Đó là nhận định của các đại biểu tại hội thảo “Phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp công nghệ cao tại TP.HCM” do Sở Du lịch TP.HCM phối hợp cùng Ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM (AHTP) tổ chức ngày 5/10.
Nhu cầu ngày càng cao
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết, trong 9 tháng năm 2017, có 4,2 triệu lượt khách quốc tế đến thành phố, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, mang về doanh thu trên 84.000 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, khách du lịch đến TP.HCM có nhu cầu rất lớn về trải nghiệm các sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn. Trong khi TP.HCM sẵn có hệ thống kênh rạch, sông ngòi cùng nhiều vùng sản xuất nông nghiệp. Trên thực tế, tại TP.HCM đã hình thành nhiều sản phẩm gắn với du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp. Những sản phẩm này không chỉ hấp dẫn du khách mà còn thu hút rất đông người dân thành phố, đặc biệt là tầng lớp thanh thiếu niên.
Ông Trần Tấn Quý, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM cũng đánh giá, phát triển sản xuất nông nghiệp gắn kết với du lịch là hướng đi hiệu quả, thiết thực trong việc tạo diện mạo nông thôn mới, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho hộ nông dân.
Ông Quý cho hay, TP.HCM đã và đang thực hiện hỗ trợ lãi suất cho các hoạt động chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị, trong đó có hỗ trợ các mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch. Giai đoạn 2011-2017, các quận, huyện trên địa bàn TP.HCM đã phê duyệt trên 7.300 quyết định, hỗ trợ lãi vay cho trên 22.000 hộ với tổng vốn đầu tư 10.700 tỷ đồng, trong đó có trên 6.500 tỷ đồng vốn vay được hỗ trợ lãi vay. Trong đó vay vốn để sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch chiếm 8%.
Ông Nguyễn Minh Trí, Phó trưởng phòng Quy hoạch, phát triển tài nguyên du lịch, Sở Du lịch TP.HCM nhận định, với nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên, tài nguyên du lịch văn hóa phong phú, TP.HCM có điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch như: du lịch ẩm thực, du lịch mua sắm, du lịch MICE (du lịch kết hợp với hội nghị, hội thảo, triển lãm), du lịch đường thủy, du lịch sinh thái, du lịch gắn với các sự kiện, lễ hội, du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe và cả du lịch nông nghiệp.
Những năm gần đây, hoạt động du lịch nông nghiệp có nhiều bước phát triển mới với nhiều tour tuyến, loại hình sản phẩm phục vụ du khách. Điển hình như chương trình một ngày làm nông dân, chương trình trồng và thu hoạch rau mầm, trồng và chăm sóc lan, trồng và thu hoạch nấm, hay trải nghiệm công việc đan lát, làm bánh tráng, nấu các món ăn dân dã đồng quê…
Theo đó, hơn 100.000 khách đã đến tham quan và trải nghiệm các sản phẩm du lịch nông nghiệp nói trên. Điển hình như điểm du lịch Nông trang xanh - Green Noen tại huyện Củ Chi đã thu hút 35.000 khách trong 9 tháng năm 2017; hay như Nông trại Hoa Lúa (huyện Củ Chi) mới đi vào hoạt động từ tháng 3/2017 nhưng đến nay cũng đã đón 14.000 lượt khách; Trung tâm Triển lãm Yến Sào Việt Nam Việt Linh (huyện Cần Giờ) cũng đã đón 2.700 lượt khách dù mới chỉ đi vào hoạt động từ tháng 4/2017…
Còn thụ động
Dù đạt được nhiều kết quả khả quan, song ông Nguyễn Minh Trí cũng thừa nhận các sản phẩm du lịch nông nghiệp tại TP.HCM còn rất ít, chủ yếu tập trung ở các huyện Củ Chi, Cần Giờ và chưa có sự gắn kết nhiều giữa các khu, điểm du lịch với các doanh nghiệp lữ hành…
Bà Phan Yến Ly, Trưởng phòng điều hành khối du lịch quốc tế, Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist cũng đánh giá, thời gian qua, việc phát triển các sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp tại TP.HCM vẫn mang tính thụ động, tức là thấy du khách có nhu cầu thì mới đưa ra sản phẩm. Trong khi tại nhiều nước trên thế giới, du lịch nông nghiệp phát triển rất mạnh và thường xuyên có những sản phẩm mới nhằm mang đến cho du khách những trải nghiệm mới mẻ khi tham gia.
Bà Trần Thị Kim Hằng, Ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM cho hay, qua gần 4 năm tổ chức đón khách tham quan, lượng khách đến tham quan tại Khu Nông nghiệp Công nghệ ngày càng tăng lên, từ 7.000 khách trong năm 2014 đến nay đã đạt 12.000 khách. Song đối tượng khách chủ yếu chỉ là học sinh, sinh viên đi tham quan, trải nghiệm. Để thu hút thêm lượng khách cũng như đa dạng hóa đối tượng khách tham quan, AHTP đã hình thành 2 nhóm sản phẩm. Trong đó, chương trình tham quan – học tập được tổ chức theo chuyên đề học tập (bộ môn sinh học, bộ môn kỹ thuật công nghệ…) dành cho các trường. Thứ hai là chương trình tham quan – trải nghiệp hoạt động nông nghiệp công nghệ cao dành cho tất cả các đối tượng.
Tuy nhiên, bà Hằng cũng chia sẻ, do là hoạt động được hình thành do nhu cầu thực tế phát sinh, nên tính chất chủ động đầu tư cho sản phẩm chưa nhiều, hình thức, tính chất của các sản phẩm còn đơn giản, chưa có tính chuyên nghiệp. Khu nông nghiệp công nghệ cao cũng còn rất khó khăn về cơ sở vật chất, nên tình trạng có cái gì phục vụ cái đó vẫn là chủ yếu, tính bền vững của sản phẩm chưa cao.
Do đó, thời gian tới, AHTP sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, các thiết chế hoạt động và đội ngũ nhân lực để nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch tại đơn vị.
Các đại biểu tham dự hội thảo cho rằng, để phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp, thành phố cần đẩy mạnh xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch nông nghiệp công nghệ cao tới các tỉnh thành, du khách quốc tế; tập huấn hướng dẫn cho các nhà vườn các kỹ năng làm du lịch nông nghiệp; đưa sản phẩm du lịch nông nghiệp công nghệ cao vào các tour tuyến của các công ty lữ hành để giới thiệu cho du khách…
Tại hội thảo, Sở Du lịch TP.HCM và Ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao thành phố, Trung tâm khai thác hạ tầng (Ban quản lý khu nông nghiệp công nghệ cao) và Nông trại Hoa Lúa Củ Chi đã ký kết các kế hoạch liên tịch nhằm định hướng và cụ thể hóa các nội dung triển khai về xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp trên địa bàn TP.HCM. |