Thật vậy, việc sản xuất nông sản sạch, có thể truy xuất nguồn gốc không còn là khẩu hiệu mà đang trở thành xu hướng không thể thay đổi của ngành nông nghiệp VN, trước yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Đây là một tín hiệu vui cho thấy người dân Việt Nam, cụ thể hơn là các DN sản xuất, tiêu thụ nông sản đã ý thức được việc sản xuất sạch không chỉ là yêu cầu đặt ra, mà là yếu tố sống còn của nền nông nghiệp hiện đại. Tuy nhiên, các DN, HTX dẫu sao cũng là những thành phần ít nhiều đã được tiếp cận với thị trường xuất khẩu, cho nên họ sớm nhận thức được lợi ích của việc sản xuất sạch cũng là điều dễ hiểu. Còn đối với người nông dân Việt Nam từ bao đời nay đã quen làm ăn theo hướng tự phát, để thay đổi thói quen, nhận thức và hành vi trong sản xuất là điều không dễ.
Ông Lê Tuấn Quốc – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, cho biết, hiện nay, diện tích nông nghiệp của Tỉnh khoảng 110 ngàn ha, diện tích canh tác gần 150 ngàn ha, được phân theo các vùng và phân bố trên các huyện với các loại cây như bắp (huyện Châu Đức, Xuyên Mộc), lúa (Xuyên Mộc, Đất Đỏ, Long Điền), cây công nghiệp như tiêu, cafe (huyện Châu Đức, Xuyên Mộc)… Ngoài ra, một số loại cây đặc sản khác của Tỉnh như bưởi (Tân Thành), nhãn xuồng cơm vàng (Thành phố Vũng Tàu, Đất Đỏ, Xuyên Mộc,…), mãng cầu ta (Đất Đỏ)… cũng có chất lượng tốt. Thời gian qua, vấn đề an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm nông sản chưa được bảo đảm, vì vậy sản xuất nông nghiệp sạch là hướng mà Tỉnh nhà đã và đang hướng tới.
Qua đó, việc phát triển sản xuất theo hướng kinh tế tập thể, liên kết giữa các hộ với doanh nghiệp chế biến, doanh nghiệp thương mại dịch vụ và cơ sở nghiên cứu khoa học, ứng dụng chuyển giao công nghệ. Đẩy mạnh và đổi mới công tác hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế nhằm thúc đẩy phong trào sản xuất kinh doanh an toàn gắn với hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, vật tư, chuyển giao khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất. Đào tạo nghề cho nông dân , giúp nông dân tiếp cận và khai thác có hiệu quả các chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn và huy động tối đa các nguồn vốn, khoa học công nghệ mới, góp phần tăng giá trị sản phẩm và khả năng cạnh tranh, hướng tới một nền nông nghiệp an toàn và phát triển bền vững.
Người nông dân Việt Nam cũng cần phải hiểu là hiện nay nhu cầu tiêu thụ trái cây nhiệt đới ở nhiều nước trên thế giới vẫn còn rất lớn, trong khi thị trường vẫn chưa đáp ứng đủ. Do khí hậu, thổ nhưỡng không phù hợp nên nhiều loại trái cây nhiệt đới trồng ở các nước châu Mỹ cho dù có được chăm sóc tỉ mỉ đến đâu thì năng suất, chất lượng vẫn không thể sánh bằng Việt Nam. Đó chính là dư địa trên thị trường xuất khẩu trái cây, không chỉ DN mà chính người nông dân cũng cần phải biết để lạc quan, tin tưởng vào tiềm năng của mình.
Theo phân tích của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, hiện nay nông sản Việt đang chịu sức ép cả thị trường trong nước lẫn quốc tế. “Thị trường ngoài nước sự lép vế rất rõ rệt vì chịu ảnh hưởng của những nước lớn cả về chất lượng, công nghệ lẫn tiếp thị. Trong nước, nông sản bị nghi ngờ về vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngon đấy, thơm đấy nhưng không sạch thì không ai dám mua”. Nhận định về vai trò của DN trong nông nghiệp, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng: “Nếu không có doanh nghiệp làm cầu nối thì nông dân bơ vơ vô cùng, bơ vơ trong sản xuất, bơ vơ trong tiêu thụ. Ngoài ra, doanh nghiệp còn đảm nhận vai trò giám sát chất lượng sản phẩm…”.
Xây dựng quy trình sản xuất sạch với quy mô cả nước, cho dù người nông dân có đồng tình ủng hộ, thì cũng không thể chỉ trong một vài năm là có được. Bởi, sau nhiều năm sử dụng hóa chất, đất nông nghiệp của ta đã bị nhiễm độc rất nặng, cần phải có thời gian mới có thể “rửa” sạch đất, cũng như thói quen của nhà nông không thể trong một sớm, một chiều là thay đổi được. Mà cần có sự kiên trì vào cuộc của cả cộng đồng: Các nhà quản lý, chuyên gia nông nghiệp, DN và người nông dân.
Theo ông Nguyễn Hồng Sơn – Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT cho rằng, nếu cứ để cảnh quang gánh, xe thồ bán hàng đầy đường không quản lý được chất lượng nông sản thì sẽ đến lúc nông dân “gánh nạn” vì kiểu thị trường này”. Ông Sơn còn nhận định thêm khi những câu chuyện “dội chợ” gần đây xuất hiện như việc bán thanh long, dưa hấu… Khi không nắm được tín hiệu thị trường, người sản xuất cứ dò dẫm sản xuất mải miết cho đến một ngày sản phẩm làm ra không còn được đón nhận, lúc ấy dù không mong muốn nhưng thị trường đã vô tình “nuốt chửng” bao công sức của người nông dân.
Như vậy, một nền nông nghiệp sạch có lẽ phải bắt đầu bằng sự thay đổi mạnh mẽ từ nhận thức cho đến thói quen và hành vi của chính những người trong cuộc mà tâm điểm là người nông dân trực tiếp tham gia sản xuất.
Theo Thuonggiathitruong.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã