Từ tiềm năng lớn của loại dược liệu này, cần có chủ trương di thực, vườn ươm giống, để hỗ trợ người dân trồng và nhân rộng mô hình, cải thiện sinh kế.
Người dân xã Phước lợi trồng sâm 7 lá 1 hoa, dưới tán rừng
Đỉnh Ngọc Lum Heo vùng cao Phước Sơn, có một số sâm, dược liệu quý, trong đó, cây sâm bảy lá một hoa, phân bố rải rác ở rừng già, dễ trồng và hiệu quả kinh tế cao, nên người dân xã Phước Lộc, đã di thực cây tự nhiên về trồng ở vườn đồi, vườn rừng, nơi có độ ẩm cao, đất mùn, bóng râm, xem như “của để dành”.
Ông Hồ Văn Yên, xã Phước Lộc, là một trong những người tiên phong di thực cây sâm bảy lá một hoa về trồng ở rẫy của mình từ năm 2009. Do nhu cầu thị trường tăng cao, dược liệu tự nhiên dần cạn kiệt, bởi sự săn lùng ráo riết của người dân. Ngoài bán củ, một số hộ còn di thực cây con về trồng để bảo tồn.
Hiện, thôn 5, 6 xã Phước Lộc, ước tính có vài chục hộ trồng sâm bảy lá dưới tán rừng, chừng 1ha. Hộ trồng ít chừng vài chục gốc, hộ nhiều 200 - 300 gốc. Anh Hồ Văn Quà, có 300 gốc sâm tuổi từ 1 - 3 năm, cho biết, anh lấy cây con từ rừng già (phải mất 1 - 2 ngày đi rừng mới có). Do khai thác cạn kiệt, việc tìm củ sâm để bán và cây giống gây dựng ngày càng khó.
Cây sâm 3 tuổi, có thể thu hoạch, nhưng để càng lâu càng có giá, nên nhiều người muốn giữ tại vườn giống gốc để nhân giống, chứ không bán. “Củ sâm lớn có giá 700 - 1 triệu đồng/kg sâm tươi, 3 - 4 triệu đồng/kg sâm khô. Sâm càng to củ, giá trị càng cao, bán được nhiều tiền. Giá trị củ sâm, tính theo mắt sâm, tương ứng với tuổi sâm. Trước chỉ bán củ, nay họ mua luôn cả cây, lá để ngâm rượu” - anh Quà nói.
Cũng theo người dân bản địa, cây sâm trưởng thành cứ mỗi năm từ chồi sẽ mọc ra một cây con. Ngoài ra, có thể nhân giống bằng hạt, mỗi cây sâm đến tuổi cho 7 - 8 hạt/năm, nhưng do nguồn giống khan hiếm nên họ không bán nữa, giữ lại để nhân giống.
Theo ông Trần Văn Ta - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tây Giang, ở thôn Dầm 1, ước tính dưới tán rừng có chừng 1ha. Khu vực trồng sâm phải bí mật, giấu kỹ. Nếu loài cây này được bảo tồn gen, có vườn ươm nhân giống sẽ giúp người dân thoát nghèo” - ông Ta chia sẻ.
Theo ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, rất cần những nghiên cứu giàu tính khoa học để làm sáng tỏ tính dược, công dụng của loài sâm này. Sở cũng đang tìm hiểu về giá trị của cây sâm bảy lá, chè dây, giảo cổ lam, lan kim tuyến, đinh lăng, cà gai leo, để đưa vào cây trồng được hỗ trợ, theo Nghị quyết của tỉnh. Với quy mô như hiện nay, Sở khuyến khích, ai nhân giống, sẽ được hướng dẫn thành lập hợp tác xã hoặc doanh nghiệp để được hỗ trợ theo Nghị định 65 của Chính phủ.
Nghĩa Hành: Cựu chiến binh 81 tuổi làm vườn giỏi
Trong chiến tranh, ông là người lính chiến đấu, bám đất, giữ làng. Thời bình, ông lại tiên phong làm kinh tế vườn, góp phần xây dựng quê hương mới. Đó là vợ chồng thương binh 2/4 Trương Văn Một (81 tuổi), thôn Khánh Giang, xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi).
Ông Một bên vườn sầu riêng cơm vàng hạt lép cho hiệu quả kinh tế cao
Sau chiến tranh, nhiều người cùng thế hệ ông Một đã về thành thị sinh sống. Thế nhưng, do nặng lòng với nơi mình đã sống và chiến đấu, vợ chồng ông Một quyết định bám trụ vùng đất đồi núi đến cùng, dù cuộc sống lúc bấy giờ vô cùng khó khăn.
Để có điều kiện chăm lo cho gia đình, xây dựng một cuộc sống tốt hơn, vợ chồng ông đã cùng nhau khai hoang, để trồng trọt và phát triển chăn nuôi. Với bản tính cần cù của người lính Cụ Hồ, cùng với sự ham học hỏi trong làm kinh tế, nên chẳng bao lâu, vợ chồng ông Một, đã biến vùng đất bị bom đạn cày xới trong chiến tranh, trở thành mảnh đất màu mỡ, xanh mướt.
Giờ đây, bước vào khu vườn rộng cả hécta của ông Một, ai cũng ngỡ ngàng như đến xứ miệt vườn của miền Tây sông nước. Vườn của ông, có đủ các loại cây trái, như măng cụt, chôm chôm, chuối ngự...
Ngay cả loại cây còn khá mới mẻ với đất, và người Quảng Ngãi lúc bấy giờ như sầu riêng, cũng được ông mang từ Bình Phước về trồng. Hơn 40 năm trôi qua, những cây sầu riêng sau ngày giải phóng, giờ cũng đã già nua theo tuổi của vợ chồng ông.
Thế nhưng, nhờ sự tiên phong này mà đời sống kinh tế của gia đình ông ngày một khấm khá. Còn người dân Quảng Ngãi thì được thưởng thức những loại đặc sản cây trái, của xứ sở miền Nam và Tây Nguyên, nhưng lại mang đậm hương vị vùng đất miền trung du Nghĩa Hành.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây sầu riêng đem lại, vợ chồng ông Một tiếp tục đầu tư, trồng thêm 80 gốc sầu riêng hạt lép cơm vàng. Đến nay, vườn sầu riêng của ông đã cho thu hoạch gần 1,3 tấn/vụ.
Với giá bán 70.000 đồng/kg, vợ chồng ông thu về khoảng 90 triệu đồng. Đặc biệt, nhờ được chăm sóc theo quy trình an toàn sinh học và để quả chín tự nhiên, nên sầu riêng của ông Một có vị thơm ngon đặc trưng, được nhiều người ưa chuộng.
Một tin vui là, giờ đây, các con của ông đều đã yên bề gia thất, nhưng vợ chồng ông Một thì chưa bao giờ có ý định, sẽ rời xa khu vườn cây ăn quả của mình. Vì thế, cứ mỗi lần có người gợi ý chuyện ông chuyển về nơi khác sống, ông Một chỉ cười rồi bảo: “Mình may mắn mới sống đến ngày hôm nay, trong khi bao nhiêu anh em, đồng đội khác đã mãi mãi nằm lại dưới lòng đất. Bởi thế, mình phải sống sao cho trọn vẹn nghĩa tình với mảnh đất quê hương”.
Quảng Ngãi: Làm giàu từ vườn sinh vật cảnh
Hiện, phong trào phát triển sinh vật cảnh ở Quảng Ngãi, không chỉ dừng lại là thú vui tao nhã, mà còn là ngành kinh tế có giá trị cao, tạo việc làm và thu nhập cho nhiều người dân.
Cây kiểng không chỉ là thú vui mà còn đem lại thu nhập cao
Gắn bó với niềm đam mê cây cảnh hơn 30 năm nay, ông Huỳnh Minh Giữ ở phường Nguyễn Nghiêm (TP.Quảng Ngãi) cho biết: “Lúc đầu, tôi chỉ xem trồng cây cảnh như thú vui để giải trí. Nhưng càng về sau, thấy nhu cầu của thị trường cây cảnh ngày càng phát triển, tôi bắt đầu xem đây là nghề làm kinh tế “tay trái”.
Theo đó, bình quân mỗi năm, với trên 100 cây cảnh, đủ các chủng loại được mua đi, bán lại đã mang về cho tôi doanh thu khoảng 100 triệu đồng. Có năm lên đến 300 – 400 triệu đồng”.
Ông Mai Văn Từ, ở xóm Bông, xã Nghĩa Hiệp, cũng cho biết, lựa chọn trồng hoa kiểng là nghề kinh tế chủ lực của gia đình. Vì vậy, ông đã bền bỉ nhân giống, phát triển vườn mai gần 2.000 chậu.
Hơn 30 năm nay, nhờ thủy chung với nghề, “thương hiệu” hoa mai của ông Từ nức tiếng gần xa, người chơi hoa mai dù ở tận Đà Nẵng, Hải Phòng... cũng tìm đến vườn mai nhà ông để mua.
Trung bình, mỗi năm ông bán được trên 100 chậu hoa mai. Tùy từng thời điểm, mỗi chậu mai mang về cho ông thu nhập từ 500 nghìn - 1,5 triệu đồng.
Là ngành kinh tế được mệnh danh có thu nhập “không giới hạn”, bởi giá của cây cảnh luôn thay đổi và tùy thuộc vào thị hiếu của người mua. Vì thế, số lượng người kinh doanh cây cảnh trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng. Đến nay, Quảng Ngãi có khoảng 400ha trồng cây cảnh, hoa kiểng... của gần 500 nhà vườn, trang trại, doanh nghiệp, với khoảng 2.500 người tham gia.
Bên cạnh những nhà vườn, trang trại trồng cây cảnh, hoa kiểng nổi tiếng nói trên; một số làng nghề hoa tươi, hoa phục vụ Tết ở các vùng nông thôn của huyện Tư Nghĩa, Mộ Đức, Nghĩa Hành và vùng ven TP.Quảng Ngãi, cũng phát triển rất mạnh, giúp người dân có điều kiện phát triển kinh tế vườn.
“Gia đình tôi chủ yếu trồng hoa cúc ngắn ngày, bán cho thương lái trong dịp ngày rằm, mùng một, nên tháng nào cũng có thu nhập”, nông dân Huỳnh Tập, ở thôn Hổ Tiếu, xã Nghĩa Hà (TP.Quảng Ngãi) chia sẻ.
Hiện, nhưỡng nông dân ở xã Nghĩa Dũng, Nghĩa Hà đã nhập nhiều giống hoa từ Đà Lạt về ươm trồng, bán, và đã phát triển được vùng chuyên canh hoa lên đến 50ha. Các xã Nghĩa Hiệp, Nghĩa Mỹ (Tư Nghĩa) cũng xây dựng và phát triển làng hoa phục vụ Tết; tạo việc làm, tăng thu nhập ổn định cho hơn 500 hộ gia đình tại địa phương...