Học tập đạo đức HCM

Nhà nông sáng tạo Ðỗ Ðình Hòa

Thứ ba - 28/02/2017 07:34
Bắt đầu sản xuất nấm sò, không xử lý được nhiệt độ khử trùng bịch phôi nấm nên bị thất thoát lớn. Không chấp nhận thất bại, ông tiếp tục mày mò nghiên cứu, sáng chế ra thiết bị nâng nhiệt độ khử trùng bịch phôi nấm, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nấm.

Ông là Ðỗ Ðình Hòa (54 tuổi) ở thôn Thượng Sơn, xã Tây Thuận (Tây Sơn), người vừa được Bộ NN&PTNT tôn vinh nông dân có sáng kiến, sáng chế tiêu biểu năm 2016.

 nha nong sang tao Ðo Ðinh hoa hinh anh 1

Ông Đỗ Đình Hòa trong trang trại sản xuất nấm.

Cái khó “ló” cái khôn

Trước khi đến trang trại sản xuất của ông Hòa, chúng tôi được nghe ông Nguyễn Thái Vinh - Phó Trưởng trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Vĩnh Thạnh - một giảng viên đào tạo nghề cho nông dân, nhận xét: “Ông Hòa rất giỏi nghề trồng nấm. Học viên các lớp tôi đưa đến thực hành đều làm tốt các khâu kỹ thuật do ông Hòa hướng dẫn. Là tác giả của giải pháp sáng tạo kỹ thuật thiết bị nâng nhiệt độ khử trùng bịch phôi nấm, ông Hòa đã làm cho nhiều học viên tiếp thu tốt kỹ thuật trồng nấm, áp dụng vào sản xuất mang lại thu nhập cao”.

Ấy vậy mà khi gặp mặt, ông Hòa nói kiểu “lùi bánh”: “Tôi có gì đâu mà viết báo. Ở tỉnh này có khối người giỏi hơn tôi ấy chứ!”. Nói vậy nhưng sau vài ly trà ấm, ông Hòa cũng đồng ý bắt đầu câu chuyện làm ăn của mình: “Lúc mới khởi nghiệp làm nấm sò, tôi khử trùng bịch phôi nấm bằng cách lấy nhiệt từ chảo nước sôi bình thường, nhưng lượng nhiệt này chỉ đạt dưới 100 độ C, trong khi để có thể khử trùng triệt để cho bịch phôi nấm, cần độ nhiệt cao hơn. Do đó, trong những mẻ ương nấm, số lượng bịch phôi bị hỏng chiếm đến 20%, nhất là những bịch phôi được xếp bên dưới có độ ẩm thấp”.

Tìm hiểu, mày mò nghiên cứu, ông Hòa biết là nếu sử dụng nồi áp suất thì nhiệt độ sẽ tăng lên và làm giảm được lượng bịch phôi hư hỏng. Nghiên cứu kỹ, ông Hòa thấy nồi áp suất vẫn còn hạn chế vì chỉ nấu được mỗi mẻ có hơn 600 bịch phôi, trong khi để có nó phải tiêu tốn đến 17-18 triệu đồng. Không chọn phương án này, ông Hòa tiếp tục tìm tòi. “Tình cờ tôi đọc bài báo về một kỹ sư người Đức thu gom hơi nhiệt trong những con người tỏa ra ở những ga tàu điện ngầm bằng một thiết bị tích tụ nhiệt và từ lượng nhiệt này đã có thể “sưởi” cho toàn thành phố. Một hôm đứng chụm lò, thấy hơi nóng trong lò tỏa ra dữ dội, tôi nhớ lại bài báo kia và chợt nghĩ cần phải tận dụng được lượng nhiệt thừa này để làm tăng nhiệt độ trong lò khử trùng bịch phôi. Cuối cùng, cách làm đơn giản nhất lại thành công”- ông Hòa kể.

Thiết bị đơn giản mang đến thành công của ông Hòa là một cái hộp sắt hình chữ nhật, nặng gần 30 kg được hàn kín, rỗng ruột. Hộp sắt có kích thước 45x20x10cm, được đặt sát thành lò, bên cạnh đáy chảo, 2 đầu nối 2 ống sắt thông từ chảo nước dẫn nhiệt ẩm vào lò khử trùng bịch phôi. “Khi tôi chụm lửa đến khi chảo nước sôi bùng, khi ấy cái hộp sắt “ăn” lửa đã đỏ rực, lúc này nhiệt của chiếc hộp sắt cung cấp cho lò khử trùng bịch phôi lên đến 160 độ C. Nhờ đó tỉ lệ bịch phôi hư hỏng giảm xuống chỉ còn 1% - 2%. Đặc biệt, làm thiết bị này tiêu tốn có 1,2 triệu đồng, nhưng có thể khử trùng được hơn 6.500 bịch phôi mỗi lần, cao hơn gấp 10 lần so dùng nồi áp suất trước đây” - ông Hòa chia sẻ.

 nha nong sang tao Ðo Ðinh hoa hinh anh 2

Ông Hòa giới thiệu lò nâng nhiệt tiệt trùng trong sản xuất bịch phôi nấm của trang trại.

Lãi ròng 200 triệu đồng/năm

Theo ông Hòa, nghề làm nấm không cần diện tích nhiều nhưng cho thu nhập cao, chỉ cần khoảng 2-3 sào đất, mỗi năm cầm chắc khoản doanh thu hơn 400 triệu đồng, trừ hết chi phí còn lãi ròng hơn 200 triệu đồng. Cũng diện tích đó nếu trồng mì, trồng mía thì dù có “đổ mồ hôi sôi nước mắt” cũng không tài nào kiếm ra khoản thu nhập trên. Đầu ra của cây nấm từ thị trường trong tỉnh đến ngoài tỉnh luôn ổn định, những dịp rằm hoặc cuối tháng Âm lịch thì được giá hơn.

Lúc chúng tôi ghé nhà ông Hòa, ông đang cùng hơn 10 nhân công tất bật phối trộn mùn cưa, đưa giá thể vào bì nylon, tiến hành nâng nhiệt, cấy giống…, chuẩn bị vụ nấm cuối năm, phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017. Từ khi tìm ra được giải pháp kỹ thuật nâng nhiệt độ khử trùng bịch phôi nấm, tỉ lệ bịch phôi thành phẩm từ 70 - 80% đã tăng lên đến 98%, nâng cao năng suất nhờ sử dụng nguyên liệu mùn cưa và khống chế được dịch bệnh hại nấm. Ông Hòa đã nâng quy mô sản xuất từ 1.000 bịch phôi/lứa lên đến 100.000 bịch/lứa tại 18 trại sản xuất của mình. Mỗi lượt thu hoạch kéo dài 3-4 tháng, khi nào thấy năng suất kém thì tiến hành thay bịch phôi khác.

Đưa chúng tôi đi tham quan trang trại nấm, ông Hòa cho biết: “Với 18 trại sản xuất nấm, sản lượng 2,5 - 2,6 tấn nấm/tháng, với giá bán thấp nhất hiện nay là 20.000 đồng/kg, mỗi tháng tôi thu nhập 45 - 50 triệu đồng; trừ hết chi phí, cầm chắc lãi ròng 20 triệu đồng”.

“Những năm trước, đến mùa nắng nóng tôi thường bị thất bại vì giống nấm làm trong mùa đông không chịu được thời tiết mùa hè. Qua các phương tiện thông tin đại chúng, một hôm tôi thấy có bài viết của GS Nguyễn Lân Dũng tư vấn một giống nấm sò mới ưa nhiệt có tên là Phượng Vĩ có thể làm được trong thời tiết nắng nóng. Vậy là tôi đưa giống nấm này vào làm và từ đó có thể sản xuất liên tục các tháng trong năm”, ông Đỗ Đình Hòa chia sẻ.

 nha nong sang tao Ðo Ðinh hoa hinh anh 3

Trang trại của ông Hòa giải quyết việc làm thường xuyên cho 11 lao động tại địa phương.

Ham học hỏi, thích sáng tạo

Không chỉ làm giàu cho mình, ông Đỗ Đình Hòa còn là một thành viên sinh hoạt tích cực trong “Câu lạc bộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi 14.10” của Hội Nông dân tỉnh. Hàng tuần, hàng tháng ngoài lao động tại trang trại, ông Hòa còn tích cực tham gia việc truyền nghề trồng nấm cho nông dân các địa phương. Và trang trại sản xuất nấm của gia đình ông trở thành địa điểm thực hành tốt cho nhiều khóa học của bà con nông dân trong tỉnh.

Ông Nguyễn Thái Vinh đánh giá: “Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Hòa là người rất nhiệt huyết trong công tác truyền lửa cho bất kỳ ai muốn tiếp cận nghề trồng nấm”. Ông Trần Văn Hùng - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tây Sơn - cho biết: “Chìa khóa trồng nấm thành công của ông Hòa là việc ham học hỏi, thích sáng tạo, cải tiến, mạnh dạn áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất. Nhờ vậy, từ chỗ gia đình khó khăn, ông Hòa đã vươn lên làm ăn khá giả, trở thành nông dân sản xuất giỏi điển hình của tỉnh nhiều năm liền. Trang trại sản xuất nấm của ông Hòa đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 11 lao động tại địa phương. Nhiều lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trong huyện, trong tỉnh đều đến cơ sở trồng nấm của ông Hòa để tham quan, học hỏi kinh nghiệm thực tế”.

Với sáng kiến kỹ thuật thiết bị nâng nhiệt độ khử trùng bịch phôi nấm sò, năm 2015, ông Ðỗ Ðình Hòa đã được Hội Nông dân tỉnh và Sở KH&CN trao giải Nhất tại Hội thi “Sáng tạo nhà nông” tỉnh Bình Ðịnh năm 2015 và được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen. Tháng 11.2016, cũng với giải pháp kỹ thuật trên, ông Hòa tiếp tục vinh dự được Bộ NN&PTNT bình chọn và tôn vinh nông dân có sáng chế, sáng kiến tiêu biểu năm 2016, góp phần vào sự phát triển nông nghiệp, nông thôn.

 

 

 
Theo Nguyễn Hân (Báo Bình Định)
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập428
  • Máy chủ tìm kiếm15
  • Khách viếng thăm413
  • Hôm nay83,396
  • Tháng hiện tại788,509
  • Tổng lượt truy cập90,851,902
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây