Nông hộ nhỏ đang kiệt sức
Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, tại miền Bắc, giá lợn hơi những ngày qua dao động từ 32.000 – 36.000 đồng/kg. Cụ thể, tại Hưng Yên, giá thu mua lợn hơi là 35.000 đồng/kg; tại Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam... từ 33.000 – 35.000 đồng/kg.
Nông dân xã Chân Sơn (Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) chăm sóc đàn lợn. Ảnh: B.T.Q
Theo thông tin phóng viên nắm được, nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi TOPFEEDS (thuộc Công ty CP Tập đoàn DABACO Việt Nam) vừa có quyết định tăng giá bán các mặt hàng thức ăn chăn nuôi của tất cả các thương hiệu, tăng 160 - 200 đồng/kg... |
Các tỉnh khác như Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái… lợn siêu bán tại chuồng có giá tốt hơn, dao động từ 34.000 – 36.000 đồng/kg.
Trao đổi với phóng viên, anh Dương Phương Nam - chủ trang trại đang nuôi 200 lợn nái và khoảng 1.200 con lợn siêu thương phẩm ở Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh) cho biết, cách đây 3 ngày, gia đình anh đã bán 60 con, trọng lượng bình quân 118kg/con, với giá thương lái thu mua tại trại đạt 34.000 đồng/kg.
"Sau khi trừ chi phí sản xuất như con giống 750.000 đồng/con, chi phí thuốc men, thức ăn chăn nuôi trong 5 tháng, tiền hao hụt con giống, tiền điện, công nhân và lãi suất ngân hàng..., với giá bán này gia đình tôi đã thoát lỗ và có chút lãi sau hơn 1 năm giá lợn rơi vào khủng hoảng. Tuy nhiên, mức giá trên cũng chưa ổn định, chỉ cần giá xuống dưới 34.000 đồng/kg là người nuôi lỗ ngay lập tức. Thực tế là ở khu vực Yên Phong, trong 1 năm qua nhiều hộ nuôi đã phải bỏ nghề, 100 người nuôi giờ chỉ còn trụ lại được 4 mà thôi" - anh Nam chua xót cho biết.
Tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên, giá lợn hơi trong tháng 2.2018 cũng tương đối ổn định. Ở một số địa phương như Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hoà, giá thu mua đang ở mức 32.000 – 34.000 đồng/kg.
Ngược lại, trong tháng 2, giá lợn hơi tại Đồng Nai, TP.HCM lại biến động giảm với mức giảm từ 1.000 - 2.000 đồng/kg xuống còn 28.000 – 31.000 đồng/kg đối với lợn siêu trọng lượng trên 100kg. Với giá này, người nuôi nhỏ lẻ tại đây vẫn chìm trong thua lỗ triền miên. Theo bà con, trong số 10 hộ chăn nuôi thì tới 9 hộ đã phải bỏ cuộc.
Trao đổi với báo chí, ông Trầm Quốc Thắng - Phó Giám đốc HTX Chăn nuôi heo Tiên Phong (huyện Củ Chi, TP.HCM), với cục diện ngành nuôi lợn như hiện nay, chỉ sau 3-6 tháng nữa, chăn nuôi nông hộ, trang trại nhỏ sẽ sụp đổ. Chỉ còn doanh nghiệp lớn với tiềm lực tài chính dồi dào trụ lại.
Đáng lưu ý, với giá lợn xuất chuồng khoảng 30.000 đồng/kg như hiện nay, người nuôi nhỏ lẻ bị lỗ nhưng các trang trại quy mô lớn, nhất là những cơ sở thuộc hệ thống của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), vẫn có lãi nhờ giá thành thấp. Việc tăng quy mô chăn nuôi để đạt hiệu quả làm ăn đang đẩy nhiều nông dân ít vốn ra khỏi ngành.
Thừa nhà máy, giá cám vẫn không giảm?
Theo Bộ NNPTNT, chỉ tính riêng khu vực Đồng bằng sông Hồng, số nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi đã chiếm 43% sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp, tại Đông Nam Bộ chiếm tới 27%, tại Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 13%. Như vậy, hai khu vực đồng bằng lớn ở hai miền chiếm tới 80% sản lượng thức ăn chăn nuôi, còn lại 20% phân bổ ở Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, Bắc Trung Bộ và các tỉnh miền núi phía Bắc.
Cả nước hiện có hơn 230 nhà máy và cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp, chưa tính những cơ sở phối trộn, sản xuất nhỏ lẻ. Ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho hay: “Cơ cấu phân bổ nhà máy thức ăn chăn nuôi ở nước ta rất không đều. Vì vậy, khuyến cáo các tỉnh hạn chế cho xây dựng, mở mới các nhà máy thức ăn chăn nuôi, đặc biệt ở các vùng có mật độ nhà máy cao”.
Trong quy hoạch của Bộ NNPTNT, đến 2020 công suất các nhà máy thức ăn chăn nuôi công nghiệp đạt khoảng 25 triệu tấn, sản lượng thực tế khoảng 17 triệu tấn. Nhưng đến 2017, công suất đã đạt 31 triệu tấn, sản lượng thực tế khoảng 21 triệu tấn.
Điều đáng lưu ý là mặc dù vượt quy hoạch cả về số nhà máy và sản lượng thức ăn, nhưng theo Tổng cục Hải quan, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của nước ta trong tháng 1.2018 đạt 336 triệu USD, tăng 48,02% so với tháng trước và tăng 30,2% so với cùng kỳ năm 2017.
Được biết, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này của cả năm 2017 là 3,2 tỷ USD, có nghĩa là bình quân mỗi tháng, các doanh nghiệp nhập gần 267 triệu USD. Sản lượng thức ăn tăng mạnh, nông hộ nhỏ lẻ giảm đàn/bỏ chuồng thì đáng lẽ giá thức ăn chăn nuôi sẽ phải giảm, nhưng thực tế lại cho thấy ngược lại.
Theo ông Minh Vương - chủ một đại lý thức ăn chăn nuôi ở Thanh Hóa, đến thời điểm này đã có nhiều doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi trong và ngoài nước thông báo tăng giá bán sản phẩm. Trung bình mỗi đơn vị tăng giá thức ăn trên dưới 200 đồng/kg, có nhiều loại tăng 300 đồng/kg.
Về nguyên nhân giá thức ăn chăn nuôi tăng giá, ông Vương cho hay: Theo thông tin từ các doanh nghiệp sản xuất thức ăn thì do nguyên liệu đầu vào tăng cao nên họ phải tăng giá để bù lỗ trong thời gian vừa qua.
Tác giả bài viết: Thiên Hương
Nguồn tin: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã