“Trẻ trồng na, già trồng chuối”
Chúng tôi được anh Đỗ Chí Chung, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Sơn Dương đưa đến thăm mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu của hội viên Đỗ Quốc Toản, tổ dân phố Bắc Hoàng, thị trấn Sơn Dương. Nổi bật giữa khu đồng rộng nằm dọc sông Phó Đáy là khu trang trại VAC của ông Toản nằm trên khu đất rộng rãi, được quy hoạch với ao thả cá, chuồng trại chăn nuôi và đặc biệt là vườn chuối tiêu hồng trồng thành hàng lối, đang độ trổ buồng.
Ông Đỗ Quốc Toản, tổ dân phố Tân Bắc, thị trấn Sơn Dương chăm sóc vườn chuối của gia đình. Ảnh: Lại Cao Huy.
Đang cặm cụi làm vườn, ông Toản nghỉ tay tiếp khách. Trông ông còn khá trẻ, nhanh nhẹn so với tuổi 60 của mình. Ông khoe: “Chuối năm vừa rồi được mùa, được giá, đúng là không uổng mồ hôi công sức bỏ ra. Năm ngoái với 2.700 gốc chuối, tôi thu 67 tấn quả. Trong đó có 30 tấn quả thu vào dịp Tết, bán với giá 10.000/kg, còn lại tôi bán giá từ 5.000 - 7.000 đồng/kg. Trừ chi phí, còn lãi 700 triệu đồng”.
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn chuối rộng 1,5 ha, ông Toản kể, năm 2013 ông tìm về tận Hưng Yên, Bắc Giang, Hải Dương... đến các nhà vườn trồng chuối để học hỏi kinh nghiệm. Ông còn lặn lội về Viện Nghiên cứu cây trồng nông nghiệp mua giống chuối tiêu hồng về trồng. Thời gian đầu, thấy ông trồng nhiều chuối nhiều người thấy lạ, có người nói ông gàn dở, chuối trồng nhiều ai mua?. Ông chỉ cười, nói với mọi người: “Tôi già rồi, trồng chuối cho nhanh được ăn. Các cụ dạy “Trẻ trồng na, già trồng chuối” mà.
Chỉ tay vào những buồng chuối quả đẹp, ông nói để cây chuối ra buồng đẹp phải đòi hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm, trong đó việc xác định hướng ra buồng và hướng gió là cực kỳ quan trọng. Chuối là loại cây dễ chùm, ăn nông, mỗi buồng chuối trung bình nặng từ 30 - 40 kg nên cây khó chống đỡ được khi gặp gió. Do vậy, ông mua dây về buộc các cây chuối lại với nhau, tạo sự liên kết chắc chắn khi có bão, gió hoặc dùng cây để chống. Chuối là cây cho quả không theo mùa nên tính thời gian thu hoạch từ tháng 12 đến tháng 4 dương lịch là có giá nhất.
Thành công từ... thất bại
Nhà ông ở có tuyến Quốc lộ 37 và 2C chạy qua bởi vậy việc buôn bán, dịch vụ rất phát triển. Trước đây, gia đình ông từng mở cửa hàng dịch vụ Internet, cắt tóc, chụp ảnh cưới... và có cuộc sống ổn định. Nhưng khi về già, ông lại thích có một mô hình trồng trọt, chăn nuôi cho thư thái.
Năm 2013, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 398/QĐ-UB về lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công, các lò gạch ở đây ngừng hoạt động, thị trấn thu hồi đất, địa phương tổ chức đấu thầu canh tác trên diện tích đất sản xuất của Xí nghiệp gạch huyện trả lại địa phương, gia đình ông thuê được 1 ha liền kề với 5.000 m2 ruộng trũng cấy lúa của gia đình để xây dựng mô hình trồng trọt.
Ông Toản tâm sự: “Bỏ ra hơn nửa tỷ đồng và 3 tháng cải tạo, mảnh đất mới được như ngày hôm nay”. Trước kia, vùng đất này là nơi làm gạch thủ công với 5 cái lò gạch “sừng sững như lô cốt” cùng những hố khai thác đất làm gạch thành vũng, hố sâu hoắm và gạch vụn vương vãi khắp nơi không có cây gì sống được nhưng ông vẫn quyết tâm làm, bắt tay vào cải tạo, san lấp cho bằng phẳng để trồng các cây ăn quả như táo, ổi, bưởi... và giữ lại mấy hố rộng cải tạo thành ao thả cá...
Cứ tưởng thế là chắc ăn, nhưng ngay năm đầu tiên, một trận lũ lớn, nước tràn vào vườn làm cây chết, cá theo dòng nước lũ đi hết, thế là trắng tay. Thất bại đó không làm ông nản chí. Ông nghĩ, trồng nhiều loại cây, dàn trải mỗi loại một ít thu nhập sẽ không cao, phải đi theo hướng khác.
Năm 2014, toàn bộ diện tích đó, ông trồng chuối tiêu hồng cho đến nay. Hiện ông Toản có mô hình VAC hoàn chỉnh với 3 sào ao cùng chuồng trại chăn nuôi gà đen, vịt trời, ngan, ngỗng nhưng cây chuối tiêu hồng vẫn là chủ lực. Theo ông Toản, chuối tiêu hồng rất dễ trồng, không tốn công chăm sóc, chỉ phải đầu tư giống ban đầu, những năm tiếp theo có thể chủ động về giống.
Để tránh ngập úng, ông thuê máy đào hệ thống rãnh thoát nước xung quanh vườn để thu nước. Tận dụng đất trống giữa các hàng chuối, ông trồng vừng đen và lạc, hai loại ưa bóng mát, lại có tác dụng giữ ẩm cho chuối, hạn chế cỏ mọc, sau thu hoạch thân cây làm phân cho chuối “một công, đôi việc”.
Trồng chuối tiêu hồng quy mô hàng hóa đang mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ nông dân, trong đó có gia đình anh Bảo.
Năm 2016, ông thu 7 tạ hạt vừng đen và 3 tấn lạc củ bán với giá 70.000 đồng/kg hạt vừng đen, 12.000 đồng/kg lạc tươi số tiền bán vừng và lạc không những đủ trả công thuê 5 lao động làm vườn theo thời vụ trong năm mà vẫn còn dôi ra hơn 40 triệu đồng. Ngoài ra, mỗi năm ông còn bán hơn 3.000 cây chuối giống, với giá từ 7.000 - 10.000 đồng/cây.
Trước khi chia tay chúng tôi, ông thổ lộ: “Tôi có ý tưởng sẽ tập hợp các hộ có mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp trong khu vực thành tổ hợp tác, sản xuất các loại sản phẩm nông nghiệp sạch, không chỉ cung cấp cho nhu cầu tiêu thụ của người dân địa phương mà của cả khu vực, thậm chí cả huyện bạn, tỉnh bạn.
Rất mừng là lãnh đạo thị trấn, nhiều cơ quan, phòng ban của huyện ủng hộ”. Tôi tin ý tưởng của ông sẽ sớm thành hiện thực bởi sản xuất nông nghiệp sạch hiện nay đang là đòi hỏi tất yếu, mới có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã