Học tập đạo đức HCM

Nước lũ đi qua, nhà nông... mất tết

Thứ hai - 19/12/2016 11:51
Đến ngày 18.12, mưa ở các tỉnh Nam Trung Bộ đã chấm dứt, nước lụt tiếp tục rút. Lũ đi qua, để lại những hậu quả nặng nề, mà xót xa nhất là nhiều hộ nông dân đã cầm chắc “sẽ không có tết”.

Tan tác làng mai

Sáng 18.12, gặp phóng viên NTNN, nhiều người dân ở làng mai Nhơn An (thị xã An Nhơn, Bình Định) thốt lên đầy đau xót: “Lũ quét sạch rồi, trắng tay, không còn gì cả”.

 

nuoc lu di qua, nha nong... mat tet hinh anh 1

  Ảnh: Dũ Tuấn

Khắp các nẻo đường ở làng mai Nhơn An, đâu đâu cũng thấy cảnh mai tết ngập trong  nước lũ đục ngầu. Mai chết, gãy nhánh, trốc rễ, chậu trôi dạt khắp nơi... Chị Cáp Thị Tuyết Trang (36 tuổi, trú xã Nhơn An) nhớ lại: “Trận lũ kinh hoàng kéo về “tấn công” làng mai với tốc độ chóng mặt từ rạng sáng ngày 16.12, khu vườn của tôi với 3.000 cây bị chôn vùi trong nước, thiệt hại trước mắt đã  gần 100 triệu đồng”.

Trồng mai từ hàng chục năm trước và cung ứng mai khắp mọi miền, mỗi năm, nếu việc buôn bán thuận lợi, gia đình chị Trang cũng thu được vài trăm triệu đồng. Số tiền ấy đủ để trang trải cuộc sống cả năm và sắm sửa, sung túc cho 3 ngày tết. “Cả năm vất vả, tôi đổ thời gian, tiền bạc và công sức để canh mai từng tí với hy vọng có cuộc sống khá giả hơn. Bây giờ lũ qua thì gia đình tôi mất hết, trắng tay thật rồi”-chị Trang khóc.

 

nuoc lu di qua, nha nong... mat tet hinh anh 2

Gần 4.000 gốc mai nhà anh Cáp Văn Thanh (48 tuổi, thôn Trung Định, xã Nhơn An) cũng bị lũ nhấn chìm nhiều ngày. Những gốc mai này có độ tuổi từ 2-7 năm và đang chờ xuống lá để nở vào tết, nhưng lũ đã làm chết gần 300 gốc. “Giờ này, tổng thiệt hại đã gần 100 triệu đồng, không biết những ngày tới thì số cây chết có tăng lên không?”- anh Thanh nói.

Theo ông Nguyễn Tấn Đức - Chủ tịch UBND xã Nhơn An, toàn xã có 5 thôn trồng mai với hơn 1.000 hộ chuyên canh hoa mai cảnh phục vụ dịp tết với tổng số lượng  vài triệu cây. Đây được xem là “thủ phủ” của làng mai miền Trung khi cung ứng hàng cho khắp tỉnh thành từ Bắc vào Nam. “Mỗi năm, tổng doanh thu của người dân xã Nhơn An từ mai tết khoảng 18 tỷ đồng. Thế nhưng, do lũ chồng lũ nên năm nay lượng mai chết chiếm khoảng 5%, 60% có thể không bán được vì bị hư hỏng, rụng lá, không ra hoa... Có những người trồng 6.000-7.000 cây mai, chi phí đầu tư một năm cả trăm triệu đồng nhưng giờ không thu lại được đồng nào. Lũ chồng lũ, nông dân điêu đứng, mất Tết hết rồi”- ông Đức buồn bã nói.

Nông dân trắng tay

Chiều 18.12, có mặt tại các địa phương như huyện Điện Bàn, Duy Xuyên và Đại Lộc (Quảng Nam), chúng tôi chứng kiến những cánh đồng hoa màu của nông dân không còn màu xanh mà phủ đầy lớp bùn non, cây cối héo rũ. Tại các vùng trồng rau, hoa màu nổi tiếng nhất Quảng Nam nằm ở bãi bồi ven sông Vu Gia thuộc các xã Đại An, Đại Cường, Đại Hồng, Đại Nghĩa, Đại Lãnh, Đại Hưng (huyện Đại Lộc), làng xóm điêu tàn, ai nấy xót xa trước biết bao công sức, mồ hôi bỗng bị xóa sạch, lũ cướp hết miếng cơm trong chốc lát.

 

nuoc lu di qua, nha nong... mat tet hinh anh 3

Thẫn thờ bên cánh đồng rau, bà Phan Thị Cháu (68 tuổi, trú thôn Bàu Tròn, xã Đại An) chua xót: “Nhà tôi xuống giống 3 sào ớt, đậu, khổ qua, ai cũng yên tâm nghĩ qua 23.10 âm lịch rồi, không còn lụt nữa nên đầu tư đổ hết vào vụ rau cuối năm. Ai ngờ, giờ trắng tay hết rồi, mất hết rồi. Chừ nước rút có làm lại cũng chẳng còn kịp vụ tết, không tết nhứt chi nữa”.

Cùng cảnh ngộ với bà Cháu là hộ bà Huỳnh Thị Chín (SN 1962, trú thôn Bàu Tròn). Nhìn hình ảnh 3 mẹ con bà Chín đi hái những trái đậu tây còn sót lại trên cánh đồng rau đã hư do trận mưa lũ, chúng tôi không khỏi xót xa. “Trời ơi, mất hết rồi, trận lũ này vừa qua thì trận lũ khác ập đến. 10 sào rau nhà tôi chẳng còn gì nữa. Giờ chỉ biết hái mót những trái còn sót lại mang ra chợ bán mong kiếm được đồng nào hay đồng đó. Cánh đồng rau này nhà tôi trồng vào tháng 9 âm lịch, chi hết gần 30 triệu đồng. Nếu  trúng có thể lãi được gần 100 triệu, thế nhưng giờ thì mất trắng” - bà Chín than thở.

Được biết, huyện Đại Lộc có hàng ngàn hộ nông dân tham gia sản xuất trên vùng chuyên canh trồng hoa màu, hộ trồng ít thì vài sào, hộ trồng nhiều có thể lên cả mẫu. Thời điểm trước xảy ra lũ, 100% hộ đã xuống giống, ai cũng cầm chắc trong tay phần thắng bởi năm nay thời tiết diễn biến thuận lợi. Nhưng ai ngờ lũ trời cùng việc thủy điện xả nước đã lấy sạch “miếng cơm” của nông dân. 

 

nuoc lu di qua, nha nong... mat tet hinh anh 4

Tại Quảng Ngãi, dù mưa lũ đã đi qua được 2 ngày nhưng dọc nhiều khu dân cư nằm trên tuyến tỉnh lộ nối huyện Nghĩa Hành-Quốc lộ 24, đoạn đi qua xã Hành Tín Đông..., bùn đất vẫn phủ đầy sân, vườn của dân; trên 90% diện tích cây trồng bị đổ rạp, ngã gục. Chỉ lớp bùn non xung quanh nhà dày hàng chục cm, ông Bùi Trung Liên (46 tuổi), nén tiếng thở dài: "Cùng với 3 sào hoa màu, gần 500 cây chuối của gia đình tiêu hết rồi. Không biết dịp tết sắp đến lấy tiền đâu mà mua sắm". Không riêng gì ông Liên, với hàng trăm hộ gia đình khác nơi đây thì chuối là một trong những loại cây trồng mang lại nguồn thu chủ yếu. Thế nhưng liên tiếp 3 đợt lũ vừa qua đã làm gần như toàn bộ diện tích cây trồng này hư hỏng, ngã đổ.

Không để thiếu giống cho sản xuất

Ông Đào Văn Tấn - Trưởng thôn Đông Tây (xã Đại An, huyện Đại Lộc, Quảng Nam), cho biết: Cả thôn có 17ha hoa màu, rau củ quả đã bị hư hỏng nặng trong đợt lũ này, mỗi sào nông dân bỏ ra hơn 1 triệu đồng, giờ đã trôi theo lũ hết. “Tết ni, nông dân địa phương chắc ăn tết nghèo” - ông Tấn rầu rĩ. Ông Đỗ Văn Hòa - Chủ tịch xã Đại An cho biết, trận lũ vừa qua đã làm hơn 200ha rau màu bị hư. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 9 tỷ đồng. 

Trao đổi với NTNN, ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết: Đợt lũ trước toàn huyện thiệt hại đến 12 tỷ đồng, chủ yếu là của nông dân. Còn đợt lũ này, theo thống kê sơ bộ, toàn huyện có 2.500ha, hoa màu bị ngập sâu suốt mấy ngày qua. Thiệt hại nặng nề nhất là vùng trồng rau củ quả chủ lực phục vụ cho Tết Nguyên đán, khiến nông dân thất thu nặng nề.

Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Nam cho biết: “Sở đã có phương án trình UBND tỉnh kiến nghị với trung ương hỗ trợ bằng tiền cho nông dân tự mua giống sản xuất. Nếu trung ương đồng ý, sở tiếp tục kiến nghị với các huyện, thị xã và tỉnh tạm ứng trước tiền rồi hỗ trợ cho nông dân tự mua giống”.

Tác giả bài viết: Dũ Tuấn - Trương Hồng - Công Xuân

Nguồn tin: danviet.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập420
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm419
  • Hôm nay91,585
  • Tháng hiện tại830,102
  • Tổng lượt truy cập90,893,495
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây