Hội thảo diễn ra trong khuôn khổ Triển lãm Vietstock 2018 tại TP.HCM |
Phúc lợi động vật được hiểu một cách đơn giản là việc đối xử tốt với động vật để con vật có trạng thái tốt nhất về mặt thể chất, tinh thần, tránh những đau đớn không đáng có. Cho dù đó là con vật nuôi làm thực phẩm, công cụ SX, thú cưng hay động vật hoang dã bị nuôi nhốt.
Chăn nuôi Việt Nam những năm gần đây đã có những thay đổi rõ rệt, chăn nuôi hộ nông dân đang dần được thay thế bởi các trang trại, HTX, công ty với quy mô lớn. Bên cạnh đó, địa phương cũng nỗ lực trong việc quy hoạch lò giết mổ, tránh tình trạng tồn tại những lò giết mổ nhỏ tại các khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn khả năng bùng phát dịch bệnh.
Đây là bước đi trong việc phát triển ngành chăn nuôi theo hướng bền vững. Cùng với sự phát triển của ngành chăn nuôi gia súc gia cầm tại Việt Nam, số lượng gà công nghiệp đẻ trứng và lợn nái được nuôi trong các lồng nuôi gà đẻ, cũi nái ngày càng gia tăng…
Theo các chuyên gia, đưa vật nuôi về sống với thiên nhiên sẽ thúc đẩy nền nông nghiệp Việt Nam cạnh tranh được với các nước. Đáng mừng là gần đây, việc bảo vệ động vật ở nước ta cũng có những chuyển biến đáng kể. Ngày càng có nhiều tổ chức cứu trợ động vật thường xuyên tổ chức các hội thảo chuyên đề bảo vệ động vật.
Nhìn ở góc độ luật pháp, đối với vật nuôi, quyền lợi của động vật đã được quan tâm. Cụ thể, Luật Thú ý số 79/2015/QH13 quy định: “Tổ chức, cá nhân chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sử dụng động vật có trách nhiệm quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, vận chuyển phù hợp với từng loài động vật, giảm thiểu đau đớn, sợ hãi, đối xử nhân đạo đối với động vật trong chăn nuôi, nuôi trồng, thủy sản, vận chuyển, giết mổ, phòng bệnh, chữa bệnh và nghiên cứu khoa học...”.
Dự thảo Luật Chăn nuôi cũng đề cập đến “phúc lợi cho vật nuôi” như sau: “Phúc lợi cho vật nuôi là những yêu cầu mà con người cần phải đáp ứng cho vật nuôi có được những điều kiện tốt nhất về các tập tính, được cung cấp đầy đủ về thức ăn, nước uống, phòng bệnh, trị bệnh trong quá trình chăn nuôi và giảm thiểu thấp nhất sự sợ hãi, đau đớn trong vận chuyển, giết mổ”.
Bà Đặng Trang, quản lý mảng động vật trang trại HIS Việt Nam cho biết, HIS đã hỗ trợ nông dân Lê Văn Hòa (Tiền Giang) sang châu Âu học quy trình SX trứng gà với mô hình nuôi gà không lồng, hiện tổng đàn gà của anh Hòa là 500.000 con. Gà mái đẻ trứng có những nhu cầu bản năng của nó, nên trang trại đã chuyển đổi cách nuôi gà mái, thay vì nhốt thì thả trong một không gian rộng lớn để nó có thể bới móc…
Theo TS Hà Thúy Hạnh, PGĐ Trung tâm KNQG: “Phúc lợi động vật có ý nghĩa rất lớn không chỉ đối với con vật mà cả đối với con người, xã hội và môi trường. Chăn nuôi công nghiệp hiện đại đang được chuyển hướng sang chăn nuôi văn minh, gồm lợi ích của người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và phúc lợi vật nuôi. Ngành chăn nuôi muốn phát triển nhất thiết phải đưa phúc lợi động vật vào các chương trình đào tạo, nghiên cứu cũng như áp dụng trong thực tiễn SX và xã hội”.
TS Hà Thúy Hạnh, PGĐ TTKN Quốc gia ký bản ghi nhớ: “Tôi ủng hộ hệ thống nuôi gà không chuồng và nuôi heo nái theo nhóm” |
Cũng tại hội thảo, Trung tâm KNQG cùng các tổ chức chăn nuôi trong và ngoài nước đã ký kết bản ghi nhớ: “Tôi ủng hộ hệ thống nuôi gà không chuồng và nuôi heo nái theo nhóm”.
Tác giả bài viết: Theo Nguyễn Thủy (Báo Nông nghiệp Việt Nam)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã