Học tập đạo đức HCM

Mô hình liên kết doanh nghiệp và nông dân ở Nho Quan

Thứ tư - 28/06/2017 21:10
Không ít xã tại huyện miền núi Nho Quan (tỉnh Ninh Bình), thuộc diện đầu tư theo Chương trình 135 của Chính phủ. Để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, mấy năm gần đây, huyện Nho Quan đã thực hiện liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, bước đầu mang lại kết quả đáng mừng. Nhiều vùng đất có nguy cơ hoang hóa đang dần trở thành nơi sản xuất hàng hóa đem lại thu nhập ổn định cho nông dân…


Chế biến nông sản xuất khẩu tại Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao.

Bức tranh nông nghiệp sáng dần

Đất nông nghiệp ở huyện miền núi Nho Quan chia làm hai vùng rõ rệt: vùng trũng và vùng cao. Vùng trũng bao gồm các xã: Gia Tường, Gia Thủy, Đức Long, nằm giáp sông Hoàng Long, sản xuất nông nghiệp phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết. Đầu tháng 5 âm lịch khi lũ tiểu mãn về, các xã này phải nhanh chóng thu hoạch lúa chiêm xuân. Chậm một, hai ngày nước đã ngập trắng đồng.

Các xã vùng cao gồm: Thạch Bình, Cúc Phương, Yên Phú nằm dưới chân núi, giáp với tỉnh Thanh Hóa, mùa mưa sợ lũ quét, mùa khô thì hạn nặng. Phần lớn đất canh tác ở huyện Nho Quan chỉ cấy một vụ lúa chiêm xuân, còn vụ mùa bấp bênh. Vì thu nhập từ nông nghiệp thấp, cho nên lớp thanh niên trẻ, khỏe ở các xã phải bỏ ruộng lên thành phố kiếm việc làm. Một số diện tích đất vẫn được nông dân thâm canh, song mức đầu tư thấp khiến thu nhập càng bấp bênh.

Phó Chủ tịch UBND huyện Nho Quan Trịnh Đức Hưng cho biết: “Thực hiện chủ trương phát triển kinh tế hàng hóa bền vững, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao, nhất là công nghệ sạch, chúng tôi chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất đai, đồng thời cơ cấu lại các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa mang thế mạnh trên địa bàn”. Muốn đạt được mục tiêu nêu trên, huyện Nho Quan tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch ngành, lĩnh vực, lập kế hoạch sử dụng đất để cơ cấu lại quỹ đất, cơ cấu sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương.

Để giải quyết khó khăn về nguồn vốn, lao động, nhất là ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng, huyện Nho Quan mời các doanh nghiệp trong tỉnh tới liên kết sản xuất trực tiếp với nông dân. “Chính quyền các cấp ở huyện chỉ giữ vai trò trọng tài”, đồng chí Trịnh Đức Hưng cho biết. Chính quyền các cấp ở huyện Nho Quan là cầu nối giữa doanh nghiệp với nông dân thông qua hình thức doanh nghiệp trực tiếp ký hợp đồng thuê đất của nông dân với các điều khoản rõ ràng. Cụ thể, UBND huyện tổ chức hướng dẫn nông dân liên kết sản xuất với doanh nghiệp, việc này phải được bàn bạc rộng rãi, công khai dân chủ trên tinh thần tự nguyện của người cho thuê đất. Doanh nghiệp phải sử dụng đất thuê đúng mục đích, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, không làm biến dạng mặt bằng, không gây ô nhiễm môi trường, thoái hóa đất, không làm hư hỏng công trình giao thông, thủy lợi. Doanh nghiệp thuê đất phải bảo đảm về giá (quy ra thóc) và ưu tiên giải quyết việc làm cho nông dân. Khi cho doanh nghiệp thuê đất, nông dân vẫn giữ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hằng năm, doanh nghiệp trả tiền thuê đất một lần vào đầu vụ theo giá thóc tại thời điểm từ 70 kg thóc đến 120 kg thóc/năm/sào canh tác, bảo đảm đủ lương thực cho nông dân ổn định cuộc sống. Ngoài ra, người nông dân còn trở thành “công nhân nông nghiệp” khi làm việc cho doanh nghiệp trên chính mảnh đất của mình và hưởng lương theo ngày công lao động, khoảng 120 nghìn đến 150 nghìn đồng/ngày.

“Đến đầu tháng 6-2017, huyện Nho Quan đã cho các doanh nghiệp thuê hơn 200 ha đất ở tám xã gồm: Văn Phương, Đồng Phong, Văn Phong, Yên Quang, Thạch Bình, Sơn Lai, Cúc Phương và Gia Lâm để trồng cây dược liệu, các loại cây nông sản, lương thực...”, đồng chí Trịnh Đức Hưng phấn khởi cho biết. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp đang tiếp tục đăng ký để thuê đất của nông dân ở hai xã Văn Phú, Kỳ Phú để sản xuất hàng xuất khẩu.

Về xã Đồng Phong, chúng tôi được chứng kiến cảnh thu hoạch đậu tương của Tổng công ty Giống cây trồng, con nuôi tỉnh Ninh Bình thật rộn ràng, với những nông dân hăng say làm việc trên cánh đồng. Bà Quách Thị Ninh (thôn Phong Thành, xã Đồng Phong) vui vẻ cho biết: Gia đình có ba sào ruộng cho doanh nghiệp thuê 5 năm với mức 70 kg thóc/sào/năm, vị chi gia đình được 210 kg thóc/năm. Nếu tự sản xuất thì sau khi trừ hết chi phí đầu tư mỗi sào chỉ lãi 160 nghìn đồng, cho nên nhiều gia đình bỏ ruộng hoặc cho người khác mượn để cấy lúa. Bây giờ cho Tổng công ty giống cây trồng, con nuôi thuê đất thì ngoài số thóc công ty trả, nông dân còn làm công cho doanh nghiệp với thu nhập 120 nghìn đồng/ngày. Nếu làm đủ 26 ngày/tháng, người lao động sẽ có thu nhập khoảng hơn ba triệu đồng.

Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Phong Lưu Văn Định cho biết: Diện tích canh tác ở nhiều nơi chỉ cấy được một vụ/năm chủ yếu vào mùa chiêm xuân, song thu nhập thấp bởi nông dân vừa không có vốn vừa thiếu kiến thức để áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Diện tích hoang hóa có nguy cơ ngày càng lan rộng; nhưng nhờ liên kết với doanh nghiệp, nhiều diện tích canh tác được hồi sinh.

Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tổng công ty Giống cây trồng, con nuôi tỉnh Ninh Bình Vũ Văn Nga cho biết, thực hiện mô hình liên kết này, nông dân được hưởng lợi và doanh nghiệp có điều kiện để phát triển, tạo ra lực lượng hàng hóa lớn đáp ứng nhu cầu thị trường. Đây chính là cơ sở để nâng cao chất lượng hàng nông sản và tránh rơi vào tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa!”.

Còn nhiều khó khăn, vướng mắc

Trong các cuộc tiếp xúc với chính quyền, nông dân và doanh nghiệp, chúng tôi ghi nhận những lợi ích từ nhiều phía. Chính quyền làm tốt vai trò điều tra trước khi làm cầu nối để doanh nghiệp liên kết với nông dân. Sau đó, chính quyền là trọng tài và đề ra những quy định chặt chẽ bảo vệ quyền, lợi ích của nông dân. Mặt khác, chính quyền hướng dẫn nông dân thực hiện cam kết với doanh nghiệp để đơn vị hoạt động có hiệu quả.

Tuy nhiên, điều doanh nghiệp băn khoăn là với thời gian thuê đất từ 5 đến 10 năm như hiện nay, việc đầu tư công nghệ phục vụ sản xuất liệu có đủ thời gian để doanh nghiệp thu hồi vốn? Chẳng hạn, hệ thống máy tưới phun sương cho những diện tích trên cao với số vốn đầu tư rất lớn hoặc đầu tư xây dựng dây chuyền chế biến nông sản hàng trăm tỷ đồng. Nếu thời gian thuê đất ngắn thì liệu có bảo đảm thu hồi vốn? Nếu thiết bị công nghệ thấp thì chất lượng sản phẩm không cao, nhưng nếu thiết bị hiện đại thì vốn đầu tư lớn, sau 5 năm hay 10 năm, máy móc thiết bị chưa hết khấu hao, lúc đó ai sẽ chịu bồi thường cho doanh nghiệp?...

Đối với diện tích đất vùng thấp, thường xuyên đối mặt nguy cơ ngập úng, việc trồng cây gì, nuôi con gì là bài toán không dễ cho doanh nghiệp khi bỏ vốn đầu tư. Cũng cần nói rằng, các doanh nghiệp liên kết với nông dân đều là công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) hoặc tổng công ty của tỉnh đã cổ phần hóa. Nếu doanh nghiệp gặp khó khăn thì các cổ đông và HĐQT có quyền quyết định tiếp tục đầu tư hoặc dừng việc liên kết. Điều đó đòi hỏi các công ty TNHH phải tính toán thật kỹ trước khi đầu tư.

Phía nông dân cũng lo doanh nghiệp gặp khó khăn ở khâu tiêu thụ sản phẩm, thị trường biến động, khi ấy doanh nghiệp không thể trả tiền thuê đất. Đất đai khi giao cho doanh nghiệp đã được thể hiện trên bản đồ địa chính chặt chẽ nhưng nếu rủi ro buộc phải phân chia trả lại nguyên trạng ban đầu cũng hết sức phức tạp. Bên cạnh đó, Nhà nước chưa xây dựng các chính sách phù hợp thị trường chuyển nhượng, cho thuê ruộng, đất một cách minh bạch khiến cả nông dân lẫn doanh nghiệp đều cầm chừng, chưa nhiệt tình trong thực hiện mô hình liên kết.

Những kết quả bước đầu từ mô hình liên kết doanh nghiệp - nông dân ở huyện miền núi Nho Quan được nông dân địa phương đón nhận. Nhiều hộ nông dân hưởng ứng mô hình liên kết với doanh nghiệp và không ít doanh nghiệp đã đến khảo sát ký hợp đồng. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nho Quan Trịnh Đức Hưng, sắp tới huyện sẽ phát triển vùng trồng bưởi da xanh ở xã Kỳ Phú, các loại cây nông sản có giá trị kinh tế cao ở xã Văn Phú. Mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân là hướng phát triển mới của kinh tế nông nghiệp ở huyện Nho Quan, bởi từ đây nhiều diện tích bị hoang hóa do hạn hán được khôi phục thành vùng chuyên canh trù phú giúp hàng chục nghìn hộ nông dân trên địa bàn cải thiện đời sống.

Tác giả bài viết: ĐỖ TẤN

Nguồn tin: nhandan.com.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập427
  • Hôm nay90,824
  • Tháng hiện tại795,937
  • Tổng lượt truy cập90,859,330
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây