Người dân xã Chiềng Khương (huyện Sông Mã) thu hoạch nhãn. Ảnh: MINH TUẤN |
Hiệu quả từ sản xuất chuyên canh Sơn La được thiên nhiên ưu đãi với nhiều tiểu vùng khí hậu khác nhau, đất đai màu mỡ, rất thích hợp để phát triển đa dạng các loại cây trồng. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La, tính đến hết năm 2017, diện tích cây ăn quả của địa phương vào khoảng gần 45 nghìn ha, chủ yếu là các loại cây như: nhãn, xoài, chanh leo, bơ, chuối, mận… với sản lượng ước đạt gần 200 nghìn tấn. Giá trị sản xuất cây ăn quả ước đạt hơn 1.100 tỷ đồng, chiếm 12% tổng giá trị sản xuất ngành trồng trọt, chiếm hơn 64% giá trị cây lâu năm. Cây ăn quả ở Sơn La được trồng tập trung chủ yếu ở một số huyện như Sông Mã, Mộc Châu, Yên Châu, Thuận Châu, Mường La, Bắc Yên… Những năm qua, cây ăn quả ở Sơn La đã khẳng định ưu thế so với các loại cây trồng khác. Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã (HTX) Hoa Quả Quyết Tâm (xã Tú Nang, huyện Yên Châu) Dương Mạnh Hà cho biết, HTX hiện có 100 hội viên với tổng diện tích cây ăn quả vào khoảng 160 ha, sản lượng đạt 1.600 tấn/năm. Trong đó, diện tích xoài hơn 45 ha, nhãn 51 ha, còn lại là mận. Với giá bán các sản phẩm nhãn, xoài tại vườn từ 8.000 đến 10.000 đồng/kg, mỗi héc-ta người dân lãi từ 350 - 400 triệu đồng/năm. Nếu trồng theo quy trình VietGAP lợi nhuận còn đạt cao hơn. Nhờ trồng cây ăn quả nhiều hộ ở Tú Nang đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ nghề nông. Trong số các loại cây ăn quả được trồng ở Sơn La, nhãn được xem là một trong những cây trồng mũi nhọn. Sơn La hiện là địa phương có diện tích trồng nhãn lớn nhất miền bắc. Toàn tỉnh có khoảng 12 nghìn ha với năng suất 15 tấn/ha, sản lượng hơn 60 nghìn tấn/năm, tập trung chủ yếu ở các huyện: Sông Mã, Yên Châu, Mai Sơn, Mường La và Mộc Châu. Ðể nâng cao hiệu quả kinh tế, người dân đã tích cực hình thành các vùng sản xuất nhãn tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP. Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư tỉnh Vũ Ðức Thuận cho biết: Toàn tỉnh hiện duy trì 15 chuỗi sản xuất nhãn an toàn. Sản lượng được chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP khoảng 5.000 tấn, trong đó, 1.500 tấn được cấp mã số vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu vào các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a… Sau cây nhãn, xoài cũng là loại cây chiếm ưu thế với diện tích hơn 9.000 ha, sản lượng hơn 25 nghìn tấn. Diện tích cây chanh leo ở Sơn La cũng lên tới 1.500 ha, sản lượng 5.000 tấn; mục tiêu đến năm 2020, con số này sẽ tăng lên 5.000 ha. Tỉnh Sơn La cũng có chủ trương để công ty cổ phần Nafood Tây Bắc liên kết phát triển chanh leo tại huyện Mộc Châu để chế biến tinh chất chanh leo xuất khẩu sang các nước châu Âu. Tỉnh Sơn La hiện có 86 sản phẩm nông nghiệp được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Ngoài ra, tỉnh cũng đang hỗ trợ cấp chứng nhận GlobalGAP về thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu cho một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực như nhãn, xoài, phục vụ việc xuất khẩu. Hiện nay, nhiều sản phẩm như nhãn sông Mã, xoài Yên Châu, chè Shan tuyết Mộc Châu đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, nhờ vậy chất lượng cũng như thương hiệu các mặt hàng này được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến nhiều hơn. Các sản phẩm cà-phê, chanh leo ở Sơn La đã xuất khẩu sang các nước Liên hiệp châu Âu (EU), nhãn xuất khẩu sang Mỹ, xoài da xanh xuất khẩu sang Ô-xtrây-li-a. Nỗ lực phát triển thị trường Ðể giúp người dân đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản, trong đó trọng điểm là các loại cây ăn quả, từ đầu tháng 8 đến nay, tỉnh Sơn La đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nhiều hội chợ xúc tiến thương mại tiêu thụ nông sản. Tiêu biểu là "Tuần lễ nhãn và nông sản an toàn tỉnh Sơn La năm 2018" tại TP Hà Nội gồm nhiều chuỗi sự kiện, đã góp phần quảng bá, tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm nhãn Sơn La và nông sản an toàn tỉnh Sơn La tới thị trường trong và ngoài nước. Theo đó, đẩy mạnh việc tiêu thụ nông sản tại siêu thị, chợ đầu mối; tạo điều kiện cho người dân cả nước có cơ hội được tiếp cận với nông sản của Sơn La. Sơn La đang có chương trình phát triển trồng cây ăn quả trên đất dốc dự kiến đạt 100 nghìn ha vào năm 2020, với sản lượng ước đạt hơn một triệu tấn. Ðể đạt được mục tiêu cũng như khai thác tiềm năng cây ăn quả tại địa phương, thời gian tới tỉnh Sơn La tiếp tục đẩy mạnh mối liên kết bốn nhà: Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp. Trong đó, chú trọng tới vai trò của Nhà nước và nhà khoa học trong nghiên cứu cũng như hỗ trợ chuyển giao ứng dụng khoa học - công nghệ nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chí về an toàn thực phẩm. Ðồng thời, thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư các nhà máy chế biến để nâng cao khả năng cạnh tranh; từ đó hình thành các mối liên kết khép kín, chuyên nghiệp, ổn định đầu ra cho sản phẩm. Tỉnh cũng sẽ tiến hành rà soát, quy hoạch các diện tích đất trồng cây ăn quả cho phù hợp. Khuyến khích người dân chuyển đổi những diện tích cây trồng có hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây ăn quả. Tích cực hơn nữa trong công tác dồn điền đổi thửa, tích tụ đất. Mở rộng sản xuất theo hướng tập trung chuyên canh, hình thành cánh đồng lớn, nhằm tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp áp dụng nhanh cơ giới hóa vào các khâu sản xuất - bảo quản - chế biến - vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm các loại quả. |
Tác giả bài viết: MINH HUỆ
Nguồn tin: nhandan.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã