Những việc chưa có tiền lệ
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, việc người dân hiến đất, đóng góp tiền của để hoàn thiện các công trình hạ tầng không còn là chuyện hiếm nhưng việc lãnh đạo thôn đứng ra vay ngân hàng lấy tiền cho dân làm đường thì dường như chưa có tiền lệ. Nói về điều này, ông Vũ Mộc, Bí thư Chi bộ thôn Hoàng Trạch cho biết: “Người dân đã hăng hái đóng góp công sức, tiền của để hoàn thiện các tuyến đường giao thông, giờ còn thiếu chút ít, thôn có trách nhiệm đứng ra vay ngân hàng để hoàn thiện. Đó là việc nên làm và có như vậy dân mới tin vào quyết tâm của đội ngũ lãnh đạo”.
Chị Vũ Thu Hà và ông Vũ Mộc bên con đường mới hoàn thiện của thôn Hoàng Trạch.
Tổng số tiền lãnh đạo thôn Hoàng Trạch vay ngân hàng để làm đường giao thông nông thôn lên đến 300 triệu đồng. Nhưng có vẻ như ông Mộc không lo lắng lắm với khoản nợ này bởi từ năm 1993 đến nay, thôn đã có chủ trương mỗi khẩu trích ra 36m2 đất để cho thuê phục vụ các công việc chung của thôn. Hiện, quỹ đất đó lên đến 15 mẫu, riêng năm 2012, thôn tổ chức cho các hộ thuê lại và thu được 1,5 tỷ đồng. Số tiền đó đã được sử dụng để hoàn thiện nhiều tuyến đường giao thông quan trọng của thôn và sắp tới là trả khoản nợ mà thôn đã vay để làm đường.
Thực tế, trước năm 2011, Hoàng Trạch là thôn có các hoạt động phong trào yếu kém nhất xã Mễ Sở. Người dân mất niềm tin vào đội ngũ lãnh đạo, chính vì vậy khi thôn có chủ trương làm tuyến đường nông thôn mới đầu tiên dẫn ra đình làng, bà con không mấy hào hứng dù số tiền đóng góp chỉ 100.000 đồng/khẩu. Nhưng khi thấy mọi công việc được công khai, minh bạch, người dân được giám sát quá trình thực hiện nên ai cũng nhiệt tình tham gia, những người còn nghi ngại cũng tình nguyện đóng góp xây dựng đường. Đây chính là bước đệm để Hoàng Trạch tiếp tục hoàn thiện các tuyến đường còn lại.
“Dựa trên thiết kế của tỉnh, chúng tôi sử dụng những lao động có nghề xây dựng của thôn để làm mương máng, cống; lực lượng cung ứng vật tư cũng là người của thôn. Một ban giám sát được lập ra để theo dõi quá trình thi công, người dân tham gia vào khâu giải phóng mặt bằng. Nhờ đó, từ năm 2012 đến 2014, chúng tôi hoàn thiện 5km đường ngõ xóm với tổng kinh phí 3,6 tỷ đồng. Các hộ dân đều tham gia đóng góp, xóm ít thì 600.000 đồng/khẩu, nhiều lên tới cả triệu đồng/khẩu nhưng ai cũng hăng hái tham gia”, ông Mộc cho biết.
Vùng quê đáng sống
Điều tôi ấn tượng nhất khi đặt chân về Mễ Sở là tình cảm của người dân nơi đây dành cho quê hương. Trong câu chuyện với chúng tôi, chị Vũ Thu Hà, Phó chủ tịch UBND xã nhiều lần thể hiện niềm tự hào mình là người con Mễ Sở, Phó bí thư Thường trực Đảng ủy Vũ Quang Phiên còn sáng tác một bài hát ca ngợi quê hương. Không tự hào sao được khi Mễ Sở bây giờ đã trở thành một vùng quê trù phú với những vườn cam, quất cảnh xanh ngút ngàn, những vườn ổi giống mới được người dân sử dụng công nghệ bao trái ngay từ khi quả còn nhỏ. Nhà ai cũng có một mảnh vườn xinh xắn, ở giữa mọc lên những ngôi nhà hai ba tầng khang trang; đường làng sạch đẹp, điểm xuyết bởi những rặng hoa đủ màu sắc. Cũng hiếm có địa phương nào có một phố chợ sầm uất ngay giữa trung tâm với đầy đủ các mặt hàng thiết yếu.
Những ngôi nhà đẹp đẽ, khang trang như thế này không hiếm gặp ở Mễ Sở.
“Chương trình xây dựng nông thôn mới như một “luồng gió mới” giúp làng quê Mễ Sở được khoác thêm “tấm áo” mới hơn mà chủ trương hỗ trợ xi măng của tỉnh như là cơ chế mồi để thúc đẩy người dân tham gia xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu, trong đó tập trung vào làm đường giao thông nông thôn”, chị Hà nói.
Điều đáng nói là Mễ Sở đã làm rất tốt việc huy động sức dân trong xây dựng nông thôn mới. Tổng nguồn lực đầu tư cho chương trình là hơn 264 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp tới 71,42% (tương đương khoảng 189 tỷ đồng). Đây là con số đáng mơ ước của nhiều địa phương, bởi ngoài việc đóng góp theo nhân khẩu (1 - 2,3 triệu đồng/khẩu tùy thôn) nhiều gia đình còn ủng hộ số tiền từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng để xây dựng các công trình như gia đình bà Cúc (thôn Hoàng Trạch) ủng hộ 30 triệu đồng, ông Hùng Cường (thôn Hoàng Trạch) ủng hộ 20 triệu đồng, đặc biệt ông Đào Tất Hiệp (thôn Đồng Quê) ủng hộ tới 800 triệu đồng để làm tuyến đường từ chợ Mễ đi thôn Đồng Quê. Điều này minh chứng cho tình yêu quê hương của người dân Mễ Sở và họ đã nhận ra, họ chính là chủ thể cũng là đối tượng được hưởng lợi của chương trình xây dựng nông thôn mới. “Chính đội ngũ lãnh đạo xã, thôn cũng phải sửng sốt vì sự nhiệt tình và sức đóng góp của nhân dân. Đây chính là yếu tố giúp xã nhanh chóng hoàn thành chương trình”, chị Hà nói.
Ngày 9/4/2015, xã Mễ Sở tổ chức đón nhận bằng công nhận xã nông thôn mới, 19 tiêu chí đã được hoàn thành một cách trọn vẹn với 100% đường liên xã, đường trục xã, đường thôn xóm và đường trục chính nội đồng được bê tông hóa và cứng hóa; 85,3% hệ thống kênh mương được kiên cố hóa; 100% số hộ được sử dụng điện thường xuyên và an toàn, được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh; các trường học trên địa bàn đạt chuẩn quốc gia theo quy định; trên địa bàn xã không có nhà dột nát; thu nhập bình quân đạt 33,4 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,28%; 99,8% số người trong độ tuổi lao động có việc làm thường xuyên; tình hình an ninh trật tự trên địa bàn được giữ vững...
Một trong những điều làm nên sự khác biệt ở Mễ Sở chính là sự năng động, sáng tạo của người dân. Ngay từ những năm 1990, người Mễ Sở đã giảm bớt diện tích trồng lúa, đay mà đưa cây táo vào trồng; khi táo không còn cho hiệu quả kinh tế cao, bà con lại chuyển sang trồng cam, quất, ổi, chăn nuôi quy mô lớn. Trên các vườn cam, quất, bà con trồng xen các loại cây ngắn ngày. “Người Mễ Sở không muốn cho đất nghỉ, cũng hiếm khi nào họ được nghỉ ngơi, chỉ từ những mảnh vườn, khu chuồng trại chăn nuôi mà nhiều nhà có thu nhập hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng”, chị Hà phấn khởi khoe.
Cần một phiên bản mới
Ấn tượng với những gì Mễ Sở làm được, ông Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, khẳng định, với những mô hình nông thôn mới như Mễ Sở, 19 tiêu chí là chưa đủ mà cần phải có một phiên bản cao hơn để vừa giữ vững thành quả vừa nâng cao hơn nữa mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của địa phương. Về vấn đề này, ông Vũ Quang Phiên, Phó bí thư Thường trực Đảng ủy xã Mễ Sở, khẳng định: “Xây dựng nông thôn mới là một nhiệm vụ động, lúc nào cũng phải triển khai thực hiện với những tiêu chí khác nhau. Giai đoạn đầu, chúng tôi hoàn thành 19 tiêu chí nhưng không được phép dừng lại. Để giữ vững thành quả, chúng tôi xác định, trong giai đoạn tiếp theo sẽ chú trọng phát triển dịch vụ - thương mại kết hợp với du lịch sinh thái. Chúng tôi muốn biến chợ Mễ trở thành một trung tâm thương mại, buôn bán, trung chuyển các nông đặc sản của địa phương; đồng thời muốn hình thành các tour du lịch miệt vườn kết hợp với văn hóa lịch sử. Đây chắc chắn là hướng đi bền vững và hiệu quả”.
Con đường mà lãnh đạo xã Mễ Sở vạch ra là một hướng đi đúng cho một địa phương có nhiều tiềm năng, hội tụ đủ các lợi thế. “Phiên bản” ấy chắc chắn sẽ mang lại diện mạo mới hơn cho vùng quê này trong một tương lai không xa.
Anh Thơ
Theo kinhtenongthon.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã