gogh, đây cũng là đất nước có nhiều hoa đẹp, nên họ chế ra sơn dầu cũng rất đặc biệt.
Việc đặt những chân dung đen trắng và màu với hai chất liệu khác nhau hẳn sẽ tạo nên những so sánh, liên tưởng thú vị?
- Đó là sự phong phú, thú vị, so sánh giữa phương Đông và phương Tây ở nhiều phương diện, từ chất liệu đến chân dung con người. Nông dân Việt Nam đại diện cho nền văn minh lúa nước, còn nông dân Hà Lan sẽ “hiện đại” hơn chăng, tôi cũng rất tò mò…
May mắn cho tôi là sang đó sẽ được hai họa sĩ Hà Lan đưa đi thực địa vẽ nông dân Hà Lan. Họ sống trên sông, có mối quan hệ với nông dân sống ở hai bên bờ sông. Hai họa sĩ Hà Lan này đã từng sang Việt Nam triển lãm “Sắc màu Hà Lan” tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM cách đây hai năm.
Anh đã có bao nhiêu triển lãm cá nhân và phong cách vẽ lần này có khác gì so với các lần trước?
- Tôi không nhớ đã triển lãm trong nước bao nhiêu lần, còn ở nước ngoài là triển lãm solo lần thứ ba, hai lần solo trước ở Mỹ (2001) và Canada (2007) là tranh sơn mài, sơn dầu thiên về ý tưởng.
Lần này, tôi vẽ chân dung nông dân Việt Nam ít cách điệu, thể hiện phong cách dung dị nhất, không khoa trương. Từ chất liệu đen trắng, giấy dó mực nho, tôi dùng công lực kiến thức mạnh nhất về hội họa đã nhiều năm “tu luyện” để thể hiện nó. Tôi luôn có những ý tưởng, đặt ra những dự án và tạo ra mốc thời gian thực hiện nó để tạo ra áp lực cho chính mình.
Chân dung của anh là những chân dung đặc tả, vì sao anh không vẽ họ trong môi trường lao động?
- Vì khi đặc tả qua gương mặt, nếu vẽ tốt đã hiện lên tất cả: Quá trình sống, lao động của người ta, đặc thù hiện lên gương mặt, nước da, đôi bàn tay… Một bức chân dung có thể hiện lên đầy đủ tinh thần của cá nhân, ngay bản thân chữ chân dung chứa đựng đầy đủ nội hàm của nó.
Người nghệ sĩ luôn thể hiện chính gương mặt mình dù là qua các nhân vật. Với anh, không chỉ qua nhân vật mà còn trực tiếp tự họa nhiều bức. Còn lần này?
- Trong 12 bức tôi mang đi triển lãm lần này có 1 bức tự họa, vì thực ra tôi cũng là một nông dân quê ở Hải Dương, bố mẹ tôi là nông dân. Tự họa của tôi thì mang tính biểu hiện và siêu thực.
- Xin cảm ơn anh và chúc triển lãm thành công.