Đột phá trong cách làm mới
Ở xã Mỹ Xương, ai cũng biết kiện tướng trồng xoài Đoàn Thanh Hiền, bởi ông là nông dân sản xuất giỏi nhiều năm liền ở địa phương. Đưa chúng tôi đi thăm vườn xoài đặc sản rộng 17 công đang sai oằn trái, ông Hiền tiết lộ đã từng trải qua nhiều năm lận đận, có lúc sản xuất thua lỗ phải ôm nợ. Nhưng nhờ kiên trì nên cuối cùng ông đã vươn lên từ… trái xoài.
Ông Hiền (đứng thứ 2 bên phải qua) giới thiệu với du khách quốc tế về xoài đặc sản Cao Lãnh. Ảnh: Mỹ Lý. |
Ông Đoàn Thanh Hiền cho biết, vùng Cao Lãnh lâu nay có truyền thống về trồng Xoài Cát Chu và Xoài Cát Hòa Lộc, tuy nhiên nông dân trồng xoài thường xuyên gặp khó khăn bởi “tới mùa - dội chợ - rớt giá”. Một trong những nguyên nhân là do thu hoạch đồng loạt cùng một thời điểm với diện tích lớn, sản lượng nhiều, vì vậy việc tiêu thụ bị ùn ứ do “cung vượt cầu” dẫn đến giá thấp. Suy nghĩ tìm hướng khắc phục tình trạng trên, ông Hiền là một trong những hộ ở địa phương mạnh dạn lặn lội sang trường Đại học Cần Thơ tìm các chuyên gia nông nghiệp để học hỏi phương pháp rải vụ cho cây xoài; đồng thời thực hiện bao trái và thực hành nông nghiệp tốt trong canh tác xoài theo mô hình VietGAP.
Theo đó, thay vì hàng năm cho xoài ra trái vụ thuận bằng phương pháp truyền thống như bao nhiêu hộ khác trong vùng; thì nay ông Hiền sử dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật để xử lý cho xoài ra trái vào vụ nghịch hoặc cho trái rải vụ quanh năm, nhưng “né” vụ thuận của các hộ khác. Ban đầu cách làm này cũng lắm khó khăn bởi ảnh hưởng thời tiết, sâu bệnh và những nguyên nhân khác... Sau những lần thất bại, ông Hiền không nản chí mà nghiêm túc rút kinh nghiệm, tìm ra nhược điểm để khắc phục. Thậm chí nhiều người chê bai, tiếng ra tiếng vào… nhưng ông vẫn bỏ ngoài tai, tập trung sản xuất cho xoài rải vụ. Và cuối cùng ông đã thành công, khi ứng dụng hiệu quả mô hình cho vườn xoài ra trái rải vụ quanh năm.
Điểm tham quan “vườn xoài sinh thái” của ông Hiền…Ảnh: Như Ý. |
Để nâng giá trị trái xoài, ông Đoàn Thanh Hiền trao đổi với ngành nông nghiệp và địa phương, cùng doanh nghiệp… nhờ hỗ trợ trồng xoài tiêu chuẩn GAP. Vườn xoài được phân chia hợp lý, lên đê bao vững chắc, đầu tư hệ thống tưới nước, thoát nước hoàn chỉnh, nhà kho; quy trình canh tác, bón phân… đều được ghi nhật ký rõ ràng, đảm bảo truy xuất nguồn gốc. “Lúc đầu cũng “hơi nản” vì chuyển từ cách làm truyền thống sang cách làm tiêu chuẩn GAP khá cực và tốn kém nhiều về công sức, thời gian. Nhưng giờ thì năng suất vườn xoài được nâng cao rõ rệt, trái đẹp, to… nên giá bán khá cao; bình quân Xoài Cát Hòa Lộc có lúc tới 70.000- 110.000 đồng/kg, Xoài Cát Chu từ 25.000- 35.000 đồng/kg… giúp thu lãi khoảng 300- 400 triệu đồng/ha/năm trở lên”- ông Hiền bộc bạch.
Tiên phong làm du lịch vườn xoài
Thành công từ mô hình trồng xoài tiêu chuẩn GAP, trồng xoài rải vụ; nhưng ông Hiền chưa hài lòng. Ông cho biết, xoài Cao Lãnh được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc… ngày càng nhiều; bản thân ông cũng nhiều lần tiếp các doanh nghiệp nước ngoài sang tận xã Mỹ Xương để trực tiếp tham quan vườn xoài, nên ông nắm khá rõ những thế mạnh và hạn chế của trái xoài địa phương. “Mấy năm nay, tỉnh Đồng Tháp tiên phong trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xoài là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực của tỉnh. Nắm bắt định hướng này nên tôi quyết định mở điểm du lịch “vườn xoài sinh thái” đầu tiên ở địa phương; nhằm giới thiệu, quảng bá trái xoài đặc sản Cao Lãnh…”- ông Hiền cho biết.
Ông Hiền mạnh dạn bỏ tiền ra đầu tư làm đường sá từ lộ ra vườn, tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho du khách, tăng cường phương pháp sản xuất sạch để phục vụ khách tham quan. Ông cũng tìm tòi cách sản xuất yaourt xoài, kem xoài, xoài sấy, rượu xoài…để thưởng thức cùng xoài trái chín. Để đa dạng thêm, ông còn mở thêm điểm câu cá, tát mương trong vườn xoài; phục vụ đờn ca tài tử… đồng thời sẵn sàng giới thiệu với du khách phương pháp trồng xoài hiệu quả. Sự đầu tư bài bản, phong cách phục vụ chu đáo… đã giúp điểm “vườn xoài sinh thái” của ông thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước ngay từ khi mới khai trương, trong đó có nhiều đoàn khách tới học hỏi kinh nghiệm trồng xoài.
Ông Nguyễn Ngọc Thương, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp nhận xét: “Nhờ chuyển mình mạnh mẽ nên những năm gần đây Đồng Tháp thu hút bình quân hơn 3 triệu lượt du khách mỗi năm, trong đó có sự đóng góp quan trọng của du lịch nông nghiệp, du lịch vườn trái cây như vườn xoài, vườn quýt hồng… Tại huyện Cao Lãnh, mô hình du lịch vườn xoài của ông Đoàn Thanh Hiền rất thành công, đã giúp cho tiếng tăm của Xoài Cao Lãnh được quảng bá đi xa hơn”. Vì thế, các mô hình này đang được tỉnh khuyến khích phát triển. Bà Huỳnh Thị Hoài Thu, Bí thư Huyện ủy Cao Lãnh cho hay: “ Không chỉ nổi bật trong việc trồng xoài, ông Đoàn Thanh Hiền còn rất năng động, sáng tạo khi là người đầu tiên mở điểm tham quan vườn xoài. Từ cách làm đột phá của ông Hiền, huyện sẽ kết nối thêm các điểm du lịch khác ở địa phương như làng bè Bình Thạnh, vườn nhãn, vườn ổi ở xã Mỹ Long và Bình Thạnh… nhằm phát triển du lịch vườn ngày càng mạnh hơn, phong phú hơn”.
TÂN HƯNG/nongthonviet.com
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã