Học tập đạo đức HCM

Tam nông - mảnh đất tiềm năng cho tín dụng

Thứ năm - 20/03/2014 03:36
Ông Trịnh Ngọc Khánh, Phụ trách điều hành Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Agribank cho biết: Về hướng đi của mình, Agribank xác định sẽ tiếp tục mở rộng và tăng trưởng tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn nhằm "xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng phát triển bền vững hiện đại, đồng thời phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn".
 
Ông Trịnh Ngọc Khánh,  

Ông Trịnh Ngọc Khánh, Phụ trách điều hành Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Agribank trả lời phỏng vấn phóng viên Thời báo Ngân hàng.

Ông đánh giá như thế nào về sự phát triển của lĩnh vực nông nghiệp - nông dân - nông thôn năm 2013? Agribank đóng vai trò gì trong sự tăng trưởng này?

Tôi còn nhớ, trước phiên trả lời chất vấn của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nói rằng, tăng trưởng của ngành nông nghiệp năm nay khoảng 2,9%, thấp hơn trung bình 5 năm trước là 3,3%, tuy nhiên vẫn đạt mục tiêu mà Quốc hội đã đề ra. Xuất khẩu của nhiều mặt hàng như gạo, cà phê, điều… đều đứng nhất, nhì thế giới. Rồi tôm cá, gỗ mỹ nghệ… cũng lần đầu tiên vào nhóm kim ngạch 2 tỷ USD.

Đạt những thành tựu như thế, tôi nghĩ là có sự đóng góp của cả hệ thống chính trị, của các ngành, các cấp chính quyền và của chính những người nông dân. Về phía Agribank, ngay từ khi thành lập, chúng tôi đã xác định nông dân luôn là người bạn đồng hành của mình. Các chính sách của Đảng, Nhà nước như Nghị quyết 10, Chỉ thị 100… đã tạo cơ chế cho nông thôn phát triển. Nhưng muốn khơi dậy điều đó thì nông thôn, người nông dân rất cần đồng vốn. 25 năm qua Agribank đã nhiều lần đổi tên nhưng bao giờ cũng có chữ “nông nghiệp”. Hàng loạt cơ chế, chính sách tạo đồng vốn cho nông nghiệp, nông thôn của Đảng, Chính phủ, NHNN đều có khởi nguồn từ thực tiễn cho vay của Agribank.

Từ Chỉ thị 202/CT ngày 28/6/1991 của Hội đồng Bộ trưởng đến Nghị định 14/CP ngày 2/3/1993, Quyết định số 67/TTg ngày 30/3/1999 và gần đây là Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Thông tư số 14/2010/TT-NHNN ngày 14/6/2010 của NHNN Việt Nam hướng dẫn chi tiết thực hiện Nghị định số 41/2010/NĐ-CP… Đó chính là những điều kiện tiên quyết để Agribank hướng nguồn tín dụng cho tam nông. Tôi nghĩ rằng chính từ nguồn vốn này, đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của lĩnh vực tam nông thời gian qua.

Ông có thể cho biết chi tiết hơn dư nợ của Agribank với lĩnh vực tam nông trong năm 2013, đặc biệt là so với những năm trước?

Dư nợ cho vay của Agribank đã được điều chỉnh mạnh về cơ cấu để tập trung cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Tiếp tục khẳng định vai trò chủ lực trong đầu tư cho tam nông, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn tính đến 31/12/2013 đạt 378.985 tỷ đồng, tăng 18,4% so với cuối năm 2012, chiếm tỷ lệ 71,4% tổng dư nợ cho vay.

Như vậy, năm 2013 dư nợ cho vay của Agribank đã đạt được mục tiêu kế hoạch đề ra, vốn đã tập trung cho nông nghiệp, nông thôn, khách hàng xuất khẩu và các chương trình của Chính phủ, NHNN. Dư nợ cho vay ở hầu hết các khu vực, các lĩnh vực đều tăng trưởng tốt như: Khu vực miền núi phía Bắc tăng cao nhất đạt 21,3%; cho vay thu mua, chế biến, xuất khẩu thủy sản tăng 15,3% so với cuối năm 2012; cho vay thu mua, chế biến, xuất khẩu cà phê tăng 5,4%; cho vay chăn nuôi tăng 24,6%…

Điều đáng mừng là cho vay tam nông có tỷ lệ nợ xấu rất thấp, cỡ 2,21%, riêng cho vay hộ nông dân chỉ hơn 1,51%. Có thể nói chất lượng tín dụng cho tam nông là yên tâm.


Chương trình cho vay tái canh cây cà phê là một trong những trọng tâm của Agribank

Việc đầu tư vào tam nông tiềm ẩn nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh và thị trường, nhưng vì sao Agribank vẫn đi đầu trong việc giải ngân?

Đúng là dư nợ của chúng tôi trong các chương trình cho vay trong lĩnh vực tam nông đều tăng. Trong năm 2013, dư nợ cho vay một số ngành nghề, chương trình phục vụ nông nghiệp, nông thôn đều tăng so với cuối năm 2012: ngành lương thực tăng 7,1%; ngành thủy sản tăng 15,3%… Vốn cho ngành hàng như chè, cao su, chăn nuôi gia súc đều đạt con số tỷ lệ tăng khá ấn tượng.

Về cho vay tam nông, ngoài rủi ro do thiên tai, thời tiết như đã nói thì lãi suất cũng thấp hơn cho vay bình thường, chi phí ngân hàng thì ngày càng cao hơn. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng tôi không hướng về đây. Thứ nhất, đây là chủ trương của Đảng, Chính phủ và quan tâm lớn của NHNN. Thứ hai, do những người nông dân là những bạn hàng truyền thống và như trên tôi đã nói, đây là những người bạn “đồng hành” của Agribank. Trong lịch sử, có lúc người nông dân đã được đề cao như là người cứu chúng tôi khỏi bờ vực phá sản.

Cũng xin “nói nhỏ” với nhà báo, đi cùng với người nông dân cảm nhận được nhiều giá trị hay, họ chân chất, thật thà, cần cù, chịu khó; cần vốn sản xuất thì họ mới vay chứ không ai vay để nhậu cả, khó khăn mất mùa chưa trả được, khi nào có họ sẽ trả nên cũng yên tâm. Thứ ba, khu vực này hiện cũng từng bước được cơ cấu lại theo hướng hiện đại, phát triển quy củ hơn; người dân đã bắt đầu làm ăn lớn, sản xuất hàng hoá… Đây là cơ hội của người nông dân để tiến tới làm giàu và cũng là cơ hội phát triển của Agribank.

Hiện nay nhiều ngân hàng khác cũng đang hướng về tam nông, vì thế để duy trì vị thế trong thị phần ở nông thôn, Agribank đang phải tích cực đổi mới phong cách giao dịch, đơn giản hóa các thủ tục. Dù đã có truyền thống, thương hiệu, nhưng với những “chiêu” tiếp thị, khuyến mại mới, rồi lãi suất hấp dẫn từ các ngân hàng khác, nếu Agribank không đổi mới thì việc bị giảm thị phần là điều khó tránh khỏi. Tôi xin khẳng định rằng, người nông dân đã gắn bó với chúng tôi từ lâu, đó là lợi thế không chối cãi. Nhưng không thể bám vào lợi thế đó mãi mà phải phát huy, cải tiến lợi thế đó mới có thể kinh doanh, phát triển được.

Thưa ông, nói về đóng góp cho nông nghiệp và nông thôn thì vai trò của người nông dân là lớn nhất. Nhưng đâu đó nhiều người vẫn gặp khó khăn thiếu vốn sản xuất. Agribank có những giải pháp gì để hỗ trợ họ?

Vốn thì chúng tôi đã đầu tư rất lớn cho nông dân. Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cũng đã tuyên bố trên nhiều diễn đàn là vốn cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn là không thiếu và thực tế đúng là như vậy: “cần là có”.

Nhưng nói thật là vẫn còn nhiều hộ mặc dù có nhu cầu nhưng chưa được giải quyết. Lý do đơn giản Agribank là một NHTM, phải đi vay để cho vay và phải chịu trách nhiệm về cả đồng vốn đi vay lẫn khi cho vay. Do đó, người dân thiếu vốn phải có phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả, chứng minh được khả năng trả nợ ngân hàng đúng hạn và phải thể hiện bằng văn bản giấy tờ, có cam kết đoàng hoàng.

Đây là cái khó từ phía người vay là khách hàng. Còn phía ngân hàng – địa chỉ cho vay cũng có cái khó: Hiện nay, một cán bộ tín dụng thường phụ trách 1 - 2 xã với khoảng 1.000 hộ có nhu cầu vay vốn, còn ở quy mô 500 hộ là bình thường. Bên cạnh sự quá tải trong công việc, một số quy định, quy trình hiện còn quá chặt chẽ. Do đó, chúng tôi cần có sự hỗ trợ đặc biệt của cấp uỷ, chính quyền cơ sở, sự phối kết hợp của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội ở địa phương. Bên cạnh đó, cần xác định việc cải tiến, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đổi mới phong cách giao dịch là yêu cầu cấp bách.

Thách thức lớn nhất của nông nghiệp trong năm 2014 và những năm tiếp theo là gì và Agribank có những giải pháp nào để chủ động tìm hướng đi cho riêng mình?

Thách thức lớn nhất của ngành nông nghiệp 2014 và các năm sau, theo tôi, vẫn là thiên tai, dịch bệnh; phát triển không theo quy hoạch; được mùa mất giá. Tuy nhiên, về lâu dài, chúng ta phải nghĩ tới chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Hiện nay hàm lượng chất xám trong sản phẩm nông nghiệp của ta vẫn rất thấp, trong khi đó nhu cầu người tiêu dùng trong nước và quốc tế ngày càng cao, nhiều sản phẩm nông nghiệp mất thị phần ngay tại thị trường trong nước như thịt, cá, rau...

Chúng tôi mong muốn Nhà nước có quy hoạch thật đồng bộ cho sản xuất nông nghiệp, phải đầu tư nhiều hơn nữa cho khoa học công nghệ phát triển sản xuất nông nghiệp. Nói đơn giản là từ sản xuất - chế biến - tiêu thụ - xuất khẩu đều phải khép kín. Nếu làm tốt như vậy thì sản xuất của nông thôn, nông dân mới phát triển, ngân hàng mới có cơ hội phục vụ.

Còn về hướng đi của mình, Agribank xác định sẽ tiếp tục mở rộng và tăng trưởng tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn nhằm "xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng phát triển bền vững hiện đại, đồng thời phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn".

Bên cạnh đó, trong năm 2014 chúng tôi cũng sẽ chủ động cân đối thêm vốn cho những ngành, vùng miền có sản xuất hàng hóa xuất khẩu thu ngoại tệ, những nơi gặp khó khăn về vốn do hậu quả bão, lụt, dịch bệnh… gây ra. Chúng tôi cũng sẽ tăng cường sự phối kết hợp hiệu quả với các cấp tổ chức Hội Nông dân và Hội Phụ nữ để đẩy mạnh cho vay.

Những lĩnh vực nào sẽ được ưu tiên giải ngân và Agribank kỳ vọng gì vào tăng trưởng tín dụng của đơn vị trong năm 2014?

Trong chiến lược tái cơ cấu ngân hàng, yêu cầu chung là tỷ trọng cho vay tam nông, doanh nghiệp nhỏ và vừa, xuất khẩu nông lâm sản là 80% trong tổng dư nợ. Hiện nay, chúng tôi đã gần đạt mục tiêu đó rồi. Chúng tôi luôn xác định thị trường nông nghiệp, nông thôn, nông dân là chủ yếu. Do đó, trong năm 2014 cũng như các năm sau, sẽ chú trọng cho vay hộ gia đình sản xuất hàng hoá, hộ kinh tế trang trại, hộ ngành nghề nông thôn, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu… Chúng tôi sẽ hạn chế tăng trưởng dư nợ khu vực thành thị, phi sản xuất để chuyển vốn cho vay nông nghiệp, nông thôn. Làm được thế, chúng tôi nghĩ sẽ duy trì mức tăng trưởng tín dụng cho khu vực tam nông khoảng 16%.

Sắp tới, chúng tôi sẽ nghiên cứu đưa ra sản phẩm cho vay trọn gói với người nông dân, tức là cấp cho nông dân một hạn mức vay. Người dân có thể vay chăn nuôi, trồng trọt, dịch vụ, kể cả là vay để phục vụ học hành… Khi nào hết hạn mức đó thì thôi. Làm được thế thì cũng là một cách để phục vụ tốt hơn người nông dân, đơn giản hóa thủ tục của người dân.

Xin cảm ơn ông!
 

Theo thoibaonganhang.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập425
  • Hôm nay90,574
  • Tháng hiện tại795,687
  • Tổng lượt truy cập90,859,080
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây