Đầu tiên phải nhắc đến Đề án “Tăng cường cơ giới hóa ngành chăn nuôi bò sữa” đang thực hiện ở huyện. Sau 2 năm thực hiện đề án (2013-2014), Trung tâm Khuyến nông Củ Chi đã đầu tư cho 464 hộ trên địa bàn huyện với 295 máy vắt sữa, 43 thiết bị rửa máy vắt sữa, 853 bình nhôm đựng sữa, 36 máy băm thái cỏ, 2 máy trộn thức ăn TMR và 59 hệ thống làm mát. Theo đó, ngân sách thành phố hỗ trợ 50% chi phí mua thiết bị và 50% do nông dân trả dần trong 6 tháng không tính lãi.
Theo nhiều nhà nông nuôi bò sữa ở Củ Chi, việc áp dụng máy vắt sữa đã giúp giảm chi phí công lao động, hạn chế nhiễm vi sinh trong sữa, rút ngắn thời gian vắt sữa, nâng cao sản lượng, chất lượng sữa đáp ứng yêu cầu của nhà thu mua.
Ngoài ra, máy vắt sữa còn giúp nông dân chủ động trong việc quản lý quy trình khai thác sữa, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giảm tỷ lệ bệnh viêm vú ở bò. Anh Trần Văn Cường - nông dân nuôi bò sữa ở ấp 6, xã Tân Thạnh Đông cũng cho biết, hệ thống làm mát chuồng trại đã giúp cải thiện tiểu khí hậu chuồng nuôi phù hợp với sinh lý của bò, giảm stress nhiệt và đảm bảo sức khỏe cho đàn bò sữa…
Bà Nguyễn Thị Liễu Kiều – Phó Trưởng phòng Kỹ thuật (Trung tâm Khuyến nông TP.HCM) nhận định, cái khó của dự án là vốn đối ứng của nông dân nuôi bò sữa. Chính vì vậy, khi tham gia đề án này nông dân phải chuẩn bị nguồn vốn đối ứng và tham gia tới cùng để tránh gây khó khăn cho nhà đầu tư. Bà Kiều cũng cho rằng, để tăng sản lượng và chất lượng đàn bò sữa, cũng như đáp ứng yêu cầu của công ty thu mua sữa, người chăn nuôi bò sữa buộc phải áp dụng công nghệ tiên tiến trong chăn nuôi. Theo Trạm Khuyến nông huyện, hiện trên địa bàn huyện Củ Chi có hơn 1.000 hộ chăn nuôi bò sữa.
Không chỉ trong chăn nuôi bò sữa, huyện Củ Chi cũng đang thực hiện cơ giới hóa trồng rau thông qua mô hình “Cơ giới hóa trong trồng rau”. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2015, Trạm Khuyến nông huyện đã chuyển giao 42 máy phun thuốc cho nông dân trồng rau trên địa bàn huyện.
Ông Dương Văn Minh - Trưởng trạm Khuyến nông Củ Chi cho biết, mô hình “Cơ giới hóa trong trồng rau” trong những năm qua đã giúp giải phóng sức lao động thủ công trên địa bàn, cải thiện tình trạng thiếu lao động trong nông nghiệp, tăng năng suất lao động, tạo điều kiện mở rộng diện tích trên địa bàn, góp phần thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã