Báo cáo tại hội nghị đã đánh giá: Sau 8 năm thực hiện với sự chỉ đạo quyết liệt, vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, đến tháng 7.2018, cả nước có trên 3.300 xã được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới, chuyển sang giai đoạn nâng cao và hướng tới xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thăm các gian hàng trưng bày sản phẩm do nông dân Điện Biên làm, phục vụ du lịch
Tuy nhiên theo đánh giá, kết quả đạt chuẩn Nông thôn mới của cả nước vẫn còn thấp. Hiện vẫn còn 46 tỉnh, thành phố với gần 2.000 xã chỉ đạt dưới 10 tiêu chí (trong đó có 103 xã đạt dưới 5 tiêu chí), khoảng 360 xã đặc biệt khó khăn thuộc các khu vực biên giới, hải đảo, vùng sâu xa…Những tiêu chí chưa đạt hầu hết là những nội dung quan trọng phản ánh thực trạng cơ sở hạ tầng thiết yếu, chất lượng đời sống của người dân nông thôn, như: giao thông, điện, trường học, trạm y tế, công trình nước sạch, tỷ lệ hộ nghèo, môi trường…
Do đó việc tập trung hỗ trợ cho các thôn, bản, ấp của các xã khó khăn xây dựng Nông thôn mới và giảm nghèo bền vững là một chính sách quan trọng, giúp nâng cao điều kiện sống của người dân ở các khu vực khó khăn. Đồng thời, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, miền, tạo nên kết quả xây dựng Nông thôn mới đồng đều hơn của các địa phương. Đặc biệt là đối với khoảng 3.500 thôn, bản, ấp của 363 xã thuộc 35 tỉnh còn nhiều khó khăn nằm trong phạm vi của đề án.
Theo đó, những mục tiêu quan trọng được đề ra là: Phấn đấu đến năm 2020, cả nước không còn xã dưới 5 tiêu chí; cải thiện nâng cao chất lượng cuộc sống, vật chất tinh thần cho người dân tại các thôn, bản của các xã khó khăn khu vực biên giới; đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm ít nhất từ 3 đến 4% bình quân hàng năm; đến năm 2020 thu nhập của người dân tại các xã thuộc phạm vi đề án tăng ít nhất 1,6 đến 1,8 lần so với năm 2015; có nhiều mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả gắn với liên kết vùng nguyên liệu hoặc mô hình phát triển làng văn hóa du lịch cộng đồng; cơ bản hoàn thành một số công trình hạ tầng thiết yếu cấp thôn bản; phấn đấu 50% bản hoàn thành tiêu chí Nông thôn mới cấp thôn do cấp tỉnh ban hành…
Để thực hiện các nội dung này, trong giai đoạn 2016 đến 2020 các tỉnh có các xã đặc biệt khó khăn thuộc phạm vi hỗ trợ của đề án sẽ được hỗ trợ trực tiếp khoảng 1.400 tỷ đồng vốn phát triển, trích trong tổng số 10% vốn dự phòng của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Ngoài ra các địa phương cũng đảm bảo tối thiểu nguồn vốn ngân sách địa phương bằng vốn ngân sách Trung ương bổ sung để thực hiện đề án.
Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng đoàn công tác thăm mô hình trồng rau của gia đình ông Lê Minh Điều, đội 5, xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên
Tại hội nghị, gần 30 ý kiến tham luận của các Bộ, Ngành Trung ương và Ban chỉ đạo Nông thôn mới các tỉnh được trình bày đã nêu lên tình trạng thực tế và đưa ra các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn ở cơ sở. Đáng chú ý là ý kiến của các tỉnh còn nhiều xã dưới 5 tiêu chí như: Điện Biên, Lai Châu, Nghệ An, Hà Giang, Bến Tre…
Những địa phương này đều cho rằng mặc dù trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm đối với các địa phương gặp nhiều khó khăn và đã ban hành nhiều cơ chế chính sách, tập trung nhiều nguồn lực hỗ trợ... nhưng vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu thực tế, cũng như cải thiện điều kiện sinh hoạt và sản xuất của người dân ở các thôn, bản, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.
Do đó để xây dựng Nông thôn mới ở các xã khó khăn, biên giới phải lấy phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân làm trung tâm và trọng yếu; thực hiện tốt công tác bố trí dân cư, định canh, định cư cho đồng bào các dân tộc; cần có cơ chế, chính sách mạnh mẽ, sát thực tế để người dân thực sự làm chủ thể, phát huy vai trò tích cực của các thôn, bản…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, xây dựng Nông thôn mới là một cuộc cách mạng to lớn, lâu dài, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tạo tiền đề vững chắc cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đòi hỏi sự ủng hộ, vào cuộc tích cực của toàn xã hội.
Tham luận, ý kiến phát biểu của các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương đã cho thấy những kinh nghiệm triển khai ở cơ sở là rất quan trọng để Trung ương tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách của chương trình. Thống nhất lồng ghép các hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, giảm nghèo bền vững với các nguồn lực khác để tập trung đầu tư cho các xã đặc biệt khó khăn.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, phát biểu chỉ đạo hội nghị toàn quốc về xây dựng Nông thôn mới tại các thôn, bản khó khăn gắn với giảm nghèo bền vững giai đoạn 2018 – 2020
Để đẩy nhanh tiến độ dự án, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan khẩn trương hoàn thiện Dự thảo Đề án để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong quý III.2018.
Các Bộ, ngành Trung ương có liên quan chủ động phối hợp với các tỉnh nghiên cứu, có phương án lồng ghép nguồn lực, tập trung đầu tư đẩy nhanh tiến độ “phủ sáng” các xã, thôn, bản, phấn đấu đến năm 2020 đạt mục tiêu 100% hộ dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa được sử dụng điện lưới quốc gia. Tạo điều kiện để người dân vùng khó khăn được vay vốn để sản xuất, kinh doanh góp phần tạo sinh kế và nâng cao thu nhập.
Các địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả giải pháp về tuyên truyền, tập huấn để nâng cao năng lực, kiến thức cho cấp ủy và chính quyền các cấp, nhất là cán bộ, những người có uy tín trong cộng đồng làm công tác xây dựng Nông thôn mới ở xã, thôn, bản, ấp. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức và vận động người dân ngày càng tham gia tích cực hơn vào xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.
Trước đó đoàn công tác của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã đến thăm mô hình Nông thôn mới tại xã Thanh Hưng huyện Điện Biên và thăm một số mô hình tại huyện Mường Ẳng.
Theo Dân Việt
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã