Cánh đồng mùa gặt.
Là một đất nước thuần nông, ngành nông nghiệp luôn giữ trọng trách cao cả: Trụ đỡ của nền kinh tế. Hơn 30 năm đổi mới, trụ đỡ ấy đã và đang phát huy được thế mạnh, đảm bảo cho kinh tế - xã hội nước ta phát triển ổn định.
Từ một nước phải nhập khẩu gạo, Việt Nam đã vươn lên thành cường quốc xuất khẩu gạo với kim ngạch xuất khẩu hàng năm lên tới con số hơn 1 tỷ USD. Không chỉ ngành gạo, các lĩnh vực khác như điều, cao su, cà phê, rau củ quả… kim ngạch xuất khẩu thường xuyên nằm trong nhóm xuất khẩu có giá trị tiền tỷ USD mỗi năm, mang lại nguồn thu không nhỏ cho ngân sách quốc gia.
Tuy nhiên, là một nước với thế mạnh của hơn 70% dân số hoạt động nông nghiệp nhưng nông sản Việt Nam vẫn chưa có chỗ đứng trên thị trường nông sản thế giới. Đáng quan ngại, đời sống của người nông dân - những người trực tiếp tham gia chuỗi sản xuất nông nghiệp - lại chưa bao giờ sống sung túc, dư dả bằng chính những sản phẩm nông sản do mình làm ra.
Và do chủ yếu xuất khẩu nông sản dạng thô từ gạo, hạt điều, cao su, cà phê… đều thiếu hàm lượng công nghệ cao, chất lượng thấp, nên xuất khẩu trên các lĩnh vực thuộc ngành nông nghiệp càng ngày càng sụt giảm. Đặc biệt, nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại, Việt Nam đang hội nhập sâu rộng, Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương sắp được ký kết, ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ gặp phải tổn thương nặng nề nhất.
Giới chuyên gia ngành nông nghiệp đã nhiều lần cảnh báo: Những điểm yếu đó chứng tỏ một dấu hiệu, “trụ đỡ” của nền kinh tế đang ngày càng trở nên lung lay. Việc, giữ ổn định, “gia cố” lại để trụ đỡ nông nghiệp của chúng ta trở nên vững chắc, đó là bài toán đã được đặt ra đối với các nhà quản lý suốt thời gian qua.
Và để gia cố lại, hàng loạt chính sách đã được nhà quản lý nỗ lực đưa ra. Đầu tiên phải kể đến mục tiêu giữ 3,8 triệu ha đất lúa của Chính phủ. Dù thế nào, một đất nước có nền kinh tế nông nghiệp làm trụ cột cũng không thể để diện tích đất trồng lúa bị xâm phạm.
Do đó, việc kiên quyết giữ 3,8 triệu ha đất lúa được đánh giá là việc làm rất đúng đắn của Chính phủ. Tiếp đó phải kể đến mô hình cánh đồng mẫu lớn, liên kết 4 nhà. Song song với đó là các giải pháp về lãi suất, tín dụng dành riêng cho lĩnh vực nông nghiệp…
Gần đây nhất, Bộ Tài chính đang xây dựng Đề án hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/ha/năm cho đất chuyên trồng lúa và tới đây sẽ lấy ý kiến rộng rãi trong dư luận xã hội về chính sách này.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, chính sách mới này tiếp tục là một trong những giải pháp cần thiết để tiếp thêm sức cho kinh tế nông nghiệp, bảo vệ và ổn định đất lúa, giảm thiểu nguy cơ mai một diện tích trồng lúa. Tất cả những động thái nói trên đều không nằm ngoài mục đích cơ cấu lại nền kinh tế nông nghiệp để giữ cho trụ đỡ kinh tế không còn lung lay.
Không thể phủ nhận, những giải pháp mà nhà quản lý đưa ra đã góp phần không nhỏ vào việc cải thiện chất lượng hoạt động của các lĩnh vực, ngành nghề trong nền kinh tế nông nghiệp. Song, theo nhận định của giới chuyên gia, chính sách chỉ góp phần hỗ trợ và chính sách sẽ khó có thể phát huy được tác dụng nếu người nông dân – chủ thể mà chính sách hướng tới – không tự nỗ lực vươn lên, chủ động sáng tạo trong lao động sản xuất.
Hay nói khác đi, trong thời buổi Việt Nam đang hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, sẽ không còn chỗ cho sự bảo hộ, bao cấp như cách đây hơn 30 năm. Ỷ lại, thụ động cũng đồng nghĩa với sự trì trệ, dậm chân tại chỗ. Với một nền kinh tế thị trường, gia nhập sân chơi toàn cầu hóa, đó là điều không thể tồn tại.
Ai đó đã cho rằng, dường như ở mọi thời điểm, ngay cả thời kỳ nền kinh tế bị suy thoái, khủng hoảng nhất, lĩnh vực nông nghiệp luôn là “cứu cánh”. Và không ai khác, nông dân Việt Nam là những người mang cái trọng trách cao cả ấy.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đã từng nhận định tại sự kiện tôn vinh nông dân xuất sắc của Việt Nam rằng, chính những nông dân xuất sắc là những người đi đầu trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Họ chứ không phải là ai khác đã góp sức người sức của, lương thực không thiếu một cân, quân không thiếu một người để đưa đất nước Việt Nam qua khỏi thời kỳ chiến tranh khốc liệt nhất, đưa đến những thắng lợi của Cách mạng Việt Nam. Và trong hơn 30 năm đổi mới, cũng chính họ - những nông dân tiêu biểu là những người đầu trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, làm giàu cho quê hương.
Vẫn theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, nông dân Việt Nam không chỉ bán được sản phẩm trong tỉnh, trong nước… từ đồng ruộng đến thị trường, mà nông dân còn đưa sản phẩm của mình đến thị trường quốc tế. Không phải chỉ đất nước hội nhập mà từng người nông dân phải hội nhập, cạnh tranh với thị trường quốc tế.
Điều mà vị Chủ tịch Quốc hội nói có lẽ cũng là kỳ vọng của toàn dư luận xã hội đối với vị thế của người nông dân Việt Nam trong thời kỳ hội nhập. Không có lý do gì, một nước có nền kinh tế nông nghiệp làm trụ đỡ lại phải lo lắng sẽ bị các sản phẩm nông sản nước ngoài đánh bại ngay trên sân nhà. “
Chúng ta phải lấy mặt trận nông nghiệp làm mặt trận chiến lược để đưa đất nước ta vươn tới thành công” – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nhấn mạnh như vậy tại sự kiện tôn vinh nông dân xuất sắc của Việt Nam. Điều đó càng chứng tỏ, nhà quản lý đã đặt niềm tin vào vai trò, khả năng bứt phá của nông dân Việt Nam.
Theo Đại đoàn kết
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã