Tại buổi toạ đàm "Việc làm trong nông nghiệp" do World Bank Việt Nam tổ chức trực tuyến trên Facebook vào chiều nay (24-10), ông Sergiy Zorya, Chuyên gia cao cấp, Điều phối viên nhóm Nông nghiệp Ngân hang Thế giới nhận định, trong 3 thập kỷ qua, nông nghiệp Việt Nam đã có nhiều bước tiến triển, góp phần vào công tác xoá đói giảm nghèo, nhiều loại nông sản của Việt Nam được xuất khẩu sang các thị trường lớn. Thế nhưng, năng suất lao động trong ngành nông nghiệp của Việt Nam hiện vẫn thấp hơn các nước khác trong khu vực.
“Có rất ít việc làm toàn thời gian trong lĩnh vực nông nghiệp, sinh kế của nông dân Việt Nam phải dựa vào nhiều nguồn khác, nếu chỉ dựa vào nông nghiệp thì thu nhập rất thấp. Có nhiều lý do, trong đó có nguyên nhân đất đai bị hạn chế”, ông Sergiy nói.
Không nêu con số cụ thể nhưng ông Sergiy cho biết, quy mô đất canh tác của nông dân Việt Nam rất thấp so với các nước khác ở châu Á cũng như nhiều quốc gia khác. Cụ thể, diện tích đất canh tác trung bình của nông dân châu Á là 100 ha, ở Úc, Mỹ là 1.000 ha. Con số này ở Ukraina lên đến 2.000-3.000 ha.
Còn theo bà Nguyễn Thị Hòa, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững (SRD), thu nhập hiện nay của nông dân không tương ứng với giá trị thực của sản phẩm làm ra; năng suất lúa vẫn chưa đạt đến mức tiềm năng.
Nêu nguyên nhân dẫn đến hiện trạng này, bà Hòa cho rằng, nông dân đã và đang lạm dụng phân hoá học và thuốc trừ sâu, dẫn đến hư hại đất trồng, năng suất thu hoạch thấp.
“Muốn tăng năng suất cây trồng thì phải nuôi dưỡng và bảo vệ đất nhưng nông dân từ lâu đã không dùng phân hữu cơ, phân vi sinh, những loại phân không thể mua sẵn mà phải đầu tư thời gian làm. Trong khi đó, phân hoá học lúc nào cũng sẵn có, dễ dàng mua. Người nông dân đã quen với cách chăm bón này”, bà Hòa nêu thực trạng.
Bà cho rằng, với cách canh tác này, đất canh tác nông nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long 10 năm trở lại đây bị thu hẹp, ngoài nguyên nhân do nước biển dâng, còn có lý do phân hoá học làm hỏng đất.
“Nếu cứ canh tác như thế, diện tích lúa của khu vực này sẽ còn tiếp tục giảm mạnh. Chúng ta ăn những thứ rất thật từ đất nhưng trả lại cho đất những thứ rất bạc”, bà Hòa nhận định.
Theo bà, muốn nâng cao năng suất, nông dân phải thay đổi cách thức sản xuất và tổ chức sản xuất.
“Rất nhiều thứ ta đổ lỗi cho nông dân nhưng ở tầm vĩ mô, công tác quy hoạch như thế nào để cây trồng vừa hợp với hệ sinh thái lại vừa bảo vệ được hệ sinh thái là chuyện nông dân không thể làm một mình”, bà Hòa nêu ý kiến.
Đề cập đến ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp để tăng năng suất, ông Sergiy cho rằng, quá trình cơ giới hoá đang diễn ra mạnh mẽ ở Việt Nam. Tuy nhiên, đây chỉ là một phần để cải tiến nông nghiệp hiện nay, nông dân cần có sự thay đổi về phương thức sản xuất và chú trọng đến vấn đề bảo vệ đất mới đảm bảo một nền nông nghiệp bền vững.
Đồng ý với quan điểm này, bà Hòa cho rằng, khi nói tới nông nghiệp trong thời kỳ công nghệ 4.0, nhiều ý kiến đề cập đến nông nghiệp thông minh với công nghệ, kỹ thuật hiện đại mà bỏ quên yếu tố con người và năng lực con người.
“Với thực trạng nông nghiệp trong nước hiện nay, liệu chúng ta có áp dụng được hoàn toàn khoa học hiện đại không? Cán bộ khuyến nông ở huyện, tỉnh có đủ năng lực để sử dụng thành thạo máy móc và hướng dẫn lại cho nông dân? Công nghệ phải đến sau cùng, sau khi con người có đủ năng lực tiếp cận”, bà Hòa đánh giá.
Bàn về giải pháp để vực dậy nền nông nghiệp, nông dân không phải bỏ ruộng đồng di cư lên thành phố, bà Hòa và ông Sergiy đều cho rằng, Chính phủ cần đầu tư thích đáng và lên phương án cụ thể cho từng vùng miền, chứ không nên dàn trải áp dụng một mô hình chung cho cả nước.
Một vấn đề khác mà hai chuyên gia này đưa ra trong buổi toạ đàm, là xây dựng mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp. Theo ông Sergiy và bà Hòa, để nông sản tới gần hơn với người tiêu dùng, tăng thu nhập cho nông dân, cần tăng tính liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, phát triển những khu chế biến nông sản sau thu hoạch về các tỉnh, thành phố vệ tinh.
“Chúng ta chưa làm được điều này do rào cản tới từ nhiều phía. Nông dân thì có cái nhìn ngắn, sản phẩm nông nghiệp mang tính thời vụ, không bảo quản lâu được. Thương lái thu mua thì chỉ muốn mua sản phẩm bán lấy tiền liền. Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp để họ hợp tác với nông dân và ngược lại, nông dân cũng phải tin tưởng hợp tác với doanh nghiệp”, bà Hòa nói.
Theo Bảo Uyên/ Saigontimes
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã