Nông dân xã Úc Kỳ (huyện Phú Bình) thu hoạch nếp Thầu dầu vụ mùa năm 2018, năng suất ước đạt 47 tạ/ha
Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Úc Kỳ phấn khởi nói: “Năm 2011 khi bắt đầu thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng NTM, thu nhập bình quân đầu người của Úc Kỳ chỉ đạt 17 triệu đồng, đến nay đã tăng lên 36 triệu đồng. Một trong những yếu tố để nâng cao tiêu chí thu nhập cho người dân trong xã phải kể đến là người dân đã biết sử dụng, phát triển thương hiệu lúa nếp Thầu dầu. Đây là giống nếp cổ được nhân dân gieo trồng từ lâu đời, có đặc trưng thơm, dẻo, vị đậm, có hàm lượng dinh dưỡng cao hơn các giống nếp khác".
"Năm 2012, giống lúa nếp Thầu dầu được Cục sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể. Trên đồng đất Úc Kỳ cây lúa nếp Thầu dầu cho sản lượng và chất lượng tốt nhất. Trước thực tế này, xã Úc Kỳ đã tuyên truyền, vận động người dân nắm bắt cơ hội để vừa sử dụng, phát huy nhãn hiệu tập thể và nâng cao thu nhập cho người dân”, ông Dương cho biết thêm.
Sau 06 năm được công nhận nhãn hiệu tập thể, việc quản lý, khai thác và phát triển nhãn hiệu thu được một số kết quả nhất định, diện tích gieo cấy lúa nếp Thầu dầu đã tăng lên 71ha, cao gấp 2 lần so với trước khi được công nhận. Đặc biệt, từ năm 2016 đến nay, UBND huyện Phú Bình phối hợp với Trung tâm hợp tác Quốc tế Đại học Thái Nguyên tổ chức phục tráng giống lúa nếp Thầu dầu tại Úc Kỳ với quy mô 2ha, nhờ đó gạo nếp Thầu dầu giữ được được những đặc trưng thơm, dẻo và năng suất cũng được nâng lên đáng kể, từ 33 tạ/ha năm 2012, đến nay đã tăng lên 48 tạ/ha.
Minh chứng rõ nét nhất về sự thay đổi phương thức canh tác của bà con nông dân với sản phẩm đặc trưng của địa phương là nhiều hộ đã dành toàn bộ diện tích để gieo cấy nếp Thầu dầu trong vụ mùa, thay vì gieo cấy cả thóc tẻ như trước kia.
Bà Nguyễn Thị Cậy, xóm Ngoài 2, xã Úc Kỳ là một ví dụ điển hình cho thực tế này, bà Cậy cho biết: “Hiện nay, gia đình tôi là hộ gieo cấy lúa nếp Thầu dầu nhiều nhất xã Úc Kỳ, với 2,3 mẫu. Ngoài diện tích canh tác của gia đình, tôi còn gieo cấy thêm ở những diện tích mà người dân không có nhân lực để sản xuất. Nhờ được tập huấn và chuyển giao khoa học kỹ thuật, đặc biệt là áp dụng phương pháp canh tác lúa cải tiến SRI nên vụ mùa năm 2017, năng suất nếp Thầu dầu đạt 2 tạ/sào, cao nhất từ trước tới nay. Do vậy, từ 2,3 mẫu lúa đã giúp gia đình tôi thu về 60 triệu tiền lãi, từ đó đã giúp gia đình tôi cải thiện cuộc sống”.
Để gắn kết việc sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, từ năm 2016, xã Úc Kỳ thành lập 2 tổ liên kết, trong đó có một tổ liên kết thu mua và chế biến sản phẩm, một tổ liên kết sản xuất giống lúa nếp Thầu dầu, thu hút 42 thành viên tham gia. Trung bình mỗi năm, tổ liên kết thu mua được từ 110-120 tấn thóc, để cung cấp ra thị trường: huyện Phú Lương, T.P Sông Công, T.X Phổ Yên. Từ khi thành lập đến nay, tổ liên kết đã tham gia 14 lượt hội chợ, cung cấp 400 tấn gạo, 6.000 lít tương.
Từ năm 2017, tổ liên kết đã cung cấp ra thị trường được 2,5 tấn thóc giống đã được phục tráng đảm bảo tiêu chuẩn cho người dân mở rộng diện tích. Nhờ gắn kết việc sản xuất với tiêu thụ các sản phẩm từ gạo nếp Thầu dầu, nên các hàng hóa được chế biến từ sản phẩm từ gạo nếp ngày một đa dạng như: tương, bánh các loại, rượu,… Trong đó, gạo nếp Thầu dầu dùng để làm tương nếp đã trở thành sản phẩm đặc trưng, giúp làng nghề tương truyền thống Úc Kỳ ngày càng phát triển, năm 2017 làng nghề đã cung cấp ra thị trường 1 triệu lít tương, với trị giá trên 1 tỷ đồng.
Để từng bước nâng cao chất lượng gạo nếp Thầu dầu ông Dương Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Úc Kỳ cho biết thêm: “Hiện, Úc Kỳ là một trong 3 xã của huyện Phú Bình thực hiện việc dồn điền đổi thửa xây dựng cánh đồng lớn, chúng tôi đã quy hoạch vùng chuyên canh sản xuất giống lúa nếp Thầu dầu với diện tích 25ha. Đồng thời, quy hoạch vùng sản xuất đồng loạt lúa nếp thương phẩm, không để hạt thóc nếp bị lẫn tạp. Đồng thời, tăng cường công tác thông tin truyên truyền, đặc biệt là công tác quảng bá và xúc tiến thương mại cho các sản phẩm được chế biến từ gạo nếp Thầu dầu qua các hội chợ trong và ngoài tỉnh. Tuyên truyền các hộ sản xuất áp dụng triệt để các nguyên tắc sản xuất lúa cải tiến SRI để nâng cao chất lượng sản phẩm, thực hiện nghiêm việc gắn logo, nhãn mác lên bao bì sản phẩm; tổ chức tập huấn về Luật sở hữu trí tuệ cho các hộ tham gia sản xuất lúa nếp Thầu dầu…”.
Những ngày này, bà con nông dân Úc Kỳ đang bắt đầu thu hoạch lúa nếp Thầu dầu, với họ nếp Thầu dầu giờ không chỉ là sản phẩm đặc trưng của địa phương mà đây còn nông sản đang từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người nông dân. Đây cũng là mục tiêu mà Chương trình MTQG xây dựng NTM hướng đến, giúp người nông dân thoát nghèo và làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.