Đây là bảo tàng đầu tiên do cộng đồng một thôn tự đầu tư và tổ chức trưng bày giới thiệu về truyền thống của một làng nghề, làng nhiếp ảnh.
Đồng lòng vì di sản của làng
Vào khoảng năm 2012 - 2013, ông Đặng Tích, 85 tuổi - được coi là pho sử sống về làng Lai Xá thường đến gặp gỡ, trao đổi với PGS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam về những thông tin của làng Lai Xá.
Bảo tàng cấp thôn đầu tiên của cả nước |
Được gợi ý từ PGS Nguyễn Văn Huy, ông Tích tự hỏi, tại sao không thành lập Bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá khi làng có kho tài liệu, thông tin về nghề ảnh vô cùng phong phú? Tại sao làng có nhiều tiềm năng phát triển du lịch lại không nắm lấy cơ hội này?
Ông Đặng Tích đã trao đổi với lãnh đạo thôn. Khi đó các ông Nguyễn Văn Dần, Bí thư Chi bộ thôn, ông Lê Văn Nhật, Trưởng thôn, Phí Văn Kim, phụ trách Mặt trận thôn, Nguyễn Văn Thắng, chủ nhiệm câu lạc bộ làng nghề đều nhận thấy rằng ý tưởng này hoàn toàn phù hợp với nguyện vọng của dân làng đang muốn phát huy các giá trị di sản văn hoá của mình. Các ông đã nhanh chóng biến ý tưởng thành lập Bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá thành quyết tâm của chi ủy, chi bộ và của nhân dân thôn Lai Xá.
Năm 2015 nhân ngày giỗ cụ Khánh Ký, thôn đã tổ chức một cuộc tọa đàm/hội thảo khơi gợi vấn đề về Bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá và được đông đảo các cơ quan, đoàn thể, khách tham dự ủng hộ. Thôn càng thêm quyết tâm và nhất quyết đầu tư xây dựng. Chỉ 2 tháng sau hội thảo, lễ khởi công xây dựng bảo tàng được thực hiện.
Tôn vinh nghề tổ
Bảo tàng là một toà nhà ở giữa làng, cạnh đình Đụn, dự kiến 3 tầng nhưng trong giai đoạn 1 khai trương này mới chỉ dừng lại ở 2 tầng với tổng diện tích trưng bày gần 300m2.
Bảo tàng kể nhiều câu chuyện như làm thế nào mà Lai Xá lại trở thành một làng nhiếp ảnh? Làm thế nào người Lai Xá lại tạo dựng được uy tín trong nghề nhiếp ảnh? Người ta giữ thương hiệu của mình như thế nào? Những lời chia sẻ của cộng đồng về lịch sử làng nghề, về kinh nghiệm làm ảnh của các thợ ảnh ở các thế hệ khác nhau là cách kể chuyện chính. Các câu chuyện được thể hiện bằng một phong cách trưng bày hiện đại và chuyên nghiệp.
Bảo tàng có nhiều nội dung như: Tái tạo kiểu sắp đặt biểu tượng một phòng chụp ảnh xưa; Ông tổ nghề ảnh của làng; Các hiệu ảnh xưa, Bếp núc của nghề nhiếp ảnh; Ảnh thờ; Ảnh chân dung; Chân dung các nghệ sĩ; Nghệ thuật chiếu sáng; Ảnh tô mầu; Phóng viên, nghệ sĩ; Câu lạc bộ nhiếp ảnh Khánh Ký và Các hiệu ảnh ngày nay. Bảo tàng cũng dành một không gian mang tính thường xuyên thay đổi đề giới thiệu những bức ảnh đẹp của các nghệ sĩ nhiếp ảnh người Lai Xá hiện nay.
Toàn bộ trưng bày của Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá đã sử dụng khoảng 140 - 150 bức ảnh, 25 pano bài viết dẫn dắt và gần 15 tủ kính với khoảng 150 hiện vật. Bảo tàng sử dụng ánh sáng đèn là chính. Đồ họa có tính chuyên nghiệp. Ngôn ngữ sử dụng trong bảo tàng là tiếng Việt và tiếng Anh.
Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá hiện tại |
Có thời nghề làm ảnh lôi cuốn đến 80% số gia đình làng Lai Xá theo nghề. Nghề là một nguồn sống quan trọng của những người đàn ông Lai Xá. Mấy thế hệ người Lai Xá trong thế kỷ 20 đã được đào luyện nghề và tích lũy những kinh nghiệm nghề. Lớp thợ ảnh già muốn truyền lại kinh nghiệm cho thế hệ trẻ. Lớp trẻ không muốn nghề truyền thống của làng mất đi trước thách thức của kỹ thuật số thay thế nghề ảnh thủ công xưa. Làm bảo tàng dân làng muốn gửi gắm sự tôn trọng các bậc tiền bối và quyết tâm giữ nghề. Tuy nhiên không chỉ có vậy. Giống như nhiều làng quê khác ở xung quanh nội thành, Lai Xá hơn chục năm nay đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ.
Người Lai Xá nay không còn ruộng vốn là nguồn sống chính nữa. Đất ruộng đã là nơi xây dựng các khu đô thị mới. Họ đang tìm kiếm cách chuyển đổi sinh kế. Dân làng Lai Xá mong muốn bảo tàng quê mình cùng Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, Gallery ảnh Nguyễn Anh Tuấn và những thế mạnh về di sản văn hoá truyền thống của làng, về sức sống của một làng quê đang thể hiện hàng ngày khi chuyển đổi từ sinh kế nông nghiệp làm lúa sang các hoạt động dịch vụ mới sẽ trở thành một điểm du lịch mới hấp dẫn của thành phố.