Thị trường chuộng, nông dân thích
Cây măng tây có thể dùng làm rau sống, xay sinh tố và chế biến các món canh bổ dưỡng. Theo đông y, măng tây giúp phòng tránh một số bệnh như: Táo bón, đau bàng quang, ung thư, chống lão hóa và béo phì… Chính vì măng tây có hàm lượng dinh dưỡng cao nên thị trường loại nông sản này rất rộng mở, ngoài tiêu thụ trong nước có thể xuất khẩu tại các nước Mỹ, Nga, Đức…
Sản phẩm măng tây xanh dễ tiêu thụ cả ở thị trường trong nước và xuất khẩu. Ảnh: T.L
Măng tây từ khi trồng cây con ra ruộng cho tới khi thu hoạch chỉ khoảng 3 tháng. Cây măng tây trồng 1 lần nhưng có thời gian canh tác lên tới 10 năm, thậm chí nếu hộ nông dân chăm sóc đúng kỹ thuật, thời gian thu hoạch có thể kéo dài tới 15 năm.
|
Anh Đặng Văn Thiêm (trú tại xã Tự Lạn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang), hộ dân tham gia mô hình trồng thử nghiệm măng tây xanh do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bắc Giang triển khai, cho biết: “Tháng 5.2014, gia đình tôi được nhận hỗ trợ về giống, phân bón, kỹ thuật để trồng 3 sào măng tây xanh. Đến nay, tôi đã thu hoạch mầm được hơn 1 năm, với giá bán trung bình tại vườn khoảng 50.000 đồng/kg, lợi nhuận cao hơn nhiều so với trồng lúa ngô nên tôi đã quyết định mở rộng diện tích thêm hơn 2 sào”.
Trao đổi với phóng viên, bà Trần Thị Hoa - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Gia Bình (tỉnh Bắc Ninh) cho biết thêm: “Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây măng tây, Hội Nông dân huyện đã xây dựng 4 mô hình tại các xã ven sông Đuống với diện tích trên 12ha. Nhìn chung các mô hình đều cho năng suất, sản lượng ổn định, việc tiêu thụ cũng thuận lợi nên chúng tôi đang dự định xây dựng vùng sản xuất măng tây hàng hóa và đưa Gia Bình trở thành “vựa” sản xuất măng tây của tỉnh”.
Bà Nguyễn Thị Thanh Xuân - Công ty Việt Hoa Mỹ cho hay: “Măng tây xanh được rất nhiều nước trên thế giới ưa chuộng, hiện mỗi ngày Việt Hoa Mỹ xuất khẩu từ 500kg đến 1 tấn măng tây sang gần 20 thị trường khác nhau”. Được biết, doanh nghiệp này đã và đang liên kết với nông dân trồng 50ha măng tây để phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.
Theo bà Xuân, hiện nhu cầu măng tây xanh của thị trường nước ngoài rất lớn, công ty thường xuyên có nhu cầu đặt vài chục tấn/tuần nhưng vẫn không có đủ hàng.
Thu tiền triệu mỗi ngày
Nhiều nông dân cho biết, với 1 sào măng tây (360m2), chi phí trung bình cho trồng mới hoàn toàn là 6 triệu đồng. Khi bắt đầu được thu hoạch, chi phí chăm sóc mỗi tháng khoảng 500.000 đồng. Với năng suất bình quân đạt 120kg/sào/tháng, giá bán măng tây tại vườn đạt khoảng 50.000 đồng/kg, bà con có thể thu lãi 5,5 triệu đồng/sào/tháng.
Ông Tạ Đình Căn – Chủ tịch Hội Nông dân xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên (Hà Nội), một trong những người đầu tiên trồng cây măng tây tại xã này chia sẻ, đầu năm 2013, huyện tổ chức cho cán bộ xã Hồng Thái đi học kỹ thuật trồng măng tây xanh. Dù được hỗ trợ vốn, song người dân vẫn e dè lo ngại về hiệu quả kinh tế và sợ giống cây này có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng đất canh tác, vì vậy cán bộ xã Hồng Thái đã tiên phong trồng thí điểm. Đến thời điểm này, cây măng tây xanh đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.
Trên tổng diện tích rộng 4,5ha thuộc khu trang trại tổng hợp của gia đình ở thôn Duyên Trang, ông Căn đã quy hoạch 7 sào để trồng măng tây xanh. Theo ông Căn, măng tây xanh trồng không quá phức tạp, sau khi ươm giống trong bầu khoảng 3 tháng thì mang ra vườn trồng. Trước khi trồng, phải lên luống 30cm, bón lót bằng phân chuồng hoai mục; mỗi hốc trồng 1 cây, khoảng cách giữa cây với cây 40 - 50cm, hàng cách hàng 70 - 80cm; có thể trồng 550 - 700 gốc/sào. Trên diện tích 7 sào đất, gia đình ông Căn trồng được 3.500 gốc.
Theo tính toán của ông Căn, hiện mỗi sào măng tây ông thu hoạch được 2kg mầm/ngày, với giá bán từ 50.000 – 80.000 đồng/kg, mỗi ngày ông thu về trên 1 triệu đồng từ 7 sào măng. “Đó là chưa kể năng suất măng sẽ tăng lên theo từng năm, vì thế lợi nhuận thu được từ giống “rau vua” này không hề nhỏ, chỉ cần thu hoạch 1 vụ là đã hoà vốn” – ông Căn nói.
Do có giá trị kinh tế cao nên hiện nay măng tây được nông dân trồng ở nhiều nơi như TP.Hồ Chí Minh, Bình Phước, Quảng Bình, Lâm Đồng, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Hà Nội… Tuy nhiên, theo anh Đặng Văn Thiêm, măng tây cũng không phải là loại cây dễ tính bởi là loại cây thân thảo, yếu ớt, dễ mắc bệnh nên đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc cao, cây giống sạch, đất sạch, quy trình chăm sóc sạch.
Ông Tạ Đình Căn cũng lưu ý, măng tây xanh là giống cây không ưa thuốc BVTV, bệnh chủ yếu là bệnh nấm mốc, khi cây bị bệnh chỉ cần rắc vôi bột chứ không phun thuốc. Măng tây xanh có thân mỏng manh, vì vậy khi cây cao chừng 40cm phải cắm cọc để cây khỏi đổ ngã. Khi nảy nhiều cây con, bà con nên chọn những cây to khỏe và loại bỏ cây già yếu. Vào mùa nắng, mỗi ngày phải tưới cho cây 1 lần vào sáng sớm hoặc chiều muộn, tránh tưới lúc trưa nắng…
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã