Câu chuyện đời thực của Masanobu Fukuoka và những chia sẻ của ông trong cuốn sách đã thực sự trở thành nguồn cảm hứng cho những người yêu nông nghiệp.
Cuốn sách “Cuộc cách mạng một cọng rơm” khắc họa bối cảnh lúc bấy giờ của đất nước Nhật Bản. Với tham vọng trở thành một cường quốc, người Nhật cho rằng các kỹ thuật nông nghiệp phương Tây sẽ mang lại hiệu quả cao và sự phát triển bền vững.
Chính Masanobu Fukuoka cũng đã dành rất nhiều thời gian cho việc nghiên cứu và theo đuổi những kỹ thuật đó, cho đến khi sự hoài nghi đẩy ông vào khủng hoảng tinh thần.
Ông quyết định từ bỏ công việc của một nhà khoa học, rời phòng thí nghiệm để trở về quê, bắt đầu công việc nghề nông. Suốt phần đời còn lại ông gắn bó với nông trại cùng sự lựa chọn “vô canh”.
Mất 30 năm để thử nghiệm các phương thức canh tác khác nhau, cuối cùng, ông tìm ra 4 nguyên tắc của việc làm nông tự nhiên. Đó là không cày xới, không bón phân, không làm cỏ và không diệt côn trùng.
Tiêu chí không can thiệp vào đất đai, không cày xới đất được xem là quan trọng đầu tiên trong bảng nguyên tắc về nông nghiệp tự nhiên.
Theo ông, thay vì cày xới đất, nên thực hiện các phương pháp nhẹ nhàng hơn như việc trải rơm, trồng cỏ ba lá. “Môi trường sẽ quay lại sự cân bằng tự nhiên của nó và ngay cả những loài cỏ dại phiền toái cũng sẽ kiểm soát được.”
Ông đã trả toàn bộ rơm rạ lại đồng ruộng, chọn thời điểm gieo hạt và cứ để mọi thứ thuận theo lẽ tự nhiên cho đến kỳ thu hoạch. Trên một khu ruộng từng bỏ hoang, lúa phát triển khỏe mạnh, xuyên qua những cọng rơm. Chứng kiến cảnh tượng đó, Masanobu Fukuoka cho rằng “Chỉ từ một cọng rơm này thôi một cuộc cách mạng có thể được khai mào”.
Trong cả đời làm nông của mình, ông không cày xới đất, không dùng phân hóa học hoặc phân ủ, không làm cỏ bằng việc cày xới hay dùng thuốc diệt cỏ, tất cả hoàn toàn không phụ thuộc vào hóa chất.
Masanobu Fukuoka đã miệt mài làm việc trên cánh đồng của mình. Cuối cùng nông trại của ông đã đạt được những thành quả vượt trội. Năng suất lúa và ngũ cốc trên những thửa ruộng tự nhiên của Fukuoka đạt gần 6 tạ trên 1.000 m2, cao ngang với những người canh tác tốp đầu của Nhật thời điểm những năm 1970.
Nhà nông học Masanobu Fukuoka, tác giả cuốn sách Cuộc cách mạng một cọng rơm. Nguồn: vnwriter.net |
Theo Masanobu Fukuoka, người nông dân không cần phải chinh phục tự nhiên mà phải học hỏi từ tự nhiên. Tư tưởng đó của Fukuoka đã vượt ra khỏi giới hạn của một ngành nghề. Dù làm bất cứ công việc gì, con người cũng phải gắn với tự nhiên của họ.
Sự thay đổi không nhất thiết phải bắt đầu từ những thứ vĩ mô mà hoàn toàn có thể bắt đầu từ một sự hiện hữu nhỏ nhoi, ví dụ như sức mạnh của một cọng rơm.
“Cuộc cách mạng một cọng rơm” đã được dịch sang 25 thứ tiếng và bán được một triệu bản sách. Masanobu Fukuoka đã trở thành một nhân vật truyền cảm hứng cho những người có mong muốn tìm kiếm một lối sống tự nhiên. Những triết lý và nguyên tắc canh tác của ông đã lan tỏa khắp thế giới, đến gần với nhiều người làm nông nghiệp.
Không chỉ là sự trải nghiệm về cách thức nuôi trồng các sản phẩm nông nghiệp trong sự tương tác hài hòa với môi trường tự nhiên, cuốn sách còn đem đến cho người đọc những suy tưởng thú vị về triết học, về ăn uống, về y học và cuộc sống.
Thùy Dung/nongthonviet
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã