Việc lãng quên mảng phân hữu cơ suốt thời gian dài là nguyên nhân chính dẫn tới sự mất cân đối giữa phân hữu cơ và vô cơ hiện nay.
Số liệu công bố tại hội nghị Phát triển phân bón hữu cơ do Bộ NN-PTNT tổ chức tháng 3/2018 vừa qua khiến cho ngành nông nghiệp không khỏi giật mình, trong tổng số 11 triệu tấn phân bón Việt Nam sản xuất mỗi năm chiếm trên 90% (khoảng 10 triệu tấn) là phân vô cơ, trong khi đó phân hữu cơ chiếm chưa đầy 10%.
Ngành nông nghiệp Việt Nam đang mất cân đối lớn giữa phân vô cơ và hữu cơ |
Cụ thể, theo số liệu thống kê của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), tính đến tháng 12/2017, số lượng sản phẩm phân bón hữu cơ đang được sản xuất, kinh doanh và sử dụng là 713 sản phẩm (hữu cơ: 32; hữu cơ khoáng: 268; hữu cơ sinh học: 169; hữu cơ vi sinh: 239; hữu cơ cải tạo đất: 5), chiếm 5% so với tổng số sản phẩm phân bón (14.318 sản phẩm), còn lại 93,7% là các loại phân bón vô cơ (13.423 sản phẩm) và 1,3% là phân bón sinh học (182 sản phẩm).
Cũng theo số liệu thống kê của Cục Bảo vệ thực vật, hiện cả nước có 180 doanh nghiệp đã được cấp giấy phép sản xuất phân bón hữu cơ, chiếm 24,5% so với tổng số giấy phép sản xuất mà Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương đã cấp (735 giấy phép).
Tổng công suất của các cơ sở sản xuất phân bón hữu cơ là 2,5 triệu tấn/năm, chiếm 8,5% so với tổng công suất các cơ sở sản xuất phân bón trong nước (29,5 triệu tấn/năm) và bằng gần 1/10 so với công suất sản xuất phân bón vô cơ (26,7 triệu tấn/năm).
Như vậy, số lượng sản phẩm phân bón đang được sản xuất, kinh doanh, sử dụng trong nước thuộc loại phân bón vô cơ đang gấp hơn 19 lần số lượng sản phẩm phân bón hữu cơ. Đặc biệt, như chúng tôi đã nói ở trên, toàn bộ các doanh nghiệp phân bón hữu cơ có quy mô vừa và nhỏ đều do các doanh nghiệp tư nhân đầu tư, gần như không có doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp cổ phần nhà nước nào đang sản xuất phân bón hữu cơ.
Mặc dù là quốc gia có sản lượng phân bón hữu cơ vô cùng khiếm tốn, song Việt Nam lại là nước có tiềm năng nguyên liệu để sản xuất phân hữu cơ rất đa dạng, phong phú thuộc tốp đầu Đông Nam Á.
Cụ thể, số liệu thống kê của ngành nông nghiệp cho thấy, bình quân mỗi năm Việt Nam có khoảng 70 triệu tấn chất thải rắn từ chăn nuôi, trong đó mới có 20% chất thải được khai thác sử dụng hiệu quả vào các mục đích khác như làm khí sinh học, phân bón, thức ăn cho cá... Như vậy, 80% chất thải chăn nuôi chưa được sử dụng hiệu quả.
Về phụ phẩm trồng trọt từ rơm rạ, thân lá ngô, đậu tương, phụ phẩm nhà máy đường... theo các nhà khoa học đã tính toán, nếu tái sử dụng phụ phẩm bón cho đúng cây trồng đó chúng ta có thể tiết kiệm ít nhất là 15 - 20% lượng phân bón vô cơ, trong khi chúng ta đang đốt bỏ khoảng 40 triệu tấn rơm rạ, chứa khoảng 100.000 tấn N và 50.000 tấn P2O5, tương đương với trên 230.000 tấn urê. Đó là chưa kể 300.000 - 400.000 tấn K2O, một lượng SiO2 cao hơn nhiều và nhiều nguyên tố trung vi lượng khác.
Với chất thải từ công nghiệp chế biến nông sản thực vật, động vật, chỉ tính riêng lượng bã cà phê do 2 nhà máy Vina Café và Nestle Café thải ra hàng năm xấp xỉ 100.000 tấn. Ngoài ra, bã dong riềng, bã mía, bã khoai mì, xương động vật, bã tôm, cua, ghẹ, phụ phẩm các nhà máy chế biến thủy hải sản... cũng là các nguồn nguyên liệu hữu cơ có hàm lượng chất dinh dưỡng và lượng mùn cao cho sản xuất phân bón hữu cơ.
Đặc biệt, Việt Nam có khoảng 7,1 tỷ m3 than bùn, tập trung nhiều tại ĐBSCL và ĐBSH là nguồn nguyên liệu cung cấp chất hữu cơ rất lớn để sản xuất phân hữu cơ nếu được khai thác một cách hợp lí, hiệu quả song song với việc bảo vệ môi trường. Ngoài ra, nguồn rác thải sinh hoạt rất lớn hiện nay cũng là nguyên liệu rất tốt để sản xuất phân bón hữu cơ nếu có quy trình thu gom và công nghệ sản xuất phù hợp.
Nhấn mạnh nhiều lần tại các hội nghị ngành nông nghiệp thời gian gần đây, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, tư lệnh ngành nông nghiệp thường xuyên đề cập tới sự mất cân đối lớn giữa phân bón hữu cơ và vô cơ. Câu chuyện ở đây không phải để hạ thấp vai trò của phân vô cơ, thay vào đó bởi bối cảnh tái cơ cấu ngành hiện nay cảnh tỉnh chúng ta cần phải cân đối lại việc sản xuất và sử dụng phân bón sao cho hợp lý, vừa bảo vệ môi trường vừa tăng hiệu quả kinh tế, nhất là trong bối cảnh ngành nông nghiệp chuyển dịch từ số lượng sang chiều sâu chú trọng chất lượng, giá trị. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã