Đúng định kỳ, ông phải nộp báo cáo cho cơ quan quản lý chất lượng ở địa phương và họ sẽ cử người xuống kiểm tra.
Khi đến Nhật Bản du học, ngoài khát vọng học hành, tôi mang theo một tham vọng nho nhỏ, tham vọng của một người trẻ tuổi thích lang thang là đi khắp nước Nhật xem nước Nhật thế nào, có khác gì so với hình ảnh nước Nhật trong những trang sách tôi đã từng đọc qua. Kỳ nghỉ hè là khoảng thời gian lý tưởng cho tôi lên đường.
Nơi tôi dừng chân đầu tiên là nhà một nông gia ở Azuchi, nơi còn lại dấu vết lâu đài của Oda Nobunaga (1534 - 1582), một nhân vật lịch sử lẫy lừng thời Chiến quốc - Azuchi.
Nông trại nằm trong vùng mà ngày trước vốn là bãi lầy ven hồ Biwa. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, để giải quyết nạn khan hiếm lương thực, chính phủ Nhật đã cho lấp bãi lầy biến nó thành đất nông nghiệp. Khi công cuộc khai hoang hoàn thành thì cũng là lúc người dân từ các nơi kéo đến lập nghiệp. Chàng trai Naito - 20 tuổi đến từ tỉnh Gifu ngày ấy chính là ông già tóc bạc phơ đang ngồi kể cho tôi nghe chuyện nông trang bây giờ.
Khi đến nơi đây lập nghiệp, mỗi nông gia được nhận 5ha đất. Một nửa là vườn trồng rau màu, một nửa kia là ruộng lúa. Cứ mấy chục hộ sống gần nhau thì lập ra một tổ hợp, dựng lên một khu nhà chung để chứa nông cụ, chế biến và cất giữ nông sản, đồng thời cũng là nơi hội họp, trao đổi kinh nghiệm.
Nông gia Naito nổi tiếng trong vùng vì ông là người không dùng nông dược trong quá trình sản xuất. Trong trường hợp bất đắc dĩ thì ông chỉ dùng với một số lượng hạn chế trong danh mục quy định. Đúng định kỳ, ông phải nộp báo cáo cho cơ quan quản lý chất lượng ở địa phương và họ sẽ cử người xuống kiểm tra.
Trong nhà ông Naito, trên bàn máy vi tính, hồ sơ làm việc, sách, tài liệu về nông nghiệp xếp đầy. Ông đã tham dự nhiều hội thảo, đọc báo cáo kinh nghiệm ở nhiều nơi, được mời đến giảng bài ở một số trường đại học. Trong căn nhà ông treo nhiều ảnh chụp các giáo sư, giáo viên phổ thông và những đoàn học sinh đến đây tham quan học tập hay khai thác tài liệu để thiết kế giờ học.
Từ cửa sổ phòng khách có thể nhìn thấy ruộng lúa đương thì con gái và bên cạnh là vườn trồng ngô và dưa hấu. Nông sản sẽ được bán thành hàng hóa. Nhưng ông bảo nông dân Nhật đang gặp khó khăn. Hàng nông sản từ nước ngoài, đặc biệt là nông sản từ Trung Quốc được nhập vào và bán với giá rẻ đến khó tin.
Mặc dù nhà nước Nhật có bảo hộ sản xuất nông nghiệp trong nước bằng chính sách thuế quan nhưng để cạnh tranh và tồn tại, nông dân Nhật phải dựa vào khoa học kỹ thuật mà đích đến cuối cùng là chất lượng sản phẩm. Không sử dụng nông dược là một hướng đi thích hợp để đánh bại nông sản nước ngoài.
Một khó khăn nữa mà nông nghiệp Nhật cũng đang phải đối mặt ấy là khan hiếm nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động trẻ. Nhật Bản hiện tại, lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu là người già. Ông Naito cũng đang lo không có người kế nghiệp. Con gái lớn thì đã lấy chồng xa. Hai cậu con trai tốt nghiệp trung học phổ thông xong là “chuồn” mất.
Ông bảo có cậu con trai út tính tình chăm chỉ yêu thiên nhiên có thể kế nghiệp ông. Ông đã thủ thỉ chuyện kế nghiệp khi cậu út bước chân vào trường trung học. Ban đầu cậu hứa sau khi học hết trung học sẽ thi vào trường cao đẳng hay đại học nông nghiệp để kế nghiệp cha.
Nhưng rồi tuổi trẻ ham vui và hay thay đổi nên sau khi thi đỗ vào một trường đại học ở Tokyo, cậu quên luôn chuyện đất đai, bắp cải, lúa gạo và dưa hấu. Bố có nhắc cậu chỉ lặng im. Ông Naito nhìn tôi cười khà khà: “Ngày trước, bọn tôi bố mẹ bảo gì cũng phải nghe, giờ thì tôi chịu thua bọn trẻ”. Tôi cũng cười vì bố mẹ tôi cũng thường thở than như thế!
Tôi hỏi: “Niềm vui lớn nhất của nông gia là gì, thưa bác?”. Ông cười, chỉ tay vào trái dưa hấu trên bàn: “Là chỉ gieo vài hạt giống nhỏ tí mà thu được cả trăm trái dưa lớn”. “Thế nỗi buồn lớn nhất đối với nông gia là gì ạ?”. Ông thở dài: “Là khi làm ra hàng hóa mà không có người mua”. Ông bảo đã có lần ông phải dùng máy cày nghiền nát cả ngàn cây bắp cải đến kỳ thu hoạch vì không có người mua.
Câu chuyện của ông khiến tôi không thể không nghĩ đến quê nhà. Tôi sinh ra và lớn lên ở làng quê. Quê tôi, một vùng trung du ruộng bậc thang chia thành từng ô nhỏ như manh chiếu. Mỗi hộ gia đình sở hữu chừng 3 - 4 sào. Kỹ thuật canh tác không thay đổi là bao so với trước đó vài thế kỷ. Cũng vẫn là “chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa”. Vẫn đôi quang gánh và bàn chân trần. Khoa học kỹ thuật hay kinh tế hàng hóa vẫn là những điều xa lạ.
Sẽ có không ít bạn phản bác tôi nhưng sự thực là thế, thậm chí nó còn buồn hơn thế. Tất nhiên cũng không khó khi tìm trên mặt báo hay ở đâu đó một vài nông dân giàu có. Nhưng nhìn toàn thể thì hình ảnh người nông dân Việt trong cả văn chương - nghệ thuật lẫn ngoài đời vẫn là hình ảnh nghèo khó và lam lũ.
Làng tôi bây giờ lũ trẻ đi học nhiều hơn và để có tiền cho con đi học, người nông dân lại chịu cảnh chia ly giống như thời chiến. Vợ ở nhà làm nông nghiệp, còn chồng đi xa làm thuê đủ thứ nghề thợ nề, thợ mộc, bốc vác… để kiếm tiền. Thanh niên học hết phổ thông không thi được vào đại học, cao đẳng cũng bỏ làng ra thành phố tìm đường kiếm cơm. Làng bây giờ toàn người già, phụ nữ và trẻ con.
Cảnh tượng ấy khiến ai cả nghĩ dễ chảy hai hàng nước mắt.
Hàng nông sản từ nước ngoài, đặc biệt là nông sản từ Trung Quốc được nhập vào và bán với giá rẻ đến khó tin. Mặc dù nhà nước Nhật có bảo hộ sản xuất nông nghiệp trong nước bằng chính sách thuế quan nhưng để cạnh tranh và tồn tại, nông dân Nhật phải dựa vào khoa học kỹ thuật mà đích đến cuối cùng là chất lượng sản phẩm. Không sử dụng nông dược là một hướng đi thích hợp để đánh bại nông sản nước ngoài.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã