Hiệu quả các mô hình trên thế giới
Thực tế là việc ứng dụng nông nghiệp thông minh đã giúp hạ tới 50% giá thành sản xuất ngô và đỗ tương ở Mỹ, Brazil hay Argentina. Ngay từ năm 2005, trên các tạp chí liên quan đến các bài công bố về nông nghiệp thông minh ở Brazil, có 73% số bài về cây ngô và 100% số bài về đậu tương, hoặc 76% số bài về luân canh đậu tương và ngô, cho biết nông nghiệp thông minh đem lại lợi nhuận cao cho nông dân.
Anh Nguyễn Đức Huy (phải) ở TP.Đà Lạt, Lâm Đồng, áp dụng hệ thống tưới tiêu, kiểm soát chất lượng cây trồng qua một ứng dụng trên điện thoại thông minh. Ảnh: T.L
Indonesia nuôi cá Tại Indonesia, thức ăn thủy sản chiếm 50 - 80% tổng chi phí giá thành. Phối hợp với công nghệ của Hà Lan, doanh nghiệp phần mềm đã đưa ra thiết bị gọi là eFishery, giúp giảm 21% thức ăn nuôi cá. Hiện đã bán được hàng trăm bộ này trong 2 năm qua. Thiết bị tự động cho cá ăn, với các sensor cảm nhận được độ ngon miệng của cá, cảm nhận chuyển động của nước, có thể biết cá đói ăn chưa, được nối với điện thoại của chủ nuôi để biết và điều chỉnh... |
Hiện nay ở Mỹ, nhiều trang trại đang sản xuất ngô với trợ giúp đắc lực của các thiết bị thông minh như nhiều hoạt động điều khiển bằng phần mềm trên máy kéo; điều khiển hệ thống cảm biến để gieo hạt, tưới tiêu, không cần người lao động trực tiếp ngoài ruộng. Hạt giống được xử lý trong phòng thí nghiệm để tăng chống chịu sâu bệnh và hạn hán. Các bộ cảm biến và phần mềm máy tính giúp quyết định lượng phân bón hợp lý nhất, chỉ ở mức vừa đủ giúp cây tăng trưởng tốt, không để lại dư lượng trong đất.
Với hệ thống máy tính, từ các dữ liệu thu thập, truyền về qua mạng, giúp phân tích các mẫu đất và đưa ra những lời khuyên về lượng phân bón cần dùng; thiết bị kết nối vệ tinh cùng hệ thống cảm biến cung cấp thông tin được cập nhật từng phút tới chủ nông hộ thông qua hệ thống định vị toàn cầu (GPS). Những thông số này giúp nông dân cài đặt chương trình tự lái cho máy cày, giúp cày bừa và gieo hạt, bón phân chuẩn xác. Kết thúc mùa vụ, mọi thông số được lưu trữ lại làm cơ sở cho mùa vụ tới...
Qua đó ta có thể hiểu tại sao giá thành sản xuất ở Mỹ, Brazil hay Argentina là 138-144 USD/tấn ngô, hay 314-323 USD/tấn đậu tương (FAOSTAT, 2016), trong khi đó giá thành sản xuất ở Việt Nam là 323 USD/tấn ngô, hay 825 USD/tấn đậu tương.
Cánh đồng cỏ 2.000ha của TH áp dụng nhiều khoa học kỹ thuật tiên tiến như máy làm đất, gieo hạt và thu hoạch, tưới nước tự động... có năng suất làm việc bằng 800 người. Ảnh: Lê Hiếu
Nông nghiệp thông minh đã giúp một số nước tiên tiến sản xuất đủ hoặc dư thừa một số nông sản. Ví dụ hiện nay tại Israel, tỷ lệ dân nông nghiệp chỉ chiếm 2,5% tổng dân số. Năm 1995, trung bình 1 nông dân của họ sản xuất chỉ nuôi 15 người. Nhưng đến 2014, mỗi nông dân của họ nuôi được 100 người và còn xuất khẩu được hơn 3 tỷ USD nông sản mỗi năm.
Tại Nhật Bản, chỉ với 2 triệu dân nông nghiệp (1,5%) trong tổng số 127 triệu dân, canh tác trên 1,5 triệu ha đất nông nghiệp nhưng họ không nhập gạo, thậm chí dư thừa thịt bò và một số rau quả. Hay tại Hàn Quốc, với 2,56 triệu dân nông nghiệp, chiếm 5% trong tổng số 51,6 triệu dân, họ cũng không phải nhập khẩu gạo. Tại Malaysia, ứng dụng nông nghiệp thông minh, có thể giúp nông dân trồng ớt tăng thu nhập hơn gấp đôi (+129%)...
Các cách tiếp cận của Việt Nam
“Láng giềng” rục rịch làm “4.0” Tại một số nước thuộc khối ASEAN, có một số điểm đáng chú ý. Đó là Philipines đang từ nước nhập khẩu hơn 2 triệu tấn ngô mỗi năm từ 5-10 năm trước, thì năm 2017 họ tuyên bố sẽ đạt hơn 8 triệu tấn ngô, trong khi nhu cầu chỉ cần 5,6 triệu tấn, tức dư thừa hơn 2 triệu tấn để xuất khẩu sang Nhật, Hàn Quốc. Những thông tin mà Việt Nam cần kiểm chứng rằng sản lượng ngô ở Philipines tăng là nhờ tăng sử dụng giống ngô lai và công nghệ tưới bằng pin năng lượng mặt trời. |
Với thực tế hiện nay, Việt Nam chưa thể áp dụng mô hình nông nghiệp 4.0 đầy đủ như khái niệm của châu Âu. Chúng ta có một số mô hình đang ứng dụng giải pháp thông minh, một số mô hình áp dụng cả giải pháp và thiết bị thông minh (tuy chưa đầy đủ). Ví dụ như mô hình ứng dụng 3 giảm 3 tăng trong canh tác lúa, bón phân viên, phân nhả chậm thông minh (bón 1 lần đủ dinh dưỡng cả vụ cho cây trồng), hay các mô hình tưới tiết kiệm nước gắn các sensor điều khiển tự động, hay còn gọi là những mô hình ứng phó biến đổi khí hậu.
Một số mô hình ứng dụng khá hoàn chỉnh về các thiết bị thông minh như chăn nuôi bò sữa ở TH True Milk, Trung tâm Giống vật nuôi TP.HCM, hay các mô hình rau sạch của Tập đoàn Vingroup. Tại Trường CĐ nghề kỹ thuật công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc (tại Nghệ An), đang có mô hình ứng dụng hệ thống giám sát và điều khiển canh tác rau thông minh có chức năng giám sát và điều khiển nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, thông gió và tưới nước cho cây, giúp cây phát triển tốt hơn, an toàn hơn, năng suất cao hơn, hiệu quả kinh tế cao hơn.
Về công nghệ phần mềm SmartChick của Công ty Microsoft Việt Nam là sản phẩm phục vụ nuôi gà thông minh, giúp người dùng chăm sóc gà theo đúng quy trình an toàn sinh học. Người dùng không cần nhiều kiến thức và kinh nghiệm vẫn có thể thu được những con gà chất lượng nhất sau thời gian nuôi. SmartChick hoạt động tự động hoặc bán tự động thông qua công nghệ IoT, giúp người dùng chăm sóc gà ở bất kỳ lúc nào và bất cứ nơi đâu thông qua internet.
Tóm lại ở Việt Nam đang có một số mô hình giải pháp thông minh trên lúa và một số mô hình ứng dụng thiết bị thông minh trong canh tác rau...
Trong khi hạ tầng cơ sở của chúng ta chưa đồng bộ theo khái niệm nông nghiệp 4.0 trên quy mô rộng lớn của cả nước, giá thành sản xuất nhiều mặt hàng cao hơn nhiều nước xung quanh, chúng ta nên đầu tư vào nguồn nhân lực trẻ. Cần có các nhà khoa học hiểu biết và làm chủ được các công nghệ, thiết bị nông nghiệp thông minh, cần có công nhân lao động trẻ lành nghề với nông nghiệp thông minh (bằng cách thông qua các hợp đồng lao động xuất khẩu đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan).
Ở trong nước tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đang đầu tư cho nông nghiệp thông minh (trồng trọt và chăn nuôi). Bộ NNPTNT nên tổ chức các đoàn tham quan đánh giá về tổ chức và áp dụng công nghệ ở Thái Lan, Philipines và Indonesia. Đề nghị Chính phủ giành một phần ưu tiên nguồn lực cho lĩnh vực nông nghiệp thông minh, nông nghiệp 4.0.
Lê Quý Kha - Viện KHKT nông nghiệp miền Nam
Nguồn: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã