Từ liều thuốc giải cứu thành “vòng kim cô”
Hỗn độn, tranh mua tranh bán, phá giá thị trường… khi nhu cầu thế giới về gạo lớn là tình trạng chung của thị trường lúa gạo Việt Nam từ trước năm 2010. Nghị định 109 đã ra đời như một “liều thuốc” để dẹp loạn tình trạng này. Chính vì thế, điểm cộng lớn nhất cho nghị định này là thu hẹp đầu mối XK gạo.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, nghị định đã có tác dụng sàng lọc, định hướng thương nhân đầu tư lâu dài phục vụ kinh doanh XK gạo; số lượng thương nhân tương đối ổn định; năng lực kho chứa, xay, xát, sấy lúa được cải thiện rõ rệt. Số lượng DN XK gạo đã ổn định khoảng 140-150 DN, đã sàng lọc, loại bỏ các thương nhân không có thực lực, không định hướng đầu tư lâu dài phục vụ XK gạo. Bên cạnh đó, các thương nhân đã nỗ lực thực hiện trách nhiệm liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo, xây dựng vùng nguyên liệu; chủ động thu mua lúa gạo cho người sản xuất, nỗ lực tiêu thụ lúa gạo hàng hóa với giá có lợi cho người nông dân.
Dù vậy, Nghị định 109 kể từ khi ra đời đến nay lại không giúp nâng cao chất lượng hạt gạo, không tăng được giá gạo XK cũng như không tăng được thu nhập cho người nông dân.
Trong một lần trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật Basico cho biết, Nghị định 109 đặt ra điều kiện về quy mô, đòi hỏi DN phải thỏa mãn điều kiện này mới được phép kinh doanh, hệ quả là làm loại bỏ DN nhỏ và vừa, DN làm ăn tốt, DN có tiềm năng. “DN lớn hay nhỏ không đồng nghĩa với tốt hay không tốt, làm ăn hiệu quả hay không hiệu quả. Ở đây có vấn đề lợi ích nhóm, nhờ lobby mà được tạo cơ chế ưu đãi, độc quyền”, ông Đức nói.
Thực tế này cũng được Bộ Công Thương thừa nhận trong bản dự thảo tờ trình Thủ tướng Chính phủ về nghị định thay thế Nghị định số 109 mới đây. Theo bộ này, có một số DN sản xuất, XK mặt hàng gạo đặc sản, hữu cơ với số lượng nhỏ, nhu cầu và khả năng đầu tư xây dựng kho chứa, cơ sở xay, xát thóc gạo còn hạn chế nên không đáp ứng điều kiện theo quy định như trường hợp DN tư nhân Cỏ May (Đồng Tháp), Công ty CP Thương mại và Sản xuất Viễn Phú (Cà Mau). Một số thương nhân chuyên kinh doanh thương mại mặc dù có khách hàng, thị trường nhưng không có năng lực tài chính, vốn hoặc đất đai và nguồn nhân lực cần thiết để đầu tư vận hành kho chứa, cơ sở xay xát thóc gạo theo quy định, do đó, đã không đáp ứng đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận. Từ thực tiễn này, một số ý kiến cho rằng, những quy định này đã trở thành rào cản đối với DN vừa và nhỏ khi tham gia thị trường.
Có thể thấy, từ vai trò là thuốc giải cứu vô hình trung Nghị định 109 lại trở thành rào cản, ”vòng kim cô” trói buộc DN khi muốn tham gia XK. Không chỉ trói buộc về điều kiện kinh doanh XK gạo mà quy định dự trữ lưu thông, cơ chế thị trường có hợp đồng tập trung và hợp đồng XK gạo tập trung, quy định về đăng ký hợp đồng XK gạo với Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA)... cũng đang gây nhiều khó khăn cho DN và được nhiều chuyên gia đề nghị cân nhắc sửa đổi lại.
Nới điều kiện, bỏ quy định không phù hợp
Trong bối cảnh thị trường lúa gạo Việt Nam liên tục sụt giảm về khối lượng, giá XK, bị cạnh tranh gay gắt với các thị trường khác, việc tháo gỡ về mặt chính sách như Nghị định 109 là việc vô cùng cấp thiết. Chính phủ cũng đã phải ”lên tiếng” và yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương đánh giá thực tiễn và tiến tới sửa đổi Nghị định 109.
Sau nhiều lần họp bàn, Bộ Công Thương đã hoàn thành bản dự thảo nghị định thay thế Nghị định 109 để tiếp tục lấy ý kiến của DN, chuyên gia. Dự thảo nghị định gồm có 31 điều, bãi bỏ 2 điều, bổ sung 3 điều mới, sửa đổi, bổ sung 16/30 điều của Nghị định số 109/2010/NĐ-CP.
Nhiều chuyên gia nêu ý kiến tán thành với những sửa đổi của Bộ Công Thương theo hướng tháo gỡ khó khăn cho DN. Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, chuyên gia nông nghiệp Võ Tòng Xuân tỏ rõ sự đồng tình với những tiếp thu của Bộ Công Thương. “Bộ Công Thương đưa ra những sửa đổi để giảm bớt quyền hạn của các tổng công ty lương thực cũng như VFA. Về cơ bản, tôi cho rằng những thay đổi đó đã giải quyết cơ bản những khó khăn, bức xúc nhất của DN trong thời gian qua”, ông Xuân bình luận.
Cụ thể, dự thảo mới mở rộng cửa cho các DN XK gạo khi sửa đổi quy định về điều kiện kinh doanh XK gạo theo hướng không quy định quy mô kho chứa, cơ sở xay xát lúa, gạo mà chỉ quy định yêu cầu các cơ sở này phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; đảm bảo điều kiện về an toàn thực phẩm... Song song với việc bỏ điều kiện về quy mô, dự thảo còn bổ sung quy định đối với thương nhân đã xây dựng vùng nguyên liệu hoặc liên kết sản xuất, tiêu thụ thóc, gạo thì không cần điều kiện về kho chứa, cơ sở xay xát thóc, gạo.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng bãi bỏ quy định về tiêu chí đăng ký hợp đồng XK và quy định giá sàn XK gạo trong Nghị định 109. Theo đó, quy định về giá sàn trong XK gạo sẽ không còn được áp dụng.
Một điểm đáng chú ý khác của dự thảo là đã xóa bỏ cơ chế đăng ký hợp đồng tại VFA, công cụ quản lý, có thông tin, số liệu phục vụ công tác điều hành XK. Thay vào đó, DN sẽ thông báo hợp đồng XK gạo trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương (www.moit.gov.vn) để cơ quan này có thông tin, dữ liệu phục vụ công tác điều hành XK gạo.
Tuy nhiên, một vấn đề khá quan trọng được vị chuyên gia này nhấn mạnh đến đó là dự thảo chưa nhắc đến vấn đề thành lập hội đồng lúa gạo. “Vấn đề này vẫn đang bị bỏ lửng bởi lúa gạo, giá cả, thị trường chất lượng phải có hội đồng thẩm định. Trong hội đồng này cần có đại diện từ cơ quan nhà nước, người, người nông dân và cả DN”, ông Xuân nêu ý kiến.