Các ý kiến đều thống nhất cho rằng, ngành chăn nuôi nước ta thời gian qua đã có bước phát triển vượt bậc, sản lượng sản phẩm chăn nuôi đã tăng gấp 2 lần trong giai đoạn từ 2005 đến hết năm 2017. Hoạt động chăn nuôi đã gia tăng về quy mô và số lượng trang trại, tạo tiền đề cho phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, công nghiệp.
Bên cạnh những sản phẩm chăn nuôi truyền thống đã xuất hiện nhiều loại hình và đối tượng vật nuôi mới đem lại hiệu quả kinh tế cao. Sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi cũng có bước phát triển lớn, từ chỗ chủ yếu sử dụng thức ăn đơn, tận dụng phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp, đến nay Việt Nam đã có ngành sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi công nghiệp vào loại lớn của khu vực.
Chăn nuôi vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún |
Tuy nhiên, nhìn chung ngành chăn nuôi nước ta còn nhỏ lẻ, chăn nuôi quy mô hộ gia đình còn chiếm tỷ lệ cao (60-70%) nên việc đầu tư áp dụng công nghệ tiên tiến và hiện đại, phát triển chăn nuôi theo phương thức công nghiệp, kiểm soát dịch bệnh và phát huy lợi thế của từng vùng còn gặp nhiều khó khăn…
Trong khi đó, hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi ngành chăn nuôi phải đáp ứng yêu cầu các sản phẩm xuất khẩu phải có chất lượng cao với giá thành hợp lý, đủ sức cạnh tranh. Do đó, Luật Chăn nuôi cần quy định rõ việc quản lý, phát triển bền vững của ngành theo hướng sản xuất hiện đại, theo chuỗi, chú trọng bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường (BVMT) là rất cần thiết.
Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Như So (Bắc Ninh) quy định cụ thể trong dự thảo luật hiện vẫn đang làm khó cho người chăn nuôi, có thể sẽ là cản trở sự phát triển của ngành nếu không có giải pháp cụ thể và đồng bộ về khoảng cách xây dựng cơ sở chăn nuôi liên quan đến 2 nhóm đối tượng là cơ sở chăn nuôi mới và cơ sở chăn nuôi ra đời trước khi luật có hiệu lực.
Với cơ sở chăn nuôi mới, dự thảo quy định phải cách xa chợ, trường học, bệnh viện, khu vui chơi, giải trí, công sở, cơ sở giết mổ, chế biến sản phẩm chăn nuôi, nhà máy, khu công nghiệp, điểm dân cư nông thôn… Ông cho rằng, như vậy phạm vi về khoảng cách đã mở rộng hơn rất nhiều so với Nghị định 66 ngày 1/7/2016 của Chính phủ. Tuy nhiên với thực trạng quỹ đất, sử dụng đất có hạn và xen kẹt như hiện nay thì quy định này khó khả thi.
“Dự thảo luật giao Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết về khoảng cách, mật độ chăn nuôi, song cách xa bao nhiêu lại thiếu căn cứ pháp lý. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung điều kiện và nguyên tắc xác định vị trí đối với từng trường hợp cụ thể để đảm bảo tính khả thi và thực tiễn từng vùng miền. Bên cạnh đó, cũng cần xem xét trình độ công nghệ trang trại, vì nếu sử dụng công nghệ cao xử lý chất thải chăn nuôi triệt để sẽ làm giảm tác động đến môi trường rất nhiều so với chăn nuôi truyền thống”, ông So đề nghị.
Với cơ sở chăn nuôi hoạt động trước khi luật có hiệu lực, dự thảo quy định, trong thời gian 5 năm các trang trại phải giảm quy mô, di dời địa điểm đến khu vực phù hợp. Đại biểu So cho rằng, quy định này cũng gây khó cho các trang trại sản xuất giống vì chi phí đầu tư lớn, thời gian dài. Đơn cử như để đầu tư một trại lợn giống bố mẹ quy mô khoảng 2.000 con, mức đầu tư khoảng 200 tỷ đồng. Nếu trại giống gốc thì chi phí tăng thêm 30%, thời gian xây dựng từ 18-24 tháng sau đó đưa vào chăn nuôi hậu bị 6 tháng. Tính đến khi đủ quy mô đàn thì mất 2,5 năm và phải từ 2-3 năm tiếp theo mới bắt đầu có lãi nếu thị trường giá ổn định.
Do vậy, dự thảo luật cần tách riêng đối tượng cho phù hợp. Cụ thể, thời hạn áp dụng 5 năm chỉ nên áp dụng đối với các trang trại nuôi lợn thịt, còn các trang trại giống thì áp dụng theo lộ trình 5 năm giảm quy mô đàn và 7 năm di chuyển đến địa điểm phù hợp. Như vậy các trang trại mới có thời gian để chuẩn bị đồng thời tránh thiệt hại và lãng phí nguồn lực.
Song song với đó Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ cho các trang trại phải di chuyển như tìm kiếm địa điểm phù hợp, hỗ trợ kinh phí giảm đàn, di chuyển nhằm giảm bớt thiệt hại cho ngành chăn nuôi và ổn định ngành chăn nuôi, tránh bị tác động từ các quy định cứng của luật.
Liên quan đến các quy định kiểm soát thức ăn chăn nuôi, đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) cho rằng, cần cân nhắc việc cho phép sử dụng chất kháng sinh. Theo ông, việc sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi nhằm phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm, nhất là với loại hình chăn nuôi trang trại đã được áp dụng ở nhiều nước, tuy nhiên các nước trên thế giới kiểm soát được do họ chăn nuôi và giết mổ tập trung. Còn ở nước ta, việc chăn nuôi nhỏ lẻ và giết mổ nhỏ lẻ đang chiếm tỷ trọng lớn thì cơ quan chức năng sẽ rất khó kiểm soát.
“Kháng sinh trong thức ăn nếu tồn dư trong thực phẩm chăn nuôi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng. Ban soạn thảo phải hết sức cân nhắc quy định này”, đại biểu Diến đề nghị.
Dương Công Chiến/ Thời báo ngân hàng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã