Chúng tôi tìm đến Trường Tiểu học Yên Tĩnh 2 vào một ngày đầu tháng 5. Ngôi trường 2 tầng khang trang với 20 phòng học rộng rãi, sân trường được đổ bê tông sạch sẽ, giữa sân có rất nhiều cây xanh. Thầy Nguyễn Đăng Hải, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Vừa rồi, trường được đoàn công tác của Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đánh giá rất cao về hệ thống cơ sở vật chất, chắc không lâu nữa sẽ được công nhận danh hiệu trường chuẩn quốc gia. Trước tiên nhờ sự đầu tư nguồn vốn của Nhà nước, nhưng cũng phải kể đến tấm lòng của ông Vi Vũ Quang đã hiến đất xây trường”.
Học sinh Trường Tiểu học Yên Tĩnh 2 (Tương Dương) được học dưới ngôi trường mới khang trang. Ảnh: Đình Tuân |
Năm 2012, xã Yên Tĩnh được Nhà nước đầu tư xây dựng trường tiểu học mới ở vị trí cao hơn để tránh lũ quét. Bởi trước đây trường nằm giữa vùng trũng, cạnh dòng Chà Hạ nên hễ mưa to là học sinh phải nghỉ học vì lũ ống, lũ quét. Trong quá trình triển khai, huyện tổ chức khảo sát địa điểm mới nhưng ngặt nỗi xã vùng sâu, vùng xa này chủ yếu là đồi núi, quỹ đất quá hẹp, không có điểm nào phù hợp để xây dựng trường học an toàn, kiên cố.
Xuất phát từ tình thương yêu con trẻ, với cương vị Chủ tịch UBND xã, ông Vi Vũ Quang (nay là Bí thư Đảng ủy xã) bàn bạc với gia đình và đi đến quyết định hiến 4.350 m2 đất ở địa bàn bản Hạt để xây trường. Đây là một vùng đất có vị trí đẹp, cách trung tâm xã gần 1km, nằm sát tuyến đường Yên Tĩnh - Hữu Khuông, là đất lâm nghiệp, được gia đình ông trồng keo nhiều năm. “Xác định việc hiến đất sẽ ảnh hưởng đến thu nhập nhưng vì sự an toàn và tương lai của con em các bản làng trong xã, gia đình tôi đã thống nhất hiến tặng toàn bộ diện tích đất nói trên mà không cần đền bù, hỗ trợ và tặng luôn toàn bộ keo để phục vụ việc xây dựng trường” - ông Quang chia sẻ.
Học sinh Trường Tiểu học Yên Tĩnh 2 (Tương Dương) giờ ra chơi. Ảnh: Đình Tuân |
Cùng thời điểm năm 2012, ngành Giáo dục Tương Dương cần đất xây dựng điểm trường tiểu học khối bản Pả Khốm - Huồi Pai để thay thế điểm cũ còn tạm bợ và hay bị ngập lũ, hướng tới đạt chuẩn quốc gia. Và ở đây cũng gặp khó khăn trong việc tìm địa điểm, UBND xã buộc phải kêu gọi bà con bản Huồi Pai hiến đất xây trường. Trước tình hình ấy, ông Vi Văn Quỳnh - một nông dân “chân lấm, tay bùn” đã bàn với vợ con và quyết định hiến 1.500 m2 đất để xây dựng điểm trường tiểu học. Mảnh đất của ông Quỳnh cũng nằm ví trí đẹp, là điểm giáp ranh giữa 2 bản Pả Khốm và Huồi Pai nên rất thuận tiện cho học sinh khi đến lớp. Nhờ đó, đến nay con em của 2 bản đã được học trong những căn phòng khang trang, kiên cố, không sợ mưa lũ tràn về.
Ông Quỳnh tâm sự: “Việc hiến đất của tôi đơn giản chỉ vì không muốn các em nhỏ trong bản phải lặp lại hoàn cảnh của tôi ngày trước - khi phải học trong ngôi trường tạm bợ, phải băng suối vượt rừng hơn 10km ra trung tâm xã. Giờ thấy các cháu được học trong ngôi trường mới khang trang, tôi vui lắm!”.
Không chỉ các em nhỏ, mà người dân các bản làng ở xã Yên Tĩnh luôn biết ơn gia đình ông Vi Vũ Quang và Vi Văn Quỳnh, nhờ 2 ông hiến đất nên con em họ được học trong những ngôi trường khang trang và an toàn. Và từ đây, xuất hiện thêm những tấm gương hiến đất xây dựng công trình phúc lợi như ông Vi Văn Lâm (bản Cặp Chạng), Vi Văn An (bản Hạt) hiến đất và cây cối làm đường điện về bản...
Đình Tuân/ Báo Nghệ An
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã