Học tập đạo đức HCM

Tăng năng suất, chất lượng hàng nông sản

Thứ ba - 14/07/2015 06:05

Chúng tôi đến thăm mô hình nuôi gà Đông Tảo lai của gia đình ông Nguyễn Bá Đức, phường Duyên Hải (thành phố Lào Cai), một trong những hộ đầu tiên của phường áp dụng mô hình chăn nuôi mới. Đây là một trong những dự án thuộc chính sách khuyến khích ứng dụng KHKT của tỉnh được thực hiện trong thời gian từ tháng 7/2013 -  7/2014. Sau khi khảo nghiệm nuôi với quy mô 5.000 con gà Đông Tảo lai, qua theo dõi, kiểm tra, quá trình sinh trưởng và phát triển của gà tốt, tỷ lệ sống đạt khoảng 90%, trọng lượng trung bình 3 kg/con, giá bán dao động từ 150.000 - 180.000 đồng/kg. Ông Đức cho biết: Được lai từ già Đông Tảo và gà Lương Phượng, do vậy, thế hệ con lai F1 là gà Đông Tảo lai mang những đặc tính nổi trội như: Tăng khả năng sinh sản, da giòn, thịt thơm, ngon, hiệu quả kinh tế cao. Điều này mở ra hướng phát triển chăn nuôi gà chất lượng cao, đem lại lợi ích kinh tế ổn định và giúp người dân chủ động được nguồn giống lai tại chỗ.

Mô hình gà Đông Tảo lai của gia đình ông Nguyễn Bá Đức.

Những năm gần đây, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) được đẩy mạnh, gắn nghiên cứu với ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh và đời sống, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn được chú trọng triển khai và từng bước có hiệu quả. Theo báo cáo của Sở Khoa học và Công nghệ, năm 2014, sở đã triển khai thực hiện 102 đề tài, dự án (21 đề tài, dự án cấp tỉnh chuyển tiếp từ giai đoạn trước; 36 đề tài, dự án cấp tỉnh; 8 dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi và 37 dự án thuộc chính sách khuyến khích ứng dụng tiến bộ KHCN của tỉnh). Trong đó, 80 đề tài, dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp, chiếm 78%. Nhiều kết quả nghiên cứu của các đề tài, dự án đã được ứng dụng trong sản xuất trên 80% từng bước mở rộng mô hình tăng năng suất chất lượng cây trồng, vật nuôi tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế thiết thực cao, gắn với đặc trưng của từng địa phương. Nghiên cứu chọn tạo, khảo nghiệm và lựa chọn thành công 16 giống cây trồng, vật nuôi mới như lúa, khoai tây, gà, lợn, cá, rau, hoa… có năng suất, chất lượng cao phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của các địa phương, góp phần vào việc phát triển và bảo tồn bộ giống gốc quốc gia.

Là đơn vị tập trung nghiên cứu, sản xuất và kinh doanh các loại giống cây trồng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, những năm gần đây, Trung tâm Giống Nông - lâm nghiệp (NLN) Lào Cai luôn tập trung nghiên cứu, cho ra đời các loại giống lúa lai, lúa thuần, giống khoai tây, cây ăn quả và ngô lai chất lượng cao. Trong đó, có những cây giống khẳng định được uy tín và thương hiệu trên thị trường, như giống lúa LC25, LC212, LC270, Việt Hương 135... Hằng năm, trung tâm cung ứng trên 500 tấn lúa giống cho toàn tỉnh, tạo sự chủ động trong công tác chuẩn bị giống, hạn chế nhập khẩu, giảm chi phí đầu tư lúa giống khoảng 10% so với giống nhập nội, tiết kiệm trên 5 tỷ đồng/năm cho nông dân và nhà nước. Năng suất của các giống lúa lai LC do Lào Cai chọn tạo được đánh giá là ổn định và cao hơn giống cũ khoảng 10% (tăng trên 3 triệu đồng/ha/vụ), làm lợi cho sản xuất 40 tỷ đồng/năm. Từ những kết quả đó, Lào Cai là địa phương được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy hoạch là vùng nhân dòng giống lúa bố mẹ với quy mô 50 ha, vùng sản xuất hạt giống lúa lai F1 với quy mô 500 ha nhằm đáp ứng nhu cầu giống lúa lai của Việt Nam. Không chỉ sản xuất hạt lúa lai, trung tâm còn tiến hành việc tuyển chọn và phục tráng các giống lúa đặc sản của địa phương như Khẩu nậm xít, Séng cù cùng với việc chọn lọc giống lúa thuần, dự kiến mỗi năm sản xuất 30 - 40 tấn giống, góp phần vào việc gìn giữ các giống lúa quý, chất lượng gạo ngon đảm bảo cơ cấu giống của tỉnh...

Bên cạnh lúa giống, lĩnh vực cây ăn quả cũng có nhiều thành tựu nổi bật, đem lại hiệu quả tốt, trong đó nổi các giống mới như: Lê VH6, đào Maycrest/GF305-1 (hay còn gọi là đào Pháp), mận Tam hoa, hồng giòn Hàn Quốc... Đào Pháp là giống cây ăn quả mới được đưa vào trồng trên địa bàn tỉnh vài năm trở lại đây, tuy nhiên, những hiệu quả của giống cây trồng này là không thể phủ nhận. Đây là giống mới thuộc đề tài “Khảo nghiệm tập đoàn giống nho và cây ăn quả ôn đới nhập nội từ Cộng hòa Pháp” trong chương trình hợp tác giữa tỉnh Lào Cai và vùng Aquitaine (Cộng hòa Pháp), được đánh giá với nhiều ưu điểm: Năng suất khá, thịt quả cứng, màu sắc hấp dẫn, chất lượng quả cao. Đặc biệt, với ưu điểm chín sớm (vào cuối tháng 4 đầu tháng 5), do vậy, cây trồng này còn có lợi thế về thị trường tiêu thụ.

Theo dự án phát triển cây ăn quả ôn đới chất lượng cao của tỉnh giai đoạn 2011 - 2015, đến hết năm 2015 sẽ quy hoạch trồng mới 250 ha lê VH6 và 50 ha đào Pháp chín sớm ở các địa phương: Bắc Hà, Bát Xát, Sa Pa, thành phố Lào Cai, nâng tổng số diện tích trồng lê VH6 lên trên 400 ha và 100 ha đào Pháp chín sớm. Từ việc quy hoạch trồng tập trung thành vùng, sẽ tạo được sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho người dân, tạo sức hút cho hoạt động du lịch sinh thái của tỉnh.

Bên cạnh lĩnh vực trồng trọt, ngành chăn nuôi cũng có nhiều mô hình mới, cách làm hay như: Khảo nghiệm nuôi lợn rừng sinh sản tại phường Duyên Hải (thành phố Lào Cai); mô hình nuôi cá tầm thương phẩm, mô hình nuôi ba ba gai sinh sản tại xã Long Khánh (Bảo Yên); mô hình nuôi gà Zola thương phẩm tại xã Phú Nhuận (Bảo Thắng)... từng bước được đưa vào sản xuất.

Hoạt động nghiên cứu chọn tạo giống lúa mới của Trung tâm Giống Nông - lâm nghiệp Lào Cai.

Bà Trần Thị Hằng, Giám đốc Trung tâm Giống Nông - lâm nghiệp Lào Cai cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, việc đưa những ứng dụng đề tài, dự án vào sản xuất vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: Tâm lý trông chờ của người dân, trình độ dân trí ở một số nơi còn hạn chế, nên việc quản lý, chăm sóc chưa phát huy được hết thế mạnh, ưu điểm của giống cây trồng. Một số nông dân vẫn lo ngại khi áp dụng tiến bộ kỹ thuật, năng suất cây trồng cao, nhưng lại khó tiêu thụ sản phẩm dẫn đến “được mùa, mất giá”, người sản xuất vẫn không được hưởng lợi. Bên cạnh đó, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp hàng hoá.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc ứng dụng các chương trình, dự án phát triển các loại cây trồng sản xuất hàng hoá như: Sản xuất lúa chất lượng cao, rau chuyên canh trái vụ vùng cao, hoa, cây ăn quả ôn đới, trồng chè chất lượng cao; các loại cây trồng sản xuất hàng hóa có khối lượng lớn và chất lượng tốt sẽ góp phần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Ngoài ra, cần chú trọng đẩy mạnh ưu tiên cho ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp với các tiêu chí lựa chọn: Công nghệ phải phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội và trình độ kỹ thuật của địa phương áp dụng. Sản phẩm của công nghệ phải có chất lượng tốt, an toàn, có thị trường và hiệu quả kinh tế, để phát triển các sản phẩm có lợi thế so sánh, có khả năng cạnh tranh và tiêu thụ. Xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh để cung cấp giống đáp ứng nhu cầu sản xuất của thị trường trong và ngoài tỉnh, đưa Lào Cai trở thành trung tâm sản xuất giống cây trồng, vật nuôi của vùng.

Từ những kết quả trên cho thấy, công tác nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất của ngành nông nghiệp tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần thực hiện có hiệu quả các chương trình lớn của ngành. Tuy nhiên, để khai thác tối đa, tiềm năng của các đề tài, dự án, ngành nông nghiệp rất cần sự “bắt tay” chặt chẽ giữa 4 nhà: Nhà nước - nhà khoa học - doanh nghiệp - nhà nông, tạo động lực cho kinh tế của tỉnh nói chung, ngành nông nghiệp nói riêng có điều kiện để phát triển theo hướng bền vững.

Theo baolaocai.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập171
  • Hôm nay47,044
  • Tháng hiện tại709,061
  • Tổng lượt truy cập90,772,454
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây