Có mặt tại trạm bơm Đan Hoài (huyện Đan Phượng), không khí làm việc của công nhân thuỷ nông khá ảm đạm. Ông Doãn Văn Kính, Chủ tịch kiêm TGĐ Cty TNHH MTV Đầu tư Phát triển thuỷ lợi Sông Đáy, chia sẻ: Mặc dù trạm bơm Đan Hoài đã được đầu tư xây dựng mới và đi vào hoạt động, nhưng do lòng sông Hồng bị biến đổi nhanh chóng trong những năm qua, mực nước bị hạ thấp.
Đoàn công tác của Tổng cục Thuỷ lợi, Cục Trồng trọt kiểm tra một số địa phương khó khăn về nguồn nước đổ ải vụ đông xuân 2017 – 2018 |
Nhiều thời điểm, các tổ máy “tê liệt” và không thể hoạt động được do không đủ mực nước thiết kế vận hành. Để giải quyết khó khăn, công ty chủ yếu lấy nước từ sông Hồng bằng trạm bơm dã chiến Bá Giang để bù đắp.
Vụ đông xuân 2018, Cty Đầu tư Phát triển thuỷ lợi Sông Đáy phục vụ đổ ải cho khoảng 35.000ha sản xuất nông nghiệp của 6 huyện, thị. Tuy nhiên, đến hẹn lại lên, những diện tích sản xuất ven sông Đáy (như quận Hà Đông, huyện Chương Mỹ và phía Bắc huyện Thanh Oai) khá khó khăn về nguồn nước.
Tại các địa phương này, khoảng 6.000ha đất lúa vẫn chưa có nước để làm đất. Đáng chú ý, các đợt xả nước tăng cường từ các hồ chứa thuỷ điện phục vụ đổ ải vụ đông xuân 2018 đã kết thúc, bởi vậy từ nay đến hết tháng 2/2018, Cty Sông Đáy phải huy động tối đa phương tiện, nhân lực mới có thể cấp đủ 100% diện tích cho bà con gieo cấy.
Cùng chung số phận với trạm bơm Đan Hoài, trạm bơm chính Phù Sa (TX Sơn Tây, Hà Nội) cũng tê liệt toàn phần vì mực nước sông Hồng xuống dưới mức thiết kế. 4 tổ máy bơm với tổng công suất gần 40.000m3/giờ không thể đóng máy.
“Trong điều kiện “nước sôi lửa bỏng” như hiện nay, chúng tôi tha thiết đề nghị Sở NN-PTNT trình UBND TP Hà Nội xem xét nâng cấp trạm bơm dã chiến Phù Sa thêm 10 tổ máy bơm (công suất 1.000m3/giờ/máy) và thay thế các máy bơm cũ để đảm bảo phục vụ nước tưới cho bà con đúng khung thời vụ gieo cấy”, ông Nguyễn Trí Hải nói. |
Dù nguồn nước tại các huyện Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai và Sơn Tây đang thiếu, nhưng chỉ với 21 tổ máy bơm dã chiến (hiệu suất bơm chỉ đạt 65% do tuổi thọ cao và mực nước sông Hồng xuống thấp), tốc độ lấy nước rất chậm. Công ty phải luân phiên điều tiết nước để giảm tối đa xung đột về nhu cầu nước tưới giữa các địa phương.
Ông Nguyễn Trí Hải, Phó TGĐ Cty TNHH MTV Đầu tư Phát triển thuỷ lợi Sông Tích, cho biết: Trước những khó khăn trên, công ty và các ngành chức năng đã đề xuất Bộ NN-PTNT phê duyệt, cấp kinh phí xây dựng mới trạm bơm chính Phù Sa nhằm hạ cốt mực nước thiết kế, lấy nước trực tiếp từ sông Hồng. Tuy nhiên đến nay, Bộ NN-PTNT vẫn chưa có kinh phí để triển khai.
Lý giải về vấn việc một số huyện, thị phía tây TP bị chậm tiến độ lấy nước, ông Chu Phú Mỹ, GĐ Sở NN-PTNT Hà Nội, cho rằng: Nguyên nhân một phần do các địa phương chưa thu hoạch kịp cây vụ đông, việc giải phóng đất bị chậm. Bên cạnh đó, năng lực lấy nước của trạm bơm Phù Sa bị hạn chế nên thời gian lấy nước kéo dài.
Hiện nay, toàn TP đã cấp đủ nước cho khoảng 80% trong tổng số 100.000ha gieo cấy lúa. Đồng thời, vận động bà con tích cực xuống đồng, gieo cấy được 70% diện tích. Tại một số vùng khó khăn về nguồn nước, một mặt ngành thuỷ nông vận hành tối đa các trạm bơm dã chiến, bơm chuyển tiếp để đưa nước lên ruộng. Mặt khác, hướng dẫn bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sang các loại cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao hơn, phù hợp với nhu cầu thị trường.
Cũng theo ông Chu Phú Mỹ, trong khi chờ Bộ NN-PTNT phê duyệt dự án xây mới trạm bơm chính Phù Sa, Sở NN-PTNT sẽ đề xuất UBND TP phân bổ kinh phí để sửa chữa, nâng cấp trạm bơm dã chiến từ 21 tổ máy (đã cũ) lên 30 tổ máy, mỗi tổ máy có công suất bơm 1.500m3/giờ. Nếu làm được như vậy, khó khăn về nguồn nước tại các huyện Thạch Thất, Quốc Oai... sẽ được giải quyết.
Theo ông Đồng Văn Tự, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ lợi (Bộ NN-PTNT), hiện nay, nút thắt lớn nhất trong công tác đổ ải vụ đông xuân là TP Hà Nội, đặc biệt là diện tích phục vụ tưới của trạm bơm Phù Sa. Bởi vậy, UBND TP Hà Nội cần đầu tư thích đáng hơn cho hệ thống công trình đầu mối để lấy nước đúng tiến độ. Không thể vì phần diện tích nhỏ mà phải huy động các hồ chứa thuỷ điện tăng lưu lượng xả, gây lãng phí tài nguyên quốc gia.
Kinh nghiệm cho thấy, nhờ đầu tư xây dựng các trạm bơm chính để lấy nước trực tiếp từ sông Hồng trong điều kiện mực nước thấp, một số tỉnh trước đây rất khó khăn về nguồn nước như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên đã rất chủ động, giảm phụ thuộc vào hoạt động từ các hồ chứa thuỷ điện.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã