Hệ thống an toàn vệ sinh thực phẩm tại Pháp là một trong những hệ thống tốt nhất thế giới, các nhà sản xuất thực phẩm có trách nhiệm với những sản phẩm mình bán ra, họ thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để đảm bảo sản phẩm của mình an toàn và dinh dưỡng, đồng thời sẵn sàng giải trình với các cơ quan quản lý khi thực hiện kiểm tra định kỳ.
Là một tổ chức hành chính công được đặt dưới sự chủ quản của Bộ Nông nghiệp Pháp, Viện Nguồn gốc và Chất lượng quốc gia Pháp (INAO) có nhiệm vụ giám sát các sản phẩm nông nghiệp, bảo vệ các nhãn hiệu này ở trong nước và nước ngoài.
Ông Arnaud Faugas, chuyên gia phụ trách hợp tác quốc tế INAO cho biết, đây là mô hình tổ chức có sự tham gia hỗ trợ công và tư, mỗi năm INAO được Bộ Nông nghiệp cấp cho 23 triệu USD để hoạt động. Giám đốc của INAO là người do Bộ cử xuống, còn ông chủ tịch là doanh nghiệp tư nhân, INAO có tổng số 260 nhân viên được phân bổ trên khắp nước Pháp.
INAO hỗ trợ các nhà sản xuất đã cam kết tuân theo các qui trình chất lượng, sau đó INAO cấp cho các nhà sản xuất này ký hiệu về xác định nguồn gốc chất lượng sản phẩm của họ, đồng thời quản lý tổng thể các ký hiệu đối với những sản phẩm đã được cấp. Ở Pháp có 130 ngàn cơ sở sản xuất nông nghiệp trong đó hơn ¼ được INAO quản lý về nguồn gốc và chất lượng, hầu hết các sản phẩm được INAO bảo hộ có giá bán cao gấp 1,5 lần so với sản phẩm không được bảo hộ, và dễ xuất khẩu ra nước ngoài hơn.
Một vườn táo Juliet |
Một số ký hiệu chính thức đối với các sản phẩm được INAO cấp ở Pháp như AOC (sản phẩm đã được kiểm tra nguồn gốc), AOP (nguồn gốc của sản phẩm được INAO bảo vệ, mọi công đoạn sản xuất đều được thực hiện ở một vùng địa lý nhất định), IGP (sản phẩm được bảo đảm chỉ dẫn địa lý), STG (sản phẩm có truyền thống trên 30 năm trở lên được nhiều cơ quan chứng nhận), AB (sản phẩm sản xuất theo mô hình nông nghiệp sinh thái) và Nhãn hiệu đỏ.
Ông Arnaud Faugas cho biết thêm, những sản phẩm được dán nhãn hiệu đỏ là sản phẩm thuộc hạng cao cấp của Pháp, để được cấp nhãn hiệu này sản phẩm phải đạt 2 tiêu chuẩn. Đầu tiên, sản phẩm sẽ được các chuyên gia trong ngành độc lập đánh giá về chất lượng, sau cùng sản phẩm được kiểm tra trực tiếp bởi những người tiêu dùng bằng cách để người tiêu dùng đến nếm thử các sản phẩm này khi được trộn lẫn với sản phẩm khác, cách thử này để đánh giá xem người tiêu dùng có thật sự thích dùng sản phẩm đó hay không. Hiện, cả nước Pháp chỉ có 500 sản phẩm được cấp nhãn hiệu đỏ.
Ông Arnaud Faugas cho hay, Việt Nam đang rất quan tâm đến những mô hình trồng trọt theo kiểu nông nghiệp sinh thái, vừa qua đại diện INAO được đề nghị tham gia hỗ trợ nông nghiệp sinh thái cho Việt Nam. Sản phẩm nông nghiệp sinh thái phải luôn đảm bảo về các điều kiện nuôi hoặc trồng được tôn trọng về môi trường hay các quyền về động vật, cả châu Âu có 3.000 ngàn sản phẩm được cấp nhãn hiệu này trong đó Pháp chiếm 60%. Một trong những sản phẩm nông nghiệp sinh thái thành công và nổi tiếng nhất ở Pháp là trái táo Juliet. Ông Arnaud Faugas giới thiệu.
Trên đường dẫn chúng tôi đến thăm trang trại và cơ sở sản xuất các sản phẩm từ táo Juliet, ông Pascal Corbel, Giám đốc Công ty xuất khẩu Cardell (chuyên xuất khẩu các sản phẩm từ táo Juliet) cho biết, táo Juliet được lai tạo đầu tiên ở Mỹ từ năm 1970, đến năm 1995 mới được đưa vào trồng thử ở Pháp, sau đó được một doanh nhân Pháp mua bản quyền sở hữu riêng giống táo này.
Vườn táo Juliet đến mùa thu hoạch. |
Bản thân quả táo nổi tiếng nhờ một số yếu tố như: giống táo, sự quản lý những người trồng táo, chiến lược kinh doanh của công ty đối với người nông dân trồng táo. Để đảm bảo cho người tiêu dùng truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, trên quả táo có dán mã số để truy xuất táo được trồng ở hộ nào, thửa ruộng nào… ,việc truy xuất nguồn gốc sẽ cho người tiêu dùng biết được trái táo trồng tại thửa vườn nào trên bản đồ.
Hiện, cả nước Pháp chỉ có 110 nông hộ được trồng và 11 cơ sở đóng gói, phân loại táo Juliet. Những chủ nông hộ này lập ra một hiệp hội “những người bạn của quả táo Juliet”. Sau đó, hội này sẽ thống nhất một kế hoạch bảo quản, đồng thời thống nhất xem trang trại nào được xuất khẩu đầu tiên. Nếu trang trại nào được lựa chọn xuất khẩu thì đưa sản phẩm táo vào phòng lạnh từ 0 - 1 độ C, còn những hộ xuất khẩu sau thì đưa vào phòng lạnh khác nhưng đã được rút bớt oxi để làm chậm quá trình chín của táo Juliet.
Đứng giữa rừng táo chín, ông Figuet Serge, chủ trang trại táo Juliet cho biết, táo Juliet được trồng trong một điều kiện an toàn thực phẩm nghiêm ngặt, không sử dụng bất kỳ loại hóa chất nào như phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, chất kích thích tăng trưởng… Bên cạnh đó, người trồng táo Juliet thường sử dụng một số phương pháp tự nhiên chống sâu bọ như: dùng bẫy thu hút côn trùng, dùng hương thơm để dụ côn trùng đi chỗ khác, hay dùng bọ tấn công côn trùng nhưng loài bọ này không làm ảnh hưởng đến chất lượng quả táo.
Ông Figuet Serge chủ trang trại giới thiệu về táo Juliet |
Do điều kiện khí hậu nên táo Juliet chỉ trồng được ở miền Nam nước Pháp. Sau 3 năm bắt đầu trồng, táo Juliet sẽ cho vụ thu hoạch đầu tiên. Nếu trồng táo Juliet theo kiểu thông thường thì năng suất có thể lên đến 80 tấn/ha nhưng trồng theo kiểu mô hình sinh thái chỉ đạt 40 tấn/ha. Tuy vậy, do trồng theo mô hình sinh thái nên giá bán táo Juliet luôn đắt hơn các loại táo trên thị trường, lợi nhuận người trồng thu về cao hơn hẳn so với cách trồng thông thường.
Ông Figuet Serge cho hay, táo là loại trái cây dễ bị nhiễm vi khuẩn nhưng bản thân giống táo Juliet đã chống được bệnh nên không cần dùng bất cứ loại thuốc BVTV nào. Ngoài ra, vỏ táo dày giúp bảo vệ ruột táo, người trồng có thể hái táo ngay trên cây xuống ăn liền mà không sợ nguy hại gì hết.
An toàn như vậy, nên nhân công ở đây thường thu hoạch bằng tay, giai đoạn thu hoạch táo thường diễn ra 2 tuần đầu trong tháng 10. Năm ngoái, tổng sản lượng các nông trại thu hoạch được 8 ngàn tấn, năm nay dự kiến thu thêm 1,5 ngàn tấn nhưng do thời tiết không thuận lợi nên sản lượng chỉ tăng hơn năm ngoái một ít, riêng trang trại của ông Figuet Serge trồng 18 ha thu được 500 tấn nhưng khi bán thì lãi gấp đôi so với những sản phẩm táo thông thường.
Ngoài lĩnh vực trồng trọt, các sản phẩm trong chăn nuôi cũng được chính quyền Pháp kiểm soát một cách tỉ mỉ không kém. Trong suốt cả năm, mọi khâu của chuỗi sản xuất thực phẩm được giám sát chặt chẽ qua 3 đợt kiểm tra chính: kiểm tra nông trại chăn nuôi, kiểm tra việc sử dụng các sản phẩm kiểm dịch thực vật trong nông trại và đại lý phân phối, kiểm tra an toàn thực phẩm.
Quá trình kiểm soát và triển khai các biện pháp thích hợp đảm bảo ATTP phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình cần thiết. Điều kiện vệ sinh, các chất gây ô nhiễm trong thịt, sản phẩm cây trồng và thức ăn động vật luôn được quản lý bởi mạng lưới các phòng thí nghiệm được nhà nước cấp phép.
Ông Bertot Thiery, nông dân chăn nuôi bò sữa vùng Normandie cho biết, một mình ông vừa chăn nuôi vừa trồng trọt trên tổng diện tích 135 ha, trong đó 20 ha làm cánh đồng cỏ để chăn nuôi bò còn lại là diện tích trồng củ quả. Ngoài ra cả trang trại ông còn có 90 con bò sữa cho 900 ngàn lít sữa/năm, tất cả các quy trình vắt sữa, lưu trữ sữa bò đều bằng máy móc hiện đại.
Ông Bertot Thiery đeo ký hiệu cho con bò vừa sinh |
Ông Bertot Thiery cho hay, ở Pháp, mỗi con bò khi sinh ra thì ông chủ trang trại phải đến cơ quan thú y trong vùng để xin lấy số ký hiệu. Sau đó, cơ quan quản lý thú y sẽ cấp một số ký hiệu và số ký hiệu này sẽ theo con bò đó cho đến khi nó chết. Đây là quy định được nhà nước bắt buộc phải làm vậy.
Ký hiệu do cơ quan thú y cấp được ông Bertot Thiery ví giống như là giấy khai sinh cho bò. Ký hiệu thường được đeo 2 bên tai con bò, trên đó đánh dấu theo quốc gia, tỉnh, trang trại và số thứ tự… Do vậy, người chăn nuôi quanh vùng không sợ con bò đi lạc hay bị trộm, nếu cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện con bò nào không có đeo số hiệu thì bắt buộc phải tiêu hủy vì không rõ nguồn gốc.
Ký hiệu nguồn gốc được đeo 2 bên tai của con bò |
Ông Figuet Serge, chủ trang trại táo Juliet cho biết, đất nhà ông còn dư hơn 10 ha đang trồng bắp, đậu… ông muốn phá bỏ hết để chỉ trồng táo Juliet nhưng không được sự cho phép từ công ty của ông chủ sở hữu bản quyền. Bàn thân ông chỉ được công ty cho phép trồng 18 ha và phải trồng khác vụ với các hộ khác vì nhiều hộ trồng cùng một vụ sẽ dư ra số lượng, sau khi thu hoạch sẽ bán toàn bộ sản phẩm cho công ty do bộ phận pháp chế công ty không cho người nông dân bán đại trà bên ngoài. Công ty sở hữu giống táo Juliet luôn định hướng cho người trồng không chạy theo sản lượng cao mà tập trung vào chất lượng. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã