|
Tháng 12.2013, ông Nguyễn Văn Hòa (xóm 6, xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn) rất háo hức vì ông là một trong số 72 hộ của xã được chọn để trồng 1.000 m2 giống ớt cay GB16715.3 - 2010 (có xuất xứ từ Trung Quốc). Theo cam kết của Công ty TNHH rau quả Toàn Thịnh cảng liên vận Thượng Hải, Trung Quốc (gọi tắt là Công ty rau quả) thì mỗi sào đất (500 m2), loại ớt này sẽ cho 1,2 tấn ớt quả và giá thu mua sẽ là 5.500 đồng/kg.
Nhẩm tính mỗi sào đất sau 4 tháng sẽ cho thu nhập 6 - 7 triệu đồng nên ông Hòa và 71 hộ dân ở đây dồn sức để chăm sóc ớt. Đầu tháng 5 vừa rồi, sau khi thu hoạch đợt 1, gia đình ông Hòa thu được 105 kg ớt tươi và được Công ty rau quả thu mua. 10 ngày sau, thu hoạch đợt 2 được hơn 100 kg thì chủ doanh nghiệp này bỗng dưng biến mất. Sau đó ít ngày, ông thu hoạch đợt 3 và vẫn không thể bán được vì chủ doanh nghiệp vẫn không quay trở lại. “Sau 4 tháng tốn rất nhiều công chăm sóc và chi phí bỏ ra khoảng 2,5 triệu đồng nhưng tui chỉ mới thu được hơn 500.000 đồng. Số ớt còn lại đã phơi khô và nếu bán như giá hiện nay cũng chỉ vớt vát được vốn đã bỏ ra”, ông Hòa than thở.
Ông Tô Bá Thắng, Phó chủ tịch UBND xã Khánh Sơn cho biết, tháng 11.2013, qua giới thiệu của Liên minh HTX Nghệ An, xã đã ký hợp đồng với Công ty rau quả để đưa giống ớt này về trồng. Ban đầu, ớt phát triển tốt nhưng sau khi ra quả thì bị bệnh than thư khiến quả bị thối, thời tiết nắng hạn nên năng suất không cao. Sau khi thu mua đợt 1 vào ngày 11 và 12.5, mấy ngày sau, chủ doanh nghiệp Trung Quốc này biến mất. Hai đợt thu hoạch sau đó, người dân phải phơi khô chứ không bán được.
“Chủ doanh nghiệp này vừa quay lại xã nói do căng thẳng trên biển Đông nên bà ta không quay lại để thu mua ớt được. Bây giờ thì ớt đã khô nên họ không thu mua nữa. Qua vụ việc này, chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm và sẽ không trực tiếp ký hợp đồng với bất cứ doanh nghiệp Trung Quốc nào đưa giống cây về trồng ở xã nữa”, ông Thắng nói.
Tình cảnh tương tự cũng xảy ra tại xã Nghi Kiều, huyện Nghi Lộc, Nghệ An: gần 10 ha giống ớt này cũng bị Công ty rau quả nói trên bỏ rơi sau khi thu mua đợt 1, khiến hàng chục tấn ớt nông dân thu hoạch đành phải phơi khô và chất vào kho.
Liên quan đến loại giống ớt này, tháng 11.2013, Liên minh HTX Nghệ An đã ký hợp đồng với Công ty rau quả đưa giống ớt mới về trồng trên diện tích 40 ha ở Nghệ An. Công ty này đã đưa giống ớt cay GB16715.3 - 2010 có xuất xứ từ Công ty TNHH Hạt giống Phú Tứ (Hợp Phì, An Huy, Trung Quốc) vào gieo trồng. Do đây là giống ớt lạ, chưa được kiểm dịch nên Chi cục Bảo vệ thực vật Nghệ An đã đề nghị Liên minh HTX không gieo trồng loại ớt này. Thế nhưng sau đó, giống ớt này vẫn được gieo ở 3 xã ở Nghệ An. Trước “sự đã rồi”, Sở NN-PTNT Nghệ An đành đồng ý cho các xã tiếp tục gieo trồng trước sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chuyên môn.
Khánh Hoan
Nguồn thanhnien.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã