Liên kết trách nhiệm
“Ruộng nhà mình” là liên kết mới - liên kết trách nhiệm, là sự đột phá tư duy của tỉnh Đồng Tháp” - ông Lê Văn Hiến - Giám đốc dự án VnSAT (Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam) cho biết - “Trong đó, kết nối nông dân với nhà chế biến, nhà xây dựng chiến lược kinh doanh và bán lẻ cộng đồng trách nhiệm kiểm soát hạt gạo từ đồng ruộng đến bàn ăn với tôn chỉ: Công bằng về lợi ích trên toàn chuỗi và minh bạch mọi thông tin với người tiêu dùng”.
Theo đó, các Hợp tác xã tham gia dự án VnSAT Đồng Tháp chịu trách nhiệm sản xuất lúa theo quy trình an toàn; Cty Lương thực Đồng Tháp chịu trách nhiệm bao tiêu, chế biến và đóng gói sản phẩm; Cty CP Chuỗi giá trị nông sản thực phẩm Việt chịu trách nhiệm xây dựng chiến lược kinh doanh và hệ thống phân phối sản phẩm; Cty CP Phát triển Nông nghiệp xanh Hà Nội chịu trách nhiệm kênh bán lẻ (truyền thống, hiện đại, thương mại điện tử); Tập đoàn An Việt chịu trách nhiệm kênh bán buôn (bếp ăn công nghiệp, bếp ăn các trường học, nhà hàng khách sạn). Cụ thể, gạo được sản xuất lúa theo VietGAP: Sử dụng giống xác nhận, phân bón, thuốc BVTV trong danh mục được Bộ NNPTNT cấp phép và sử dụng theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng nồng độ, đúng lúc và đúng cách).
Trước mắt, các đơn vị hữu quan giám sát bằng báo cáo hàng tháng kèm hình ảnh và bằng phần mềm. Nhưng tới đây sẽ phát triển hệ thống camera giám sát đồng ruộng, cập nhật hình ảnh qua thời gian trên website để gia tăng tính tương tác giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng. Nhưng, dù vậy, 10 ngày trước khi thu hoạch, bộ phận chức năng vẫn tiến hành lấy mẫu ngẫu nhiên để phân tích chất lượng và các chỉ tiêu dư lượng thuốc BVTV. Sau khi có kết quả đạt yêu cầu, mới tiến hành thu hoạch. Toàn bộ sản phẩm được bảo quản, chế biến, đóng gói tại Nhà máy chế biến gạo cao cấp đạt chứng nhận ISO 9001:2015, HACCP, BRC và SA 8000 của Cty Lương thực Đồng Tháp. Sản phẩm được đóng gói bao 2kg, 5kg, 10kg trong mẫu mã đẹp, bắt mắt với giá... tối ưu.
“Chính xác hơn là gạo an toàn được bán với giá rẻ hơn từ 10% – 15% so với giá bán sản phẩm cùng loại trên thị trường, nhưng các tổ chức tham gia chuỗi liên kết được chia sẻ lợi nhuận sau bán hàng lên đến 500đ/kg. Thoạt nghe có vẻ hơi khó tin, nhưng đó là sự thật có được nhờ ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý hạt gạo từ đồng ruộng đến bàn ăn” - Ông Hiến chia sẻ thêm.
Tạo hạt gạo niềm tin
“Thời gian qua, nhiều người Việt có xu thế chuộng gạo Campuchia, gạo Thái... không hẳn vì sính ngoại mà vì họ nghĩ nó an toàn so với gạo trong nước. Thực tế cho thấy, người tiêu dùng đang rất hoang mang, ám ảnh về câu chuyện đau lòng “rau hai luống, lợn hai chuồng” mà truyền thông nhiều lần cảnh báo” - Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp Lê Minh Hoan chia sẻ thêm - “Đây là thực trạng “đắng lòng” của ngành nông nghiệp vì chúng ta đã tự làm thua mình bằng cách đánh mất niềm tin người tiêu dùng trong nước ngay trên sân nhà”.
Vì vậy, ông kỳ vọng sản phẩm gạo của Dự án VnSAT Đồng Tháp qua thương hiệu “Ruộng nhà mình” với việc cụ thể hóa 3 thành tố “hợp tác - liên kết - thị trường” sẽ làm ra hạt gạo tạo dựng niềm tin người tiêu dùng bởi sự minh bạch hoá... Qua đó, từng bước xóa bỏ nỗi ám ảnh về hội chứng đau lòng trong sản xuất nông nghiệp thời... tràn ngập hóa chất.
“Cùng với mô hình “Cây xoài nhà tôi”, “Cây cam vườn tôi”, cách làm mang tính đột phá này của Đồng Tháp không chỉ đi đầu tạo dựng lại niềm tin người tiêu dùng, hơn thế nữa, nó còn góp phần giải bài toán khó về khả năng thắng trên sân nhà mà ngành nông nghiệp đang gặp phải trong nhiều năm qua” - TS Đặng Kim Sơn - nguyên Viện trưởng Viện Chính sách Chiến lược (Bộ NNPTNT) nhấn mạnh.
Tuy nhiên, để sản phẩm mới sớm tìm được chỗ đứng vững chắc trên thị trường, với tư cách là Phó Tổng giám đốc Tổng Cty Lương thực miền Nam, ông Lê Minh Trượng lưu ý thêm đến yếu tố đáp ứng nhu cầu thị trường. “Chúng ta cần chú ý đến chủng loại giống mà thị trường cần” - ông Thượng đưa ra thí dụ về bài học mà đơn vị ông quản lý trước đó đã trả giá khi đầu tư vùng lúa an toàn trên nền đất nuôi tôm ở Bến Tre - “Do người dân chuộng giống lúa dễ thích nghi trên nền đất hơi nhiễm mặn, nên kết quả là gạo làm ra có hàm lượng tinh bột cao, cứng cơm, không được người tiêu dùng ưu chuộng nên phải bán cho các cơ sở chế biến bún, bánh tráng”. Nghĩa là hạt gạo làm ra không đến đúng địa chỉ như kế hoạch đặt ra, kéo theo lợi nhuận và ý nghĩa cũng “lạc hướng”.
Thừa nhận những bước đi sắp tới của “Ruộng lúa nhà mình” sẽ còn gặp nhiều thách thức, vì bất cứ sự khởi đầu nào cũng khó, nhất là việc thay đổi tập quán như sản xuất – kinh doanh – tiêu dùng trong nông nghiệp..., nhưng Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp Lê Minh Hoan bày tỏ tin tưởng: “Đồng Tháp sẽ quyết tâm theo đuổi đến cùng. Có đi thì mới có đến. Trong quá trình đó, phát sinh điều gì thì sửa ngay. Vì vậy rất mong ngành chức năng, phương tiện truyền thông cùng chung tay vun đắp, chăm chút, cổ vũ nhân rộng mô hình “Ruộng nhà mình”, tạo niềm tin và sức lan tỏa để tiếp tục phát triển cho nhiều nông sản khác”.
Theo Lao Động
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã